Sáng Chủ nhật ngày 27/11/1923, một chiếc vali bạc màu và bám đầy dầu bẩn trôi dạt vào bờ biển Athol, Mosman (Úc).
Những người đầu tiên phát hiện ra chiếc vali đầu tiên là nhóm học sinh đến từ vùng ngoại ô Gladesville khi đó đang đi dã ngoại tại bãi biển.
Ngay nhìn thấy vật lạ, cậu bé William Lodder đã lập tức bị thu hút.
Nhớ đến những câu chuyện tìm thấy kho báu trên biển thời thơ ấu, William háo hức tiến lại gần và mở khóa vali ra thì lập tức xộc lên mũi là một mùi hôi khó chịu. Bên trong vali là một vật thể được quấn kỹ càng bằng khăn tắm và dây ràng.
Do bản tính nhút nhát nên William không dám mở ra, thay vào đó là chạy đến báo cho lũ bạn cũng đang chơi gần đó.
Thế là cả bọn bắt đầu nhập cuộc cùng nhau khám phá chiếc vali. Cô bé Eunice Clare, 12 tuổi, là người dũng cảm tiến đến tháo chiếc khăn với hi vọng tìm thấy trang sức hay kho báu của nhà tài phiệt nào đó vô tình đánh rơi.
Trái với tất cả tưởng tượng của những đứa trẻ, bên trong chiếc vali lại là thi thể của một em bé sơ sinh, miệng ngậm một chiếc khăn tay.
Cảng Sydney những năm 1920, gần bờ biển Athol, nơi phát hiện ra chiếc vali chứa thi thể em bé xấu số.
Sau khi nhận được tin báo, trung sĩ O’Reilly nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Anh nhẹ nhàng đặt em bé xấu số trở lại vali với tất cả sự yêu thương trước khi ra bến cảng bắt chuyến phà và đưa thi thể đến nhà xác thành phố.
Tại đó, trung sĩ O’Reilly và Charles Broomfield, người có 20 năm trong việc trông giữ nhà xác, đã cùng nhau tiến hành khám nghiệm tử thi.
Cả hai xác định đó là thi thể của một bé gái sơ sinh, chết do ngộp thở. Tuy nhiên, điều khó hiểu ở đây là cảng Sydney là bãi đá nguy hiểm với dòng nước mạnh, có thể phá hủy bất cứ thứ gì trôi trên bờ biển.
Ấy vậy mà một chiếc vali bị rơi xuống biển lại có thể được tìm thấy không chút hề hấn ngay trên bờ. Đó là chưa kể đến việc thi thể của đứa bé dù bị ngâm trong nước biển nhiều ngày nhưng vẫn được giữ gần như nguyên vẹn. Điều này khiến cơ quan chức năng khá khó hiểu.
Tiến hành điều tra từ chiếc khăn tay trong miệng em bé, cảnh sát phát hiện một mã code của cửa hàng giặt ủi chuyên nghiệp.
Tìm đến tiệm giặt ủi lớn nhất thành phố, nhân viên điều tra được biết mã code đó cũng chính là mã khách hàng và chủ nhân của nó chính là Jean Oliver, người đang sống tại khách sạn Square and Compass.
“Tôi có một người bạn có con nhỏ và tôi đã đưa cho cô ấy ít khăn tay nhưng tôi tin cô ấy không phải hung thủ” - Jean khai với cảnh sát .
Từ đây, cảnh sát không mất quá nhiều thời gian để tìm ra Sarah Boyd - mẹ của đứa bé đáng thương.
Ngay sau khi bị bắt, người này đã lập tức nhận tội và tự nguyện nói ra sự thật rằng chính cô là người đã bóp cổ, giết chết con gái mình.
Với sự giúp đỡ của Jean, cả hai sau đó đã cùng đi xe lửa đến cảng Circular Quay, lợi dụng trời tối và quăng chiếc vali xuống đáy biển nhằm che đậy tội ác.
Khi được hỏi về lý do ra tay tàn độc với con đẻ của mình, Sarah đổ lỗi cho bố đứa trẻ. Trong suốt nhiều tháng liền, cô phải khó khăn vật lộn với cuộc sống để kiếm tiền trang trải cuộc sống cho bản thân cùng 2 con nhỏ.
Rất nhiều lần cô viết thư cầu xin chồng cũ giúp đỡ nhưng chưa bao giờ nhận được hồi âm. Trong lúc quẩn trí, Sarah quyết định giết chết con gái mình để giảm bớt gánh nặng.
Phiên tòa xét xử diễn ra vào tháng 12/1923, Sarah bị kết án tử hình bằng hình thức treo cổ trong khi Jean cũng phải lãnh án 12 tháng tù giam vì tội đồng lõa.
Theo sự sắp xếp của luật sư biện hộ, rất nhiều tờ báo sau đó đã đăng bài “đòi công bằng” cho người mẹ, cho rằng cô đã phải chịu đựng quá nhiều, bị dồn đến bước đường cùng mới hành động thiếu suy nghĩ như thế.
Sarah bị kết án tử hình vì đã ra tay giết hại con gái ruột.
Jean lãnh 12 tháng tù vì tội đồng lõa giết người.
Nước đi thông minh này của Sarah cũng nhận được rất nhiều sự ủng hộ và cảm thông của người dân nước Úc, hầu hết là những bà mẹ.
Một trong số đó là Annie Lee đã tiến hành chiến dịch “Cứu Sarah”, cho rằng kết quả trên không công bằng đối với một người phụ nữ đã chịu quá nhiều tổn thương và tuyệt vọng kia.
Sau đó là hàng loạt bản kiến nghị gửi đến chính phủ với mục đích kêu gọi tòa án thay đổi quyết định. Áp luật dư luận khiến chính phủ cuối cùng cũng đưa ra quyết định thả tự do cho Sarah và cho cô trở về sống với con trai vào năm 1927.
Vụ án em bé trong vali dù được khép lại đúng với nguyện vọng của đông đảo dư luận song quyết định tha bổng kẻ thủ ác vẫn nhận về không ít ý kiến trái chiều đến tận ngày hôm nay.
Câu chuyện em bé trong vali đã được nhà văn Tanya Bretherton viết thành tiểu thuyết và xuất bản hồi đầu năm nay.
(Nguồn: News.com.au)