Nghi án mưu sát Gorbachev qua lời kể sĩ quan quân báo Liên Xô: Tên lửa Stinger quá nguy hiểm

Hoàng Anh |

Năm 1986, bản báo cáo của một sĩ quan quân báo (GRU) cấp thấp, một thông dịch viên quân sự tiếng Urdu có thể đã cứu thoát chiếc máy bay của nguyên thủ Liên Xô Gorbachev.

Sẽ có lúc người ta nghiên cứu cuộc chiến tranh của phe đối lập thống nhất Afghanistan chống lại đạo quân viễn chinh quân đội Liên Xô ở Afghanistan (Tập đoàn quân số 40 nổi tiếng) trong giai đoạn 1979-1989, như cuộc chiến đầu tiên của thế kỷ XXI, khúc dạo đầu cho các cuộc chiến tại Iraq, Libya, Syria, Chechnya, cho đến "chiến tranh chống khủng bố" khét tiếng nói chung.

Thời đó, tại Afghanistan, Mỹ đã quyết định lần đầu tiên chuyển cho "lực lượng thứ ba" một trong những loại vũ khí đáng sợ nhất - tên lửa mang vác "đất-đối-không". "Lực lượng thứ ba" là các phong trào Hồi giáo cực đoan, mà tính tự chủ và khả năng về kỹ thuật của họ bị đánh giá thấp tại điện Kremlin và Nhà Trắng.

Từ thời điểm đó trở đi, "lực lượng thứ ba" đã bước lên vũ đài lịch sử, và những cơ hội trong cuộc chiến tranh của các quốc gia có chủ quyền với các lực lượng du kích đa phần đã trở nên cân bằng:

"Trong những điều kiện mới, 'một người lính trên chiến trường', với những kỹ năng kỹ thuật nhất định sẽ có khả năng giáng cho đối phương tổn thất lên tới hàng chục triệu đô la và hàng trăm đơn vị sinh lực, và thường thì không chỉ đơn vị, mà là những đại lượng lớn về mặt chính trị".

Nghi án mưu sát Gorbachev qua lời kể sĩ quan quân báo Liên Xô: Tên lửa Stinger quá nguy hiểm - Ảnh 1.

Gorbachev cùng phu nhân được Thủ tướng Ấn Độ Rajiv Gandhi (ngoài cùng bên trái) và phu nhân Sonia Gandhi đón tiếp trong chuyến thăm Ấn Độ năm 1986. Ảnh: Corbis

Dàn cảnh của cuộc mưu sát

Các điều kiện cho phép phe Mujahideen Afghanistan giáng một đòn tấn công như vậy đã diễn ra vào tháng 11 năm 1986. Chiếc máy bay "đặc biệt" IL-62M của Liên Xô chở vị Tổng bí thư mới, vừa 55 tuổi, là Gorbachev, lên đường tới Thủ đô Delhi của Ấn Độ.

Về hành trình của chuyến đi này thì người ta đã biết từ trước. Sẽ không thể bay qua Trung Quốc, nước đã tỏ thái độ rất lạnh lùng trước màn khởi đầu chiến dịch của Liên Xô ở Afghanistan năm 1979.

Như vậy, chuyên cơ sẽ bay qua nước Afghanistan "anh em"và gần như "trung lập", nhưng trên thực tế lại có phe Mujahideen được Pakistan hỗ trợ.

Không lâu trước đó, chiến dịch đàn áp bằng vũ lực với quy mô lớn của Liên Xô nhằm vào phe Mujahideen ở Afghanistan vừa kết thúc. Chủ trương "hòa giải dân tộc" được Tổng thống Afghanistan Najibullah công bố, được nhiều người coi như cách duy nhất để dùng biện pháp chính trị đạt được thứ không thể dùng vũ khí đạt được.

Và trong những điều kiện này, một lô hỏa tiễn Stinger từ lãnh thổ của Pakistan được chuyển tới khu vực có tuyến hàng không quốc tế đi qua Afghanistan...

Hệ thống tên lửa phòng không mang vác (MANPADS) "Stinger" lúc đó vẫn là một vũ khí mới, ít được biết đến với phía Liên Xô.

Các tổ hợp "Stingers" đầu tiên được một nhóm đặc nhiệm Spetsnaz GRU Liên Xô đánh chiếm thành công ở Kandahar là vào tháng Giêng năm 1987.

Và các tổ hợp "Stingers" chiến lợi phẩm đầu tiên này cũng chưa phải loại hạng nhất: Chúng được trang bị đầu tự dẫn hồng ngoại, nhưng không có chùm chiếu xạ mục tiêu. Ở các tổ hợp Stinger điều khiển vô tuyến nguy hiểm nhất, hệ thống dẫn đường dựa trên chùm chiếu xạ mục tiêu là "người dẫn đường chính" của quả đạn khi nó tiếp cận chiếc máy bay cần tiêu diệt.

Đầu hồng ngoại sẽ làm việc khi đạn đã trong vùng lân cận mục tiêu – cùng với bộ lọc tia cực tím, nó cho phép đạn tên lửa "bỏ qua" các "mồi bẫy" nhiệt mà máy bay Liên Xô tích cực phóng ra ở Afghanistan, đặc biệt là khi giảm độ cao vào hạ cánh.

Nghi án mưu sát Gorbachev qua lời kể sĩ quan quân báo Liên Xô: Tên lửa Stinger quá nguy hiểm - Ảnh 2.

Nguyên thủ Liên Xô Gorbachev.

Yếu tố Smekalin

Nhân vật chính trong câu chuyện ở phía Liên Xô là ai? Đó là Vladimir Smekalin, khi đó (năm 1986) đang là sĩ quan GRU làm nhiệm vụ vận hành đài vô tuyến - phiên dịch viên trên máy bay. Smekalin khi ấy đã bay 120 giờ trên các máy bay trinh sát vô tuyến điện tử - IL-20 BRK RR (BRK RR - tổ hợp trinh sát vô tuyến điện tử lắp trên máy bay) và An-26 BRK RR.

Tổ hợp trinh sát vô tuyến điện tử lắp trên máy bay là phản ứng của Liên Xô trước các máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không AWACS của Mỹ -  "tai mắt" của Bộ Chỉ huy Mỹ, trước, trong và sau cuộc chiến.

Smekalin xuất thân là một phiên dịch chuyên nghiệp, từng nghiên cứu tiếng Urdu tại Viện các nước Châu Á và Châu Phi tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Mátxcơva MGU trước khi nhận nhiệm vụ ở Afghanistan.

Urdu là ngôn ngữ chính của Pakistan, được tích cực được sử dụng bởi phe Mujahideen Afghanistan và những kẻ quản lý chúng thuộc cơ quan tình báo Pakistan, là "phương tiện giao tiếp chung giữa các sắc dân" rất cơ bản, dễ hiểu cho cả hai bên biên giới Afghanistan-Pakistan.

Các chuyến bay trên IL-20 và An-26 cho phép Smekalin điều chỉnh tới tần số của các đài phát vô tuyến quân sự Pakistan đặc biệt thành công – tần số của các trắc thủ khai thác radar Pakistan. Trong những ngày tháng 6 năm 1986 đó, Smekalin đã nghe được rất nhiều điều thú vị ...

"Tôi làm việc cùng một lúc trên hai máy thu vô tuyến. Vô cùng căng thẳng: trong thinh không đang diễn ra cuộc điện đàm việc chuẩn bị để chuyển giao các tổ hợp Stinger từ lãnh thổ Pakistan sang lãnh thổ Afghanistan.

Thậm chí còn nghe được việc các tên lửa sẽ được chuyển giao như thế nào: chúng sẽ được giấu trong ruột các thùng thuốc lá xuất xưởng của nhà máy. Phương pháp này quen thuộc: mùi thuốc lá ngăn chó đánh hơi và lũ chó không thể tìm ra thứ gì khi sục sạo.

Họ còn bàn tính cả việc chuyển giao và huấn luyện sử dụng các tổ hợp này dưới cái tên "Ustad-11" (trong tiếng Urdu chữ "Ustad" có nghĩa là "giáo viên"). Quân Mujahideen trên lãnh thổ Afghanistan, rõ ràng không hoàn toàn đủ kinh nghiệm về các quy tắc bí mật, chúng đang nói về tần số của "chùm sáng chiếu xạ mục tiêu".

Nghi án mưu sát Gorbachev qua lời kể sĩ quan quân báo Liên Xô: Tên lửa Stinger quá nguy hiểm - Ảnh 3.

Máy bay IL-62M của Nga.

Làm thế nào để không dính "tin giả"?

Smekalin kể rằng lúc đó trong đầu anh chỉ nhức nhối một suy nghĩ: làm thế nào để không mắc "tin lừa", không chuyển lên trên sớm "thông tin giả" mà kẻ thù chuẩn bị. "Nguyên tắc cơ bản của tôi - tôn trọng kẻ thù, đừng coi địch ngớ ngẩn hơn mình – Smekalin nhận xét. – các trắc thủ radar Pakistan, các tình báo viên, các phi công - tất cả bọn họ đều là các nhà chuyên môn hạng cao".

Nhưng sau đó, Smekalin đã sắp xếp được tất cả các manh mối: trong cuộc đối thoại với các phái viên phương Tây trên lãnh thổ Pakistan dưới bí danh "Ngài Djardj" và "Ngài Gardum", họ không chỉ nói về tần số, mà còn về thời điểm bắt đầu áp dụng hệ thống MANPADS điều khiển bằng vô tuyến "Stinger" - mùa thu năm 1986.

Đó chính là thời gian Gorbachev thăm Ấn Độ ...

Một manh mối đắt giá nữa là Smekalin đã nghe rõ cuộc nói chuyện về "Stingers" trong dải sóng cực ngắn (UHF). Đây là thông tin đặc biệt quý giá, chỉ khai thác được khi tiếp cận kẻ thù gần đến mức nguy hiểm.

Sóng UHF, không giống như sóng ngắn, bạn không "bắt" được ở khoảng cách an toàn. Trong khi đó, đại đa số các bản tin vô tuyến là theo phương pháp "Morse code" (tín hiệu không đồng bộ) được thực hiện ở các bước sóng ngắn. Các "tin giả" thường đi theo kênh này. 

Còn trong trường hợp này, làm sao quân Mujahideen và các quan thầy Mỹ - Pakistan của chúng đoán trước được chuyện chiếc máy bay "AWACS" Xô Viết đang bay gần tới chỗ chúng?

Từ việc chắp nối các manh mối, Smekalin kết luận: câu chuyện không nói về "tin giả". Thông tin đã được gửi lên các cơ quan cấp trên.

Nghi án mưu sát Gorbachev qua lời kể sĩ quan quân báo Liên Xô: Tên lửa Stinger quá nguy hiểm - Ảnh 4.

Phiến quân Mujahideen ở Afghanistan sử dụng phổ biến tên lửa phòng không vác vai Stinger sản xuất tại Mỹ.

Đường bay đã được thay đổi kịp thời?

Trên truyền thông chính thức, không có báo cáo nào về sự thay đổi hành trình của chuyến bay đặc biệt theo lịch trình và về mối nguy hiểm đang đe dọa nó. Chuyến thăm của Gorbachev tại Ấn Độ diễn ra bình thường, ít nhất đó là toàn bộ phiên bản chính thức về vụ việc.

Nhưng chúng ta biết rằng ngày 29 tháng 11 năm 1986 (tức là một ngày sau chuyến thăm, kéo dài từ ngày 25-28 tháng 11 năm 1986) tại khu vực thành phố Jalalabad, "Stingers" của phe đối lập Afghanistan đã bắn hạ một máy bay Xô Viết khác – một chiếc An-12.

Cũng gần khoảng thời gian trên 5 chiếc trực thăng Liên Xô bị bắn rơi bởi những tổ hợp MANPADS vác vai. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên? Nhưng Smekalin quan tâm đến một loạt chi tiết thú vị. Ở vùng Jalalabad, những ngọn núi cao hơn mực nước biển 5.000 mét. Chiếc An-12 bị "Stingers" tấn công vào thời điểm nó bay ở độ cao 6.500 mét.

Chuyến chuyên cơ chở Mikhail Gorbachev, Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô khi đó Eduard Shevardnadze và Yevgeny Primakov cũng phải bay ở khoảng cùng độ cao như vậy.

Các xạ thủ "Stingers" hoàn toàn có thể lấy thông tin từ các trắc thủ radar Pakistan. Bên cạnh đó chiếc máy bay chở các quan chức chính phủ cao cấp Liên Xô vốn có tốc độ nhanh, nhưng trên thực tế, nó không bao giờ bay ở vận tốc này khi có các hành khách VIP trên khoang.

Các phi công chuyên cơ không chỉ nghĩ đến an toàn, mà còn phải tính đến sự thoải mái của các hành khách - những người không còn trẻ, bản tính thường cáu kỉnh. Về mặt kỹ thuật, việc loại bỏ nhân vật số một của Liên Xô trên bầu trời Jalalabad là một ý định hoàn toàn thực tế.

Từ góc độ luật pháp quốc tế, nơi có thể diễn ra cuộc tấn công vào chuyên cơ của Gorbachev cũng được chọn lựa một cách hoàn hảo: trong khu vực Jalalabad chiếc máy bay phải di chuyển từ không phận Afghanistan sang Pakistan. Nếu sự cố xảy ra ở vùng giáp ranh, ai sẽ là người có lỗi, phải hỏi ai đây? ..

Smekalin tin chắc hành trình của chiếc máy bay dù gì vẫn thay đổi. Bên cạnh đó, tất nhiên hàng không Xô viết đã có các phương pháp khác để đấu tranh với Stingers. Một trong số đó là: trên các máy bay và trực thăng người ta có các bộ gây nhiễu dải rộng, tần số của nó là bội số của tần số chùm chiếu xạ của "Stinger". Kết quả là "đạn tên lửa thông minh" bị mù.

Nhưng nếu chiếc chuyên cơ có một hệ thống bảo vệ chủ động chống lại những "Stingers" điều khiển bằng vô tuyến, thì cơ chế bảo vệ này chỉ được bật khi cất cánh hoặc hạ cánh. Trên tuyến bay, rất có thể nó đã không làm việc. Tuy nhiên, thực tế rất hiển nhiên: chiếc chuyên cơ đã bay cắt qua vùng nguy hiểm một cách an toàn.

Vào tháng Ba năm 1987, chưa đầy một năm sau câu chuyện này, hai sĩ quan "cục Chín" (Tổng cục 9 nổi tiếng của KGB, làm nhiệm vụ bảo vệ các quan chức cấp cao) đã tiếp cận Smekalin ở đơn vị tại Tashkent. Khi đó, Smekalin được biết tuyến đường bay của một chuyến chuyên cơ hồi tháng 11 năm 1986 đã được thay đổi dựa trên thông tin của ông.

Sau đó, trong những năm 1990, Smekalin cũng tình cờ nghe được từ các sĩ quan nghỉ hưu từng bảo vệ Shevardnadze kể về sự bất mãn của sếp khi đường bay bị thay đổi.

Vẫn còn một câu hỏi: Tại sao "ở trên" lại tin người sĩ quan cấp thấp này của GRU? Và nếu những nỗi sợ hãi của ông là đúng, tại sao ông không nhận được bất kỳ tặng thưởng hay sự đề bạt nào cho chiến công của ông?

Tên lửa phòng không vác vai Stinger trong cuộc chiến ở Afghanistan.

Nhiều điều còn bí ẩn trong lịch sử của chúng ta ... Trước tất cả những câu hỏi, rằng đâu là "điểm nhấn" của báo cáo thu hút sự chú ý của cấp trên, Smekalin, bây giờ đã là một  chỉ mỉm cười.

Và ông nói: "Trong một cuộc chiến, chiến thắng có khi không phải nhờ vị nguyên soái hay vị tướng, mà là nhờ người binh nhì.

Tôi rất hài lòng vì bất chấp những nỗ lực của phe đối lập, họ từ mùa thu năm 1986 trở đi đã thất bại trong việc phá vỡ sự cung cấp cho Tập đoàn quân 40 qua đường hàng không – mà đó là 95% số lượng tất cả các loại đạn dược từ Liên bang chuyển tới Afghanistan".

(Theo "Совершенно секретно", No.10/281)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại