Đền bù theo quý 3, năm nữa các gia đình mới nhận đủ tiền
Ngày 19/6, kết thúc phiên tòa phúc thẩm TAND tỉnh Hòa Bình đã tuyên án trách nhiệm đền bù cho các nạn nhân và người bị hại trong vụ án chạy thận (9 người chết, 9 người ảnh hưởng tới sức khoẻ) sẽ do Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình và Công ty Thiên Sơn chịu trách nhiệm.
Trong đó, bồi thường về thiệt hại tổn thất tinh thần cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất các nạn nhân tử vong với số tiền 139 triệu đồng/1 nạn nhân tử vong. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình phải bồi thường 70% (97,3 triệu đồng/nạn nhân); Công ty Thiên Sơn phải bồi thường 30% (41,7 triệu đồng/nạn nhân).
Vụ án tưởng như đã khép lại, người chết sẽ được siêu thoát, người sống nhận được khoản đền bù ảnh hưởng tới sức khỏe theo đúng pháp luật.
Tuy nhiên sau 3 tháng phiên tòa phúc thẩm kết thúc đến nay gia đình 9 người bị chết, 9 người ảnh hưởng sức khỏe mới nhận được khoản đền bù của Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình. Còn khoản tiền đền bù 728 triệu đồng từ Công ty Thiên Sơn cho 19 gia đình mới nhận được một phần rất nhỏ.
Ông Đinh Văn Tính (1954, xã Sủ ngòi, TP Hòa Bình – bố của nạn nhân Đinh Thị Thu Hằng), đại diện cho các gia đình bị hại cho biết, hiện nay 19 gia đình đang rất bức xúc với các trả tiền đền bù của Công ty Thiên Sơn liên quan tới vụ án.
Theo ông Tính vào tháng 8/2019, cơ quan thi hành án tại Tỉnh Hòa Bình đã giúp 19 gia đình nhận đủ số tiền đền bù tư Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, còn khoản đền bù của Công ty Thiên Sơn sẽ trả cho 19 gia đình theo Quý (3 tháng/lần). Theo đó, mỗi quý sẽ trả đền bù từ 20 -50 triệu đồng cho 19 gia đình.
Sau đó, cơ quan thi hành án Hòa Bình đã chuyển các thủ tục, hồ sơ để phòng thi hành án quận Thanh Xuân, Hà Nội (nơi Công ty Thiên Sơn đặt trụ sở) thực thi theo đúng pháp luật.
Gia đình người bị hại rất bức xức với các đền bù của Công ty Thiên Sơn.
"Chúng tôi không đồng ý với cách trả tiền đền bù theo quý của Công ty Thiên Sơn. Nếu mỗi quý công ty trả cho chúng tôi 50tr/19 gia đình thì phải sau hơn 3 năm chúng tôi mới nhận đủ số tiền đền bù. Vụ án này kéo dài đã quá lâu chúng tôi là người bị hại mất người, mất của đau xót vô cùng.
19 gia đình chúng tôi có nhiều gia đình ở vùng sâu, vùng xa không phải gia đình nào cũng thuận có điều kiện đi lại thuận lời để từng Quý xuống Hà Nội lấy tiền được", ông Tính nói.
Vào ngày 13/8, ông Đinh Văn Tính và ông Phạm Ngọc Thạo (sinh 1952, Phường Tần Hoà, TP. Hòa bình - chồng của nạn nhân Lê Thị Chung) đại diện 19 gia đình xuống cơ quan thi hành án Thanh Xuân, Hà Nội để trình bày mong muốn được Công ty Thiên Sơn trả toàn bộ số tiền.
Đến ngày 20/9, 19 gia đình chỉ nhận được số tiền 50 triệu đồng từ Công ty Thiên Sơn. Với số tiền này gia đình người bị hại sẽ nhận được 4.097.000đ và người ảnh hưởng sức khoẻ 1.029.000đ.
Chúng tôi như đang phải đi xin từng đồng tiền
Ông Phạm Ngọc Thạo chia sẻ: "Hôm đi nhận tiền (20/9), rất nhiều người đã khóc vì bức xúc, bất bình. Chúng tôi mất người đau khổ chồng chất số tiền đền bù chúng tôi nhận được chỉ 100 tháng lương.
Trong 2 năm, xử án mỗi lần nhắc tới người thân đã chết chúng tôi cũng đau lắm chứ, vì người thân của chúng tôi chết không nói được một lời trăng trối. Giờ vụ án đã xong mà công ty đền bù theo kiểu vậy chúng tôi thấy đau xót vô cùng".
Theo ông Thạo với cách đền bù của Thiên Sơn theo từng Quý chẳng khác gì các gia đình đang phải đi "xin" từng đồng đền bù. Các gia đình bị hại cảm thấy tủi thân vì tính mạng và sức khỏe của người thân họ không được coi trọng.
Cả ông Thạo và ông Tính đều khẳng định, nếu như Công ty Thiên Sơn không đền bù dứt điểm một lần cho các gia đình họ sẽ viết đơn kêu cứu tới các cơ quan có trách nhiệm.
"Chúng tôi đã quá khổ rồi, chúng tôi là người bị hại mà giờ không khác gì người phải đi xin tiền đền bù. Chưa kể rất nhiều gia đình người bị hại, người ảnh hưởng sức khỏe ở những huyện vùng sâu vùng xa mỗi lần đi lại lấy tiền rất vất vả.
Hay phía công ty Thiên Sơn nghĩ chúng tôi là người dân tộc, không am hiểu pháp luật nên làm khó?", ông Thạo nói.