Tối ngày 15/6, người dân xung quanh trạm xăng gần cổng cao tốc Lan Nam (huyện Hiệp, thành phố Bình Đỉnh Sơn, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) bàng hoàng phát hiện 8 người phụ nữ bất tỉnh trong thùng xe tải đông lạnh. Trong số đó có chị Vương Mai (50 tuổi), người đã gắn bó với công việc thời vụ tại nhà máy chế biến thịt bò Hạo Duệ vài năm nay.
Công việc của chị Mai bắt đầu từ sáng sớm, khi chị cùng những người phụ nữ khác tập trung tại cây xăng để di chuyển đến nhà máy cách đó khoảng 10km. Chiếc xe chở họ ban đầu là một chiếc minivan 7 chỗ, nhưng gần đây được thay thế bằng xe tải đông lạnh.
Thông thường, sau khi kết thúc công việc lúc 6 giờ chiều, chị Mai sẽ nhắn tin cho chồng là anh Dương Quân đến đón. Tuy nhiên, tối hôm đó, anh Dương Quân không nhận được tin nhắn. Anh liên tục gọi điện nhưng không ai nhấc máy. Linh cảm chuyện chẳng lành, anh tức tốc chạy đến cây xăng và bàng hoàng nhận được tin dữ.
Anh Vương Hạo, một quân nhân đang trong thời gian nghỉ phép, nhận được điện thoại của bố về vụ việc. Anh vội vàng chạy đến hiện trường. Lúc này, 8 nạn nhân đã được đưa ra khỏi thùng xe và nằm la liệt trên đất. Anh Hạo nhận thấy môi của họ đều tím tái, một dấu hiệu của ngộ độc khí CO2. Điều đáng nói là mẹ của anh Hạo, bà Tề Tú Anh, cũng làm việc tại nhà máy Hạo Duệ và may mắn thoát chết trong gang tấc. Hôm đó, do thùng xe chở nhiều hàng hóa nên bà Tú Anh và một nữ công nhân khác phải ngồi ở vị trí phụ lái.
Theo lời kể của bà Tú Anh, trong thùng xe lúc đó có khoảng 200 thùng xốp chứa đầy thịt bò và đá khô. Đá khô, hay còn gọi là băng khô, là dạng rắn của CO2, có khả năng thăng hoa ở nhiệt độ thường. Khi ở trong không gian kín, nồng độ CO2 vượt quá 15% có thể gây tử vong.
Vụ tai nạn thương tâm đã phơi bày thực trạng về điều kiện làm việc thiếu an toàn của người lao động, đặc biệt là lao động nữ tại các vùng nông thôn Trung Quốc. Hầu hết những phụ nữ làm việc tại nhà máy Hạo Duệ đều ở độ tuổi từ 40-50, cuộc sống gắn liền với ruộng vườn. Họ phải gồng gánh trên vai trách nhiệm chăm sóc gia đình, con cái và cha mẹ già. Công việc thời vụ với mức lương khoảng 100 tệ/ngày (khoảng 350 nghìn đồng) tại nhà máy Hạo Duệ là nguồn thu nhập chính giúp trang trải cuộc sống.
Công việc tại Hạo Duệ đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của những người phụ nữ này: gần nhà, có xe đưa đón, chủ yếu là lao động chân tay. Họ chấp nhận đánh đổi sức khỏe và thậm chí là cả tính mạng để có được một công việc “ổn định”.