Chương trình truyền hình "I want to know" (tạm dịch: Tôi muốn biết) của đài SBS phát sóng vào ngày 25/5 đã thu hút sự chú ý của cộng đồng với nhiều chi tiết gây phẫn nộ xung quanh cái chết của bà Park Kyung-ae tại một nhà nghỉ ở Yeosu.
Vào tháng 5 năm 2022, cảnh sát nhận được tin báo của nhà quản lý tang lễ về cái chết đáng ngờ của một phụ nữ tại nhà nghỉ ở thành phố Yeosu, tỉnh Jeollanam-do (Hàn Quốc) do gia đình họ Park điều hành. Qua điều tra, phát hiện hệ thống camera an ninh đã bị xóa dữ liệu, cảnh sát đã nhanh chóng khôi phục và phát hiện nạn nhân bị cháu gái 30 tuổi của mình đánh đập dã man chỉ vì không hài lòng với việc dọn dẹp. Sự việc diễn ra 3 ngày liên tiếp trước cái chết của bà Kyung-ae, dẫn đến tử vong do chấn thương nặng.
Nạn nhân được xác định không có quan hệ huyết thống với gia đình Park. Cô được nhận nuôi vào năm 1987 ở tuổi 24 thông qua hệ thống bảo lãnh cộng đồng, khi đó gia đình đã có 5 người con. Người dân địa phương cung cấp thông tin, nhà trọ do ông Park (bố của vợ chồng chủ nhà nghỉ xảy ra vụ án hành hung) quản lý từng là điểm đen của hoạt động mại dâm trong khu vực. Họ cáo buộc gia đình Park đã nhận nuôi Kyung-ae với mục đích bóc lột tình dục.
Những chứng cứ từ cộng đồng cho thấy Kyung-ae có thể đã trở thành nạn nhân của "nô lệ hiện đại". Một số người còn nhớ bà với biệt danh "công chúa gạo nếp" vì làn da trắng và tính cách hiền lành. Tuy nhiên, con trai của ông Park đã bác bỏ những cáo buộc này, khẳng định rằng mục đích của việc nhận nuôi là giúp bà có cơ hội lập gia đình.
Theo lời kể của người dân, việc nhận nuôi không chính thức để tránh kiểm tra của cảnh sát là thực tế tồn tại trong quá khứ. Một người phụ nữ khác, Kyung-hee, cũng được nhận vào gia đình Park theo cùng cách thức. Chủ nhân của nhà trọ khẳng định rằng Kyung-hee tự nguyện tham gia hoạt động mại dâm, nhưng thông tin sau đó cho thấy cô đã phải chịu đựng bạo lực và cuối cùng đã bỏ trốn.
Sau cái chết của chồng, Kyung-ae trở về sống cùng gia đình Park và chị gái bà đã đăng ký bà là người khuyết tật để nhận trợ cấp. Tài sản của bà, gồm 80 triệu won (1,5 tỷ đồng) từ chồng đã qua đời, không bao giờ đến tay bà. Bà Park được cho là đã rút tiền ngay cả sau khi Kyung-ae qua đời, tổng cộng chiếm đoạt khoảng 40 triệu won (750 triệu đồng) trong 10 năm.
Phán quyết của tòa án đã đưa ra vào tháng 9, với cô Joeng, con gái vợ chồng Park, nhận án 20 năm tù. Ông bà Park bị kết án 6 và 2 năm tù vì tội bỏ mặc nạn nhân. Cháu gái đã gây ra cái chết cho Kyung-ae bị án 25 năm tù ở phiên sơ thẩm và giảm xuống 20 năm ở phiên phúc thẩm.
Sự việc này không chỉ là một vụ án cá biệt mà còn phản ánh vấn đề xã hội lớn hơn: sự lạm dụng và bóc lột những người yếu thế. Trong khi hệ thống bảo lãnh cộng đồng đã không còn, những vấn đề liên quan đến quyền lợi và sự bảo vệ của người khuyết tật vẫn cần được quan tâm và giải quyết.
Hệ thống bảo lãnh cộng đồng là một phần của luật pháp Hàn Quốc từ thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng, cho phép việc báo cáo sinh và tử không cần giấy chứng sinh từ bệnh viện nếu có ít nhất hai người lớn, như bạn bè, người quen hoặc họ hàng làm chứng. Điều này tạo điều kiện cho việc nhận nuôi không chính thức và thậm chí là bóc lột lao động, như trường hợp của bà Kyung-ae và bà Kyung-hee được đề cập trong vụ án. Hệ thống này đã được chấm dứt vào năm 2016 trong bối cảnh cải cách pháp luật nhằm tăng cường quyền lợi và bảo vệ công dân, đặc biệt là những người trong hoàn cảnh yếu thế.
Theo SBS