Vụ ám sát ở Iran là "món quà thách thức" của Israel gửi đến ông Biden?

Mạnh Kiên |

Nếu Israel đứng đằng sau vụ ám sát Fakharizadeh, điều này có thể giải thích rằng nó có được cái “nháy mắt đồng ý” từ Ngoại trưởng Pompeo, cùng với Tổng thống Trump?

Giao tiếp bằng ánh mắt

"Một trong những con mắt của họ, thậm chí là cả hai, đều nhìn về Washington chứ không phải Iran", Thiếu tướng Amos Yadlin, cựu giám đốc tình báo quân sự và hiện là giám đốc viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia Israel, nói với Army Radio Station hôm 29/11.

Ông trả lời câu hỏi của người phỏng vấn về động cơ đằng sau vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Iran Mohsen Fakharizadeh ngày 26/11 – vụ việc mà Tehran cáo buộc Tel Aviv là chủ mưu. Trong khi toàn bộ Trung Đông đang bị cuốn vào những căng thẳng chưa từng có giữa Iran và Israel, điều giới quan sát chú ý hơn lại là những tính toán trong trục Washington và Tel Aviv.

Người Iran, người Mỹ và phần còn lại của thế giới đều cho rằng chiến dịch ám sát đầy bất ngờ và táo bạo ở trung tâm Iran rất có thể là do cục tình báo Mossad của Israel thực hiện. Trong khi Israel không có tuyên bố chính thức nào thừa nhận trách nhiệm vụ tấn công, người ta đã chú ý đến sự thừa nhận ngầm của Thủ tướng Benjamin Netanyahu trong tuyên bố được đưa ra gần đây.

Vụ ám sát ở Iran là món quà thách thức của Israel gửi đến ông Biden? - Ảnh 1.

Nhà khoa học hạt nhân Iran Mohsen Fakharizadeh bị ám sát đã khơi mào căng thẳng mới trong khu vực.

"Các hoạt động của Israel trong những tháng gần đây nói chung và lần này nói riêng khiến tôi liên tưởng đến cuộc mua sắm vội vã của cô bồ có người tình sắp chết", một nhà ngoại giao phương Tây giấu tên nói với Al-Monitor. "Cô ấy biết rằng một khi anh ấy nhắm mắt xuôi tay, bữa tiệc kết thúc, vì vậy cô ấy đang cố gắng làm mọi thứ có thể ngay lúc này".

Theo cách giải thích trên, trên bàn của ông Netanyahu và Giám đốc Mossad Yossi Cohen chất đầy danh sách "việc cần làm" và cả hai cố lấp đầy càng nhiều ô trống càng tốt trước khi Washington "cắt hạn mức tín dụng" – cụ thể hơn là khi ông Trump rời Nhà Trắng.

Mục tiêu của Israel là công kích chương trình hạt nhân bị cáo buộc của Iran, làm rối loạn chính quyền Iran và tạo ra nhiều hỗn loạn nhất có thể để cản trở các cuộc đàm phán mới của chính quyền Joe Biden trong tương lai với Tehran khi nhà lãnh đạo nước Mỹ muốn quay trở lại chính sách Iran giống thời Barack Obama – điều khiến ông Netanyahu không hài lòng.

Theo Al-Monitor, trong khi ông Netanyahu chấp thuận các hoạt động do Mossad đề xuất ở phía sau chiến tuyến kẻ thù, ông cũng duy trì giao tiếp bằng mắt với hai thực thể riêng biệt ở Washington: Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao.

Nếu Israel đứng đằng sau hoạt động ám sát, điều này có thể giải thích rằng nó có được cái "nháy mắt đồng ý" từ Ngoại trưởng Mike Pompeo, cùng với Tổng thống Donald Trump. Ở phía ngược lại, phía ông Biden và các quan chức dưới thời Obama sẽ phản đối động thái như vậy.

Israel quá sốt sắng?

Vụ ám sát ở Iran là món quà thách thức của Israel gửi đến ông Biden? - Ảnh 2.

Ông Netanyahu phải chăng đã quá vội vàng?

Israel có ưu thế về chiến thuật lẫn cách hoạt động trong cuộc chiến bí mật với Iran. Lợi thế của Israel là sự dứt khoát trong việc tung ra hàng loạt những đòn giáng xuống Iran trong những năm gần đây với rất nhiều đau đớn.

Tuy nhiên, chính quyền Iran đang có kế hoạch dài hạn. Các sự kiện hiện tại được cho chỉ là bước khởi đầu nhỏ lẻ. Mặt khác, Israel lại đề cao sự tự tin và dường như có ý định đốt cháy khu vực.

Hoạt động ám sát bị cáo buộc của Israel là phản ứng đối với một trong những vấn đề nhạy cảm nhất của thời đại hiện tại, và nó cho thấy chính quyền Netanyahu không có ý định áp dụng quan điểm thực dụng về vấn đề này với chính quyền Biden.

Ngược lại, ông có kế hoạch chống đối và lãnh đạo liên minh Israel-Sunni để ngăn chặn chính quyền Biden lặp lại những sai lầm của người tiền nhiệm đảng Dân chủ. "Thủ tướng Netanyahu sẽ không cúi đầu trong cuộc gặp đầu tiên ở Nhà Trắng với tổng thống mới. Ông sẽ lao vào rạch ròi mọi thứ tới cùng", tờ Al-Monitor mô tả.

Iran hiện tại được cho là đang bối rối, lúng túng, đau đầu và do dự. Các quan chức Israel tin rằng Iran đang đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan liên quan đến việc trả đũa vụ ám sát vì họ nghi ngờ Israel đang cố gắng gây ra một vụ hỗn chiến trong khu vực để buộc ông Trump phải thực hiện một cuộc can thiệp quân sự trong những ngày cuối cùng ở Nhà Trắng. Đó là viễn cảnh mà Tehran không hề mong muốn.

Tổng thống Trump không giống như ông Obama. Ông Trump được coi là nhà lãnh đạo khó đoán nhất trên thế giới.

Một máy bay ném bom B-52 của Mỹ đã trên đường đến Trung Đông, một tàu sân bay bổ sung của Mỹ đang tiến về phía Đông và các cuộc họp thường xuyên trong khu vực của ông Pompeo cũng như các nhân vật cấp cao khác đã tạo ra một loạt các thuyết âm mưu cho rằng sẽ có thêm bạo lực làm căng thẳng thêm giữa Vịnh Ba Tư, Biển Đỏ.

Canh bạc của Thủ tướng Netanyahu là một canh bạc phức tạp bởi sai lầm có thể dẫn đến cuộc đối đầu với chính quyền mới của Mỹ ngay cả khi ông Joe Biden chưa nhậm chức.

Ông Netanyahu mà thế giới biết đến là người thận trọng, do dự, không muốn tham gia vào các cuộc phiêu lưu, cũng như biết vị trí của mình trong hệ thống phân cấp và sự cân bằng lực lượng với các cường quốc trên thế giới.

Nhưng giờ đây, ông đã trở thành người ưa đối đầu, tự tin và sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Iran, ít nhất, lại đang cho thấy sự bình tĩnh hơn nhiều, vì họ đang chờ đợi để tìm ra ý định thật sự của chính quyền Biden.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại