Ngày 15/1, TAND TP Hòa Bình tiếp tục ngày thứ 2 phiên xét xử 7 bị cáo liên quan đến sự cố chạy thận làm 9 người tử vong ở Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình.
Xuất hiện bên ngoài phiên toà, bị cáo Bùi Mạnh Quốc (SN 1986) - giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh) và bị cáo Trần Văn Sơn (SN 1990) - cán bộ Phòng Vật tư, trang thiết bị y tế, BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình được lực lượng an ninh áp giải đến phiên tòa.
Theo cáo trạng, sau khi ký kết hợp đồng số 315 giữa BVĐK Hòa Bình và Cty Thiên Sơn, bị cáo Trần Văn Sơn (người bị áp giải trong ảnh) được Trần Văn Thắng - Trưởng Phòng Vật tư, trang thiết bị y tế - giao trực tiếp là đầu mối làm việc với Thiên Sơn. Nhưng thực chất Sơn làm việc trực tiếp với Bùi Mạnh Quốc (do Thiên Sơn bán thầu lại cho Trâm Anh).
Cũng theo cáo trạng, sau khi Quốc sục rửa hóa chất xong, dù không kiểm tra việc Quốc sửa chữa, không lấy mẫu xét nghiệm mẫu nước, nhưng Trần Văn Sơn vẫn thông báo cho điều dưỡng về việc hệ thống có thể sử dụng bình thường. Cáo trạng truy tố bị cáo Trần Văn Sơn về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Bùi Mạnh Quốc (SN 1986) - bị còng tay trong ảnh, từng là giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh. Trong bản cáo trạng truy tố lần 2 của VKSND tỉnh Hòa Bình, bị cáo Bùi Mạnh Quốc bị truy tố về tội Vô ý làm chết người (cùng tội danh với bị cáo Hoàng Công Lương).
Sau khi ký hợp đồng với Thiên Sơn, Bùi Mạnh Quốc đã trực tiếp sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, nhưng Quốc đã để tồn dư hóa chất.
Trước đó, sáng ngày 8/1, xuất hiện bên ngoài phiên toà, bị cáo Bùi Mạnh Quốc được lực lượng an ninh dẫn đến trong tình trạng còng tay, khuôn mặt liên tục ngó nghiêng, dáo dác tìm người nhà. (xem thêm)
Bị cáo Hoàng Công Lương trong phiên tòa sáng 15/1. Theo cáo trạng lần 2, VKS đã truy tố Hoàng Công Lương tội Vô ý làm chết người theo quy định tại khoản 2, Điều 98, BLHS năm 1999.
Bị cáo Trương Quý Dương - nguyên Giám đốc BVĐK Hòa Bình (áo nâu). Theo cáo trạng lần 2 của VKS, bị cáo Dương đã không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao, buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra thường xuyên đối với cấp dưới, để cho cấp dưới có những vi phạm nghiêm trọng trong một thời gian dài, vi phạm một loạt các quy định, quy chế của Bộ Y tế.
Do đó, Trương Quý Dương bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại khoản 2 Điều 285 BLHS 1999.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ án chạy thận sáng nay, 15/1.