Hình ảnh bảo vệ dân phố dùng chân đá vào mặt một trong hai thiếu niên.
Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự
Luật sư Trương Quốc Hòe (Văn phòng luật sư Interla, Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, trường hợp gây tổn hại về sức khoẻ trẻ em có thể phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo luật sư Hòe, pháp luật đã quy định: Nếu xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em; Gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em; Dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em làm trẻ em tổn thương, đau đớn về thể xác, tinh thần... sẽ sẽ bị phạt hành chính từ 5 – 10 triệu đồng (quy định tại Khoản 2 Điều 27 Nghị định 144/2013/NĐ-CP). Ngoài ra, người thực hiện hành vi còn phải chịu thêm về chi phí khám, chữa bệnh.
Luật sư Trương Văn Hoè khẳng định, hành vi trong clip có dấu hiệu vi phạm hình sự.
Bên cạnh đó, theo quy định tại điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, căn cứ vào tính chất của từng sự việc ngược đãi, hành hạ trẻ em mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể:
Luật sư Hòe nêu: Trường hợp gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng đối với người dưới 16 tuổi thì sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Trường hợp gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; gây thương tích vào vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên có thể nhận mức phạt cao nhất trong khung hình phạt là bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
"Như vậy, trong trường hợp này, cơ quan chức năng cần đưa các em đi giám định thương tích để xác định mức độ thiệt hại sức khỏe, thân thể. Từ đó, có thể xác định chính xác mức phạt bởi nhóm người bạo lực với 2 em trong clip có dấu hiệu vi phạm hình sự nêu tại điều luật trên" – luật sư Hòe nhấn mạnh.
Trách nhiệm của những bên liên quan ra sao?
Sau clip 2 thiếu niên bị đánh đập dã man tung lên mạng, hầu hết người dân đều bức xúc và yêu cầu làm rõ trách nhiệm của những người liên quan. Trong đó có kẻ trực tiếp đánh đập, những người không can ngăn và phía nhà trường.
Luật sư Hòe cho rằng, về mặt pháp lý, hành vi của người chứng kiến nhưng không can ngăn sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, hành vi trên vi phạm nghiêm trọng đạo đức và truyền thống của người Việt Nam.
Đối với nhà trường, nhà trường có trách nhiệm rất lớn vì đã để sự việc đáng buồn trên diễn ra. Do đó, hiệu trưởng nhà trường phải chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về an ninh, an toàn trong cơ sở giáo dục. Nhưng đến thời điểm hiện tại, nhà trường chưa có bất kỳ thông báo hay biện pháp xử lý nào đối với những cá nhân thực hiện hành vi bạo hành trẻ em ngay trong khu vực của trường.
Như đã thông tin, sự việc ngày 1/4 vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại cảnh 2 thiếu niên bị đánh đập dã man. Sự việc trên sau đó được xác định diễn ra tại trường THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10, TP.HCM).
Theo đó, vào đêm 31/3, tổ bảo vệ dân phố phường 14, quận 10 đang làm nhiệm vụ tuần tra thì nghe bảo vệ nhà trường tri hô có có trộm đột nhập. Tổ bảo vệ đã hỗ trợ và bắt giữ 2 thiếu niên N.P.H.T và N.D.T.A (cả hai cùng 14 tuổi, cùng thường trú quận 10).
Sau đó, tổ bảo vệ dân phố đưa 2 thiếu niên vào phòng bảo vệ của trường để chờ lực lượng Công an đến giải quyết. Tại đây, một người tên T.Q.H đã có hành vi đánh 2 thiếu niên như clip đăng tải.