Bị cáo Thắng nguyên là Trưởng phòng Vật tư còn bị cáo Sơn là nhân viên phòng vật tư, BVĐK Hòa Bình. Cả hai bị Viện kiểm sát Nhân dân TP Hòa Bình (VKS) cáo buộc tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
"VKS truy tố theo hướng không có cá nhân nào phụ trách RO là không có căn cứ pháp luật"
Nội dung phiên tranh tụng sáng 23/1 vẫn tập trung vào việc có chuyện bàn giao máy lọc máu, hệ thống RO từ Phòng Vật tư cho đơn nguyên chạy thận hay không?
Theo quan điểm của VKS, tại đơn nguyên lọc máu không có một cá nhân nào được giao quản lý hệ thống RO số 2.
Đáp lại, luật sư Trương Quốc Hòe (bảo vệ cho bị cáo Hoàng Công Lương) cho rằng VKS đang luận tội của các bị cáo và thay đổi tội danh 3 lần với bác sĩ Hoàng Công Lương đều dựa trên vấn đề bàn giao máy móc. Do đố ông đề nghị VKS xem xét lại, rút lại quan niệm về bàn giao là chứng cứ truy tố tội danh với bác sĩ Hoàng Công Lương và các bị cáo khác.
LS Trần Hồng Phúc (cũng bảo vệ cho Hoàng Công Lương) trình bày quan điểm rằng VKS phải làm rõ quyết định bàn giao máy của ông Khiếu cho ông Tình có phải là hợp thức hay không. Vì trước đó, trong lý lịch máy rất rõ ràng đã giao cho bác sĩ Tiến (năm 2011), các lần sửa chữa máy đều ghi lại lịch sử.
Sau khi bác sĩ Tiến chuyển công tác, không có sự giao lại cho ông Hoàng Công Tình. Bị cáo Thắng cũng đã khai chỉ bàn giao với máy móc mới, còn hệ thống RO là máy móc cũ nên không có bàn giao. Vậy thì văn bản quyết định mà ông Khiếu giao cho ông Tình có phải hợp thức hóa hay không - LS Phúc hỏi VKS.
Luật sư Trần Hồng Phúc (trái).
Luật sư Phúc đồng ý với quan điểm của ông Thắng về việc trang thiết bị mới thực hiện bàn giao. "Với trả lời của VKS, không tìm thấy văn bản bàn giao cho ông Tình, về việc này tôi cảm thấy bất lợi cho ông Tình, các phòng ban đều có thủ tục lưu giữ giấy tờ nên việc không tìm thấy tức là không có biên bản bàn giao với ông Tình.
Do đó, đại diện VKS cho rằng căn cứ quy định cụ thể, việc giao cho ông Tiến nhưng đã đi khỏi và ông Tiến đã giao lại cho khoa. Tại phiên tòa, chúng tôi chứng mình không ai quản lý việc đó, thì trách nhiệm thuộc về Trưởng Phòng vật tư".
Đến lượt mình, đại diện VKS đã trình bày quan điểm luận tội của mình đối với các câu hỏi của luật sư như sau:
- Về vấn đề viện dẫn trang thiết bị mới mới được bàn giao còn trang thiết bị cũ thì không: VKS căn cứ vào mục một nhỏ trong quy định về trang thiết bị y tế sẽ phải thuộc quản lý của phòng vật tư.
"Trang thiết bị trước đó được giao cho ông Tiến, nhưng ông Tiến đã chuyển công tác nhưng không có cá nhân nào phụ trách RO. Vì vậy máy móc không có người quản lý nên khoa mới đang tùy tiện sử dụng gây ra sự cố y khoa ngày 28/5", VKS viện dẫn.
- Về vấn đề thẩm quyền giao việc, VKS đề nghị các luật sư xem xét lại công văn của BVĐK Hòa Bình và Sở Y tế đã trả lời.
Sau khi VKS trình bày, luật sư Phạm Quang Hưng (đại diện Công ty Thiên Sơn) nhận định: Bản luận tội hiện nay của VKS truy tố theo hướng không có cá nhân nào phụ trách RO là không có căn cứ pháp luật. Vì mọi tại sản phải có cá nhân, tổ chức quản lý.
Nếu như không tìm ra người quản lý hệ thông RO, việc truy tố tội danh sẽ không khách quan. Do vậy ông Hưng đề nghị HĐXX trả lợi hồ sơ để điều tra lại.
"VKS đưa ra cáo buộc ngược"
Trong nội dung tranh tụng về tội danh Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đối với bị cáo Trần Văn Sơn, luật sư Nguyễn Tiến Thủy (bào chữa cho bị cáo Sơn) cũng phản đối luận tội của VKS, cho rằng chưa đúng người đúng tội.
LS Nguyễn Tiến Thủy, bào chữa cho Trần Văn Sơn.
Luật sư Thủy cho rằng, về việc xét nghiệm nước AAMI, luật sư đã trình bày nhiều nhưng cơ quan điều tra dường như vẫn không hiểu. Tiêu chuẩn AAMI chỉ là của Hiệp hội tiêu chuẩn thiết bị y tế của Mỹ và có hàng nghìn tiêu chuẩn, biết tiêu chuẩn nào để xét nghiệm, làm sao xét nghiệm được?.
Đối với nhận thức của bị cáo Sơn, Sơn không biết đây là cái gì bởi bị cáo không được tiếp cận hợp đồng và điều này trách nhiệm thuộc Bộ Y tế, cơ quan quản lý không có hướng dẫn cụ thể, nhân viên không biết làm như thế nào cho đúng.
Phân công công việc cho bị cáo Sơn không có nội dung kiểm tra giám sát mà chỉ kiểm định. Trong phòng vật tư không ai biết, ai hiểu chỉ đến để nhìn, bị cáo Sơn chỉ đến ghi nhận trang thiết bị có đầy đủ hay không.
"VKS đã đưa ra một cáo buộc ngược, người có trách nhiệm cảnh báo phải là điều dưỡng. Trước đó, Bùi Mạnh Quốc (người có chuyên môn) đã thừa nhận đã không cảnh báo", LS Thủy khẳng định.
Theo ông Thủy, trình độ bị cáo Sơn thấp nhất, chức vụ thấp nhất nhưng lại chịu trách nhiệm cao nhất về tội danh thiếu trách nghiệm gây hậu quả nghiêm trọng là rất ngược.
Sơn làm việc tại BV ĐK Hòa Bình nhưng không có hợp đồng công chức và viên chức. Do đó, VKS không có đủ căn cứ pháp luật để buộc tội Sơn, Sơn không phải là chủ thể của tội danh.
Đối đáp với luật sư Thủy, VKS nói Sơn thực hiện theo báo giá Sơn lập ra. Với nhiệm vụ Sơn được giao, ông Thắng giao, Sơn phải nắm được nội dung thực hiện công việc. Đây chính là nội dung thiếu trách nhiệm.
Về nội dung AAMI, khi nội dung đưa vào hợp đồng là căn cứ bắt buộc phải thực hiện. Sơn phải thực hiện đầy đủ nội dung thỏa thuận với bên sửa chữa.
VKS cũng đã căn cứ vào việc giao của ông Thắng phụ trách máy móc đơn nguyên thận nhân tạo. Điều thứ 2, Sơn đã hiểu vấn đề và đã thực hiện đúng theo nội dung hợp đồng.
Theo quan điểm của VKS là Sơn không ngăn chặn, do trong quá trình sửa chữa chưa xong nên cảnh báo vẫn là thuộc phòng vật tư. Riêng hành vi của điều dưỡng Hằng sẽ bị xử lý hành chính. Như vậy, Sơn là người đầu tiên và quan trọng ngăn cản được đơn nguyên lọc máy đưa vào sử dụng.