Thi thể cổ nhất Trung Hoa
Tháng 3 năm 1994, cả Trung Quốc chấn động bởi vụ việc một người dân thôn Quách Điếm phát hiện một thi hài cổ nằm "trần trụi" dưới con mương đầy bùn đất bên ngoài khu mộ có tên là "Quách Gia Cương số 1". Do ở hiện trường có rất nhiều dấu tích đào xới, rất nhanh, đội chuyên án đã xác định đây là một vụ trộm mộ có quy mô lớn với tính chất man rợ.
Bước đầu xác định, thi thể này đã bị những kẻ trộm mộ đào lên rồi kéo lôi và nằm dưới mương khoảng 39 ngày, khiến cho cái xác hàng nghìn năm tuổi hoàn toàn không thể nhận dạng được. Nếu không phải nhân viên vụ án nhanh chóng xử lý, có lẽ thi hài cổ đại này sẽ biến thành bùn đất.
Bọn mộ tặc thậm chí còn có những hành động hủy hoại thi hài một cách tàn nhẫn như nhổ tóc, xé hết lụa là quần áo rồi buộc dây vào cổ kéo thi thể trên đất sau đó vùi thi thể xuống vũng bùn khiến cho ai ở hiện trường cũng cảm thấy ghê rợn và căm phẫn.
Thi hài cổ được tìm thấy khi trục vớt mương. Hình ảnh: Sohu
Ngoài thi hài nữ này, cảnh sát trưởng Vương Hải Lâm còn phát hiện ra một hố lớn có đường kính khoảng 1,5 mét đã được đào trong ngôi mộ cổ, xung quanh lối vào là những mảng đất sét loang lổ và những mảnh vụn quan tài sơn mài đen.
Sau khi điều tra, họ phát hiện đường hầm có độ sâu hơn 5 mét chạm tới khoang đầu của mộ thất. Xung quanh tường mộ thất bị cạy tung. Mộ thất rộng hơn 10 mét vuông và cao hơn 2 mét, ở giữa có một cỗ quan tài rất to, dày 7 đến 8 tấc bị khoét một lỗ có đường kính khoảng 1 mét. Đây chắc chắn là mộ của tầng lớp quý tộc.
Ngoài thi hài cổ này cảnh sát còn thu hồi được hơn 20 văn vật quý hiếm như sách làm từ thẻ tre, tơ lụa, trang sức... Tất cả đều có giá trị rất lớn đối với lịch sử đất nước tỷ dân bởi những tài liệu ghi chép về thời Chiến Quốc vốn dĩ đã rất ít ỏi.
Lời khai của bọn mộ tặc
Bước đầu ban chuyên án khẳng định vụ án này có liên quan đến nhiều người dân trong thôn Quách Điếm nên đã đến từng hộ dò hỏi tình hình và vận động mọi người cung cấp manh mối cho cảnh sát. Hai ngày sau, một bức thư nặc danh báo rằng Lý Thế Bưu, một cán bộ thôn đã ngấm ngầm cấu kết với bọn mộ tặc để kiếm lợi từ việc đào trộm mộ lấy cổ vật.
Chỉ trong 5 ngày đã có 9 bức thư được gửi đến, một điều làm chấn động là có bức thư tố cáo rằng "Bọn đào trộm mộ có hơn chục người, trong đó có Lý Nghi Hải và Quách Hiếu Bình cầm đầu, Lý Hoa, Lý Tân... Bọn chúng đã vào trong một ngôi mộ có một thi thể phụ nữ vẫn như đang nằm ngủ và lấy đi rất nhiều cổ vật giá trị không thể tính được".
Tên cầm đầu vụ trộm mộ Lý Nghi Hải bị bắt năm 2017. Hình ảnh: Baidu
Mấy ngày sau đã có 3 người là thôn dân tham gia vào vụ "ngôi mộ Quách Gia Cương số 1" ra đầu thú và mang nộp 14 cổ vật đã lấy ở trong mộ. Quách Hiếu Bình, Lý Tân, Lý Hoa lập tức bị công an bắt giữ, riêng tên đầu sỏ Lý Nghi Hải đã cao chạy xa bay để trốn tội.
Theo như đám mộ tặc kể lại, bọn chúng đã lần vào hầm mộ này 2 lần. Lần đầu lấy được hơn 10 thứ gồm tượng gỗ, một bộ nhạc khí Sở Quốc, gương đồng và các hộp bằng tre. Lần thứ hai quay lại bọn chúng quyết định mở nắp quan tài vì nghĩ rằng người xưa hay cất giấu vàng bạc châu báu trong thi hài nên đã buộc dây thừng vào cổ thi hài và kéo ra khỏi hầm mộ.
Các chuyên gia thẩm định thi hài cổ nhất Trung Quốc. Hình ảnh: Zhihu
Bọn chúng xem xét khắp người thi hài cổ nhưng cũng không có gì. Tên Lý Nghi Hải thấy lớp vải lụa quấn quanh thi thể rất đẹp, hắn nghĩ là vải này cũng có giá nên bọn chúng lột lấy cho vào bao tải. Xong việc bọn chúng cầm dây thừng buộc ở cổ kéo thi hài qua mấy thửa ruộng và cỏ dại đến chỗ cách mộ cũ khoảng hơn 30m rồi vùi xuống một cái mương đầy bùn đất.
Với sự tàn nhẫn như vậy, bọn mộ tặc đáng phải chịu hình phạt nặng nhất trước pháp luật. Thế nhưng mãi cho đến tận năm 2017, tức là 23 năm sau, tên đầu sỏ Lý Nghi Hải mới bị bắt và chịu án tử hình.
Điều kỳ lạ trên thi hài hơn 2400 tuổi
Khi Ủy ban di sản Trung Quốc gồm 26 vị chuyên gia tiến hành giám định thì ai nấy đều kinh hãi khi phát hiện da của xác chết cổ này thực sự vẫn còn tính đàn hồi, ước chừng người phụ nữ cao 1,62m và được bảo tồn từ thời Chiến Quốc cách đây đã 2400 năm.
Mặc dù bị di chuyển và cất giấu trong 39 ngày nhưng thi thể không hề bị thối rữa, các chi vẫn có thể uốn cong, đã chuyển sang màu đen và đầy ắp những vết sẹo. Da ở hông, bắp chân, bàn tay phải và gót chân bị tổn thương nghiêm trọng, khớp háng và xương cổ đã bị đứt rời. Sợi dây thừng vẫn buộc vào cổ, dưới sợi dây còn có một vết sẹo sâu.
Thi hài người phụ nữ từ thời Chiến Quốc hiện vẫn đang được bảo tồn tại bảo tàng thành phố Kinh Môn. Hình ảnh: jjcnc
Tính đến giờ, đây là thi thể cổ nhất Trung Quốc được phát hiện trong hình dạng hoàn chỉnh nhất và có thể coi là một bảo vật quốc gia quý hiếm, có giá trị nghiên cứu lịch sử, khoa học và nghệ thuật vô cùng cao. Thậm chí nếu không bị bọn mộ tặc đối xử tàn nhẫn thì vẫn sẽ giữ được da dẻ tươi sáng, mềm mại.