Một đoàn khách đến từ Malaysia vào nhà hàng Hưng Phát (phường Lộc Thọ, TP Nha Trang, Khánh Hòa) ăn uống vào tối 7/2 (mùng 3 Tết) vừa qua. Đến khoảng 19h40, nhóm khách thanh toán với hóa đơn 9,2 triệu đồng. Sau khi ăn xong, phía đơn vị lữ hành đã bức xúc đưa hóa đơn lên mạng xã hội, cho rằng nhóm khách này bị "chặt chém".
Theo hóa đơn này, món trứng xào cà chua giá đến 500.000 đồng/phần, đậu bắp luộc 300.000 đồng/phần, cơm trắng 200.000 đồng/phần...
Hiện vụ “chặt chém” gây xôn xao dư luận này đang được cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa làm rõ.
Hóa đơn bị tố "chặt chém" thực khách: Ảnh phát tán trên mạng xã hội
Mức xử phạt đối với các hành vi "chặt chém" khách hàng
Luật sư Nguyễn Hải Nam, Văn phòng Luật sư Công Quyền (TP.HCM) cho biết trên báo Thanh niên:
Theo Nghị định 149/2016/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định 177/2013/NĐ-CP của Chính phủ), các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải thực hiện niêm yết giá theo đúng quy định bằng tiền Đồng Việt Nam, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng. Việc kinh doanh, mua bán hàng hóa cũng phải đúng với giá niêm yết.
Điều 12 Nghị định số 49/2016/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định 109/2013/NĐ-CP của Chính phủ) quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi:
Không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật; niêm yết giá không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng. Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng nếu vi phạm nhiều lần; tái phạm…
Nghị định này cũng quy định phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá.
Về quy định xử phạt đối với hành vi tăng giá hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý, tùy vào từng trường hợp và mức độ vi phạm mà người vi phạm có thể bị xử phạt từ 1 triệu đồng đến 60 triệu đồng.
Không chỉ bị phạt hành chính, người vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả: buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết; trường hợp không xác định được khách hàng để trả lại, thì nộp vào ngân sách Nhà nước.
Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với Zing.vn, luật sư Kiều Anh Vũ (Công ty luật KAV Lawyers) cho biết: Về nguyên tắc, giá cả hàng hóa sẽ do tổ chức sản xuất, kinh doanh quyết định; trừ một số trường hợp hàng hóa thuộc danh mục do Nhà nước ấn định giá hoặc quy định mức tối thiểu/tối đa, yêu cầu cá nhân tổ chức sản xuất phải kê khai, công bố giá.
Tuy nhiên, theo luật sư Vũ, vào những dip lễ Tết, mức giá được xem là phù hợp hay "chặt chém" sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bởi vào những ngày này, chi phí trả cho người lao động sẽ cao, có thể dẫn đến giá gia tăng.
"Tuy nhiên, theo quy định tại luật Giá và các nghị định hướng dẫn, nghĩa vụ bắt buộc của tổ chức sản xuất kinh doanh là phải niêm yết giá. Khi tăng giá cũng phải niêm yết cho phù hợp, phải bán đúng với giá đã niêm yết.
Nếu không niêm yết, bán giá cao hơn hoặc không công bố giá rạch ròi gây nhầm lẫn thì đều bị xem là "chặt chém". Trong trường hợp này sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật".
"Thực tế chỉ thu 5 triệu đồng"
Được biết, nhà hàng này đã đổi chủ đến 3 lần. Ông Phụng, người chủ cũ của nhà hàng này, cho biết từ ngày 2/2 (tức 28 Tết), ông đã chính thức rút hết vốn và bàn giao nhà hàng cho chủ mới.
Chủ mới sau khi tiếp nhận cũng về Bắc chứ không ở lại Nha Trang trong dịp Tết này. Nhà hàng này chưa được chủ trực tiếp điều hành mà chỉ giao tạm thời cho người quản lý mới.
Khi tôi thấy dư luận xôn xao về tờ hóa đơn, tôi đã gọi ngay cho quản lý để hỏi. Tôi cũng bức xúc vì nhiều người nghĩ mình làm chủ ở đó nên ảnh hưởng đến danh dự.
Người quản lý - khi tôi gọi hỏi thì nói chỉ bấm đại để ra hóa đơn là 9,2 triệu đồng, chứ thực tế chỉ thu 5 triệu. Việc bấm đại là do hướng dẫn viên đưa khách vào đòi kê thêm tiền vào hóa đơn.
Trong số 5 triệu đồng thu được, nhà hàng cũng chi thêm cho hướng dẫn viên gần 2 triệu đồng", ông Phụng nói.
Tổng hợp