Uống rượu mừng nhà mới, 7 người đi cấp cứu, 2 người hôn mê
Tiến sĩ Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng quản lý ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, 7 trường hợp ngộ độc rượu ở Thái Bình đã được đưa lên Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Qua kiểm tra methanol trong rượu mà 7 nạn nhân uống ở bữa tiệc cho kết quả âm tính.
Trong số những người ngộ độc có cả chủ nhà là ông Vũ Tiến Hồi ở xã Trọng Quan, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Sau khi cấp cứu, lúc tỉnh dậy ông Hồi cho biết đã ngâm rượu với gói quả khô mua ở Lạng Sơn, ngoài táo mèo còn có chuối rừng và cà gai.
Bữa cơm tân gia được tổ chức tại nhà ông Hồi. Trong bữa ăn có 9 người uống rượu nhưng hai người uống rượu trắng và 7 người uống rượu ngâm quả khô.
Sau khi uống 1-3 chén, những người uống rượu ngâm đều có biểu hiện bứt rứt, mặt nóng bừng, lơ mơ, có lúc co giật, ảo giác, vật vã, ngã gục trên bàn tiệc.
Mẫu rượu ngâm quả khô và mẫu rượu trắng thu được. Ảnh: Lao Động
Các bệnh nhân được chuyển đến Trung Tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Hai người hôn mê sâu được Bệnh viện Bạch Mai giữ lại cấp cứu, 5 người khác sau khi ổn định sức khỏe được chuyển lại về tỉnh để tiếp tục điều trị.
Đến chiều 30/10, có 6 người đã được ra viện, một bệnh nhân cấp cứu tại Trung tâm Chống độc vẫn còn tiêu cơ vân nhẹ và được chuyển về bệnh viện tỉnh điều trị.
Ông Hùng cho biết cho biết, 7 người này ngộ độc do nhóm độc tố alcaloid gây ra với những biểu hiện lâm sàng đặc trưng. Độc tính này tác động lên hệ thần kinh giao cảm làm tăng nhịp tim, vã mồ hôi, giãn đồng tử, khô môi, khô miệng, chảy nước mắt, lơ mơ. Nếu không được xử trí, điều trị kịp thời, nạn nhân có nguy cơ cao tử vong. Loại độc tố này có ở trong cà độc dược.
Qua sự việc này, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân không nên lạm dụng rượu, không uống rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Bên cạnh đó, không nên tự ngâm rượu với các loại các cây, con, và bộ phận của động vật, côn trùng… để tránh bị ngộ độc.
Cà độc dược dễ nhầm với vị thuốc quý
Lương Y Vũ Quốc Trung cho biết cà độc dược cũng là một cây thuộc họ cà. Cây này cũng có gai giống cà gai nên dễ bị người dân nhầm lẫn với quả cà gai. Nhiều người nghĩ cà gai tốt cho gan, hạ men gan nên chưa phân biệt được cà gai và cà độc dược.
Cà độc dược có chứa chất độc alcaloid. Nó được xem là độc dược vì có nhiều chất độc trong Đông y chỉ được sử dụng làm thuốc trị hen, suyễn.
Theo Đông y, hoa cà độc dược có vị cay, tính ôn, có độc, có tác dụng ngừa suyễn, giảm ho, chống đau, chống co giật, phong thấp đau nhức. Lá cà dùng làm vị thuốc ngừa cơn hen, giảm đau bao tử, chống say tàu xe. Ngoài ra còn điều trị phong tê thấp, đau dây thần kinh toạ, đau răng...
Người ta thường dùng lá cuộn thành điếu hay thái nhỏ vấn thành điếu thuốc để hút (chữa ho, hen suyễn), dùng lá hơ nóng đắp điều trị đau nhức, tê thấp, hoặc phơi khô tán bột mịn.
Lương Y Vũ Quốc Trung
Trong cà độc dược có chứa chất độc giống với trong vỏ sắn tàu và lõi củ sắn tàu, đó là chất alcaloid lỏng sánh như dầu, độc đối với tim và não. Chất này có thể dùng để tổng hợp acid nicotinic chế tạo vitamin PP, ngoài ra người ta còn dùng nó để diệt sâu bọ phá hoại cây cối.
Liều độc của atropin tác động lên não làm say, có khi làm nạn nhân phát điên, hô hấp tăng, sốt, nổi cuồng, có lúc tê liệt tứ chi do thần kinh trung ương bị ức chế.
Cà độc dược được xếp vàng bảng có độc tính cao, các thành phần alcaloid có khả năng hủy phó giao cảm, tạo ảo giác mạnh, mê sảng, hoang mang, khiến con người không thể phân biệt được thực tế và tưởng tượng. Dùng cà độc dược liều cao, đặc biệt là hoa và lá có thể dẫn đến ngộ độc, mê sảng kéo dài, mất trí nhớ, thậm chí tử vong.
Vì vậy, theo lương y Trung, người bệnh chỉ dùng thuốc theo sự hướng dẫn của thầy thuốc, tuyệt đối không được tự ý sử dụng. Khi bị ngộ độc cần đến các cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.
Một bệnh nhân ngộ độc rượu kèm sảng rượu (Soha.vn)