Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương vừa có thông báo kết quả kiểm nghiệm các mẫu đất, nước tại Sóc Sơn, Hà Nội sau khi có 2 anh em ruột tử vong do nhiễm vi khuẩn Whitmore .
Theo đó trong số 2 mẫu đất, nước tại các khu vực có nguy cơ cao quanh nhà hai bé ở thôn Đô Lương, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội lấy xét nghiệm có một mẫu đất phát hiện vi khuẩn này.
Bác sĩ Ngũ Duy Nghĩa, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết bệnh Whitmore lây truyền chủ yếu là từ đất, tuy nhiên bệnh tản phát riêng lẻ từng cá thể, không thành dịch.
"Vi khuẩn này có trong đất, bùn và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này.
Những người có vết xước ngoài da, mắc các bệnh lý mãn tính nên tránh tiếp xúc trực tiếp với đất trong quá trình sinh hoạt hàng ngày (phải đeo găng tay bảo hộ, ủng bảo hộ...)"- bác sĩ Nghĩa khuyến cáo.
Vi khuẩn này có trong đất, bùn và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, sau hai ca tử vong là anh em ruột trong một gia đình ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội do mắc bệnh Whitmore, cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra dịch tễ.
Báo cáo cho thấy trường hợp tử vong thứ nhất trong gia đình ở thôn Đô Lương, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội là bé gái 7 tuổi, có biểu hiện sốt vào ngày 6-4, ngoài ra không có biểu hiện gì khác, gia đình tự mua thuốc điều trị.
Hai ngày sau trẻ được đưa đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn, sau đó chuyển cấp cứu đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn với chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết hoại tử đường ruột. .Trẻ tử vong ngày 9-4
Trường hợp thứ hai là bé trai 5 tuổi (em trai bé gái nói trên). Ngày 27-10, trẻ xuất hiện sốt 38,5 độ C, kèm theo đau bụng, ở nhà không điều trị gì. Ngày 28-10, gia đình đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Tối ngày 31-10, trẻ tử vong với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn huyết.
Trường hợp thứ ba là bé trai 19 tháng tuổi, khởi phát bệnh từ ngày 11-11 với biểu hiện sốt, sốt cao liên tục 39-40 độ C, dùng hạ sốt có hạ một lúc lại sốt lại, không ho, nôn một lần sau ăn. Trẻ được xác định nhiễm khuẩn Whitmore.
Ngay lập tức gia đình đưa con nhập Bệnh viện Nhi Trung ương. 4 ngày sau khi khởi bệnh, bệnh nhi có biểu hiện đe dọa sốc nhiễm độc, phải thở máy.
Tình trạng bệnh ngày càng diễn biến xấu, được cấp cứu ngừng tuần hoàn, lọc máu liên tục… nhưng trẻ không đáp ứng và tử vong vào ngày 16-11 do nhiễm vi khuẩn Whitmore.