Lời khai mâu thuẫn của 2 bị cáo Trương Quý Dương và Hoàng Đình Khiếu
Trong phiên xét hỏi chiều 14/1, HĐXX Toà án nhân dân TP Hoà Bình làm rõ các vấn đề về việc đào tạo chuyên môn lọc máu.
Cựu Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình Trương Quý Dương cho biết, về chuyên môn, con người, bị cáo rất yên tâm. Còn về cơ sở vật chất thì bệnh viện đã tìm rất nhiều nguồn. Còn về mặt pháp lý sau khi có Quyết định số 23 của Bộ Y tế thì bệnh viện đã xin phép Sở Y tế cho phép triển khai kỹ thuật đó.
Về con người, ông Trương Quý Dương nói căn cứ theo đề xuất tham mưu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đã ký hợp đồng với bệnh viện Bạch Mai (khoảng 5 hợp đồng) chuyển giao kỹ thuật do PGĐ Hoàng Đình Khiếu trực tiếp ký.
Trên cơ sở các hợp đồng chuyển giao công nghệ, BV đã cử đúng số lượng người đi học ở BV Bạch Mai. 23 cán bộ của BV Hòa Bình, tính cả bác sĩ là 26 (3 bác sĩ là bs Khiếu, Tình, Lương) đã được cử đi học về lọc máu ở BV Bạch Mai và đều có chứng chỉ, trong đó ghi rõ đã làm được những kỹ thuật gì, bao nhiêu lần.
Ông Trương Quý Dương đến tham dự phiên toà sáng nay. (Ảnh: Xuân Hoàng)
Tất cả những cán bộ này đều được học 5 kỹ thuật lọc máu, đều được cầm tay chỉ việc, khi nào kết thúc thanh lý hợp đồng, thực hiện thành thục mới được nghiệm thu.
Cũng theo bị cáo Dương việc chuyển giao công nghệ bệnh viện đã có ký kết với bệnh viện Bạch Mai theo đề án 86, đây là một đề án mang tính xã hội, không đặt vấn đề quyền lợi. Đối với BV Bạch Mai trách nhiệm là hoàn thành nhiệm vụ Bộ Y tế giao và giảm tải cho bệnh viện tuyến đặc biệt.
Theo hợp động ký chuyển giao công nghệ với BV Bạch Mai, có 4 nội dung: lọc máu thông thường, lọc máu cấp cứu, xử lý nước, rửa quả lọc.
"Người ký kết với BV Bạch Mai là bác sĩ Hoàng Đình Khiếu, là người có chuyên ngành sâu. Bác sĩ Khiếu tạm thời phụ trách đơn nguyên, thuộc khoa Hồi sức tích cực và hoạt động theo quy chế bệnh viện", bị cáo Dương cho hay.
Tuy nhiên, trong phần khai của mình trước toà, ông Hoàng Đình Khiếu lại khẳng định mình không được chuyển giao kỹ thuật lọc máu, dù ông Khiếu có trong danh sách chuyển giao của BV Bạch Mai. Ông Khiếu cũng không biết mình có tên trong danh sách.
Trước lời khai mâu thuẫn của 2 bị cáo, tòa yêu cầu ông Khiếu giải thích rõ để xem xét trách nhiệm của Bệnh viện Bạch Mai.
Theo bị cáo Khiếu, quyền hạn, chức trách, nhiệm vụ, phân công của bị cáo chỉ là giúp việc cho Giám đốc; thực thi công việc được giáo đốc giao; Thay thế giám đốc khi được giám đốc ủy quyền.
Đối với trách nhiệm và quền hạn của bị cáo Khiếu ở phòng vật tư chỉ là lập kế hoạch hàng năm trình ban giám đốc mua, sắm thiết bị, vật tư y tế… Ngoài ra, ông Khiếu sẽ ký duyệt đề xuất sửa chữa, trang thiết bị trong bệnh viện, khoa phòng nếu có đề xuất cung ứng vật tư.
Nói về việc tổ chức con người, giám sát tại phòng vật tư, bị cáo Khiếu khẳng định: "Công tác tổ chức nhân sự thuộc về tổ chức và ban giám đốc. Bị cáo chỉ là người giúp việc cho giám đốc. Phòng vật tư làm việc không cần thông qua bị cáo. Không có quy định, từ khi phòng vật tư có những vấn đề phòng vật tư. Quyền hạn phòng vật tư của bị báo không rõ ràng".
Bị Khiếu trình bày thêm, trong quy chế bệnh viện bị cáo chỉ là giúp việc, khi giao nhiệm vụ mới làm. Giám đốc là người có quyền hạn bổ nhiệm trưởng khoa.
Bị cáo Hoàng Đình Khiếu tại phiên toà chiều 14/1.
Nói về quyền lãnh đạo tại đơn nguyên chạy thận, bị cáo Khiếu cho biết: "Bị cáo có quyền hạn bố trí nhân lực nhân sự trong khoa phù hợp với trình độ chuyên môn, năng lực của từng người. Đơn nguyên thận nhân tạo là một bộ phận thuộc khoa Hồi sức cấp cứu (HSCC). Khoa HSCC cử người đi học về ký thuật lọc máu. Riêng bị cáo không được đào tạo về kỹ thuật lọc máu".
Làm rõ việc liên doanh liên kết giữa bệnh viện Đa khoa Hòa Bình và công ty Thiên Sơn
Về cơ sở vật chất, ông Dương cho biết lãnh đạo bệnh viện cùng với bị cáo xây dựng từ nhiều nguồn. Thứ nhất là từ dự án xây dựng lại bệnh viện, trong đó có hệ thống RO số 1. Do nguồn kinh phí hạn hẹp nên bệnh viện quyết định bổ sung thêm 1 kênh nữa từ nguồn xã hội hóa RO số 2. Toàn bộ hệ thống RO đều do bệnh viện dùng kinh phí để mua, duy nhất chỉ xã hội hóa trong máy chạy thận.
Trong số 18 máy thì bệnh viện sở hữu 13 máy còn 5 máy liên kết. Bệnh viện thuê máy là theo quy định của pháp luật. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và điều kiện kinh tế bị cáo thấy như thế là hoàn toàn có lợi cho bệnh viện, cho tỉnh vì không phải bỏ ra đồng nào, có lợi cho nhân dân. Theo ông Dương, việc ký hợp đồng với công ty Thiên Sơn đã được nghiên cứu kỹ.
Trong quá trình hợp tác Thiên Sơn hoàn toàn đáp ứng về mặt chuyên môn. Tổng cộng có 4 lần bệnh viện ký với Thiên Sơn, mỗi lần ký đều phải theo quy trình. Do mỗi lần nhu cầu đề xuất 1-2 máy nên việc phối hợp quản lý không thuận tiện nên bệnh viện quyết định chọn 1 đơn vị để phối hợp quản lý. Về việc ký kết thực hiện theo thông tư 15 của Bộ Y tế về xã hội hóa.
Theo bị cáo Dương trách nhiệm của Công ty Thiên sơn đối với BV là cung cấp máy theo hợp đồng, đảm bảo máy mới 100%, chuyển giao về mặt kỹ thuật máy, đảm máy hoạt động liên tục.
Về viện phân chia quyền lợi của Thiên Sơn và BV Hòa Bình bị cáo Dương xác định khi thành lập đơn nguyên chạy thận thì không đặt mục tiêu lợi ích kinh tế.
Theo đó, giai đoạn 1 khoảng gần 1 năm rưỡi giá phê duyệt ca chạy thận 400.000đ/ ca (quả lọc, dây truyền, thuốc, tim, bông băng, điện, nước…) và thống nhất bên nào làm bên đó hưởng đó là doanh thu không phải lợi nhuận. Bệnh viện ĐK Hòa Bình không thu thêm của bệnh nhân bất cứ đồng nào.
Gia đoạn 2: Do có những biến động về giá, lãi suất ngân hàng, máy móc, vật tư… nên Công ty Thiên Sơn có yêu cầu tăng giá ca chạy thận. Xét thấy yêu cầu của công ty là hợp lý nên lãnh đạo bệnh viện đã đồng ý tăng giá.
Bị cáo Dương khẳng định: "Công ty Thiên Sơn không có quyền tham gia giám sát chất lượng chạy thận tại bệnh viện. Việc Thiên Sơn cử người đến chỉ là để đếm số ca chạy thận, đảm bảo quyền lợi của họ (đếm số ca lấy tiền)".
Kết thúc lời khai bị cáo Dương khẳng định đã trả lời cơ bản đã trả lời những ý HĐXX hỏi, trong quá trình xét hỏi nhớ gì sẽ xin được bổ sung sau.
Các bị cáo có mặt tại phiên toà sáng 14/1. (Ảnh: Xuân Hoàng)