Năm 2015, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã phối hợp với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thành lập Công ty Cổ phần Tháp Truyền hình Việt Nam, để đầu tư dự án Tháp Truyền hình Việt Nam.
Công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký vào ngày 3/12/2015, với số vốn điều lệ 600 tỷ đồng.
VTV được lựa chọn thêm đối tác là doanh nghiệp tư nhân góp vốn tham gia công ty. Phần vốn góp của VTV trong công ty sẽ là vốn huy động, vốn cổ phần hóa các doanh nghiệp của VTV, còn phần vốn góp của SCIC là vốn kinh doanh. Khi dự án có hiệu quả, VTV và SCIC được phép bán cổ phần để thu hồi vốn. Doanh nghiệp tư nhân được VTV chọn để tham gia dự án là BRG Group.
Theo kế hoạch được công bố đầu năm 2016, Tháp Truyền hình Việt Nam dự kiến cao 636 m, sẽ là tháp truyền hình cao nhất thế giới, vượt tháp truyền hình cao nhất hiện tại là Sky Tree ở Tokyo, Nhật Bản (634 m).
Địa điểm xây dựng của dự án nằm tại khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội), với tổng mức đầu tư lên tới 1,3 -1,5 tỷ USD, riêng khối tháp là 900 triệu USD.
Dự án bao gồm nhiều hạng mục về du lịch, văn hoá, giải trí, bất động sản, có tổng diện tích 14 ha. Thời gian xây dựng khoảng 6 năm, đến 2021 hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Thời gian hoàn vốn là 15 năm.
Tuy nhiên, theo một nguồn tin từ Bộ Tài chính, nhiều động thái gần đây đã cho thấy VTV và SCIC gặp khó với dự án này. Trong văn bản gửi lên Chính phủ, VTV cho biết, hiện VTV cần tập trung ưu tiên dành nguồn lực đầu tư cho sản xuất chương trình và phát triển kinh doanh trong lĩnh vực truyền hình và đề nghị thoái toàn bộ hoặc phần lớn vốn tại công ty.
Theo báo cáo của VTV, đến nay ba đơn vị góp vốn vào Công ty Cổ phần Tháp Truyền hình Việt Nam mới góp được 150 tỷ đồng. Do đó, theo quy định, doanh nghiệp phải thực hiện điều chỉnh vốn điều lệ.
Mặt khác, theo báo cáo của VTV thì hiện tại dự án chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong khi đó SCIC cũng chủ trương đưa Công ty Cổ phần Tháp Truyền hình Việt Nam vào danh mục thoái vốn 100%, do dự án không nằm trong danh mục hiện hữu mà Nhà nước cần chi phối hoặc đầu tư góp vốn trong định hướng phát triển SCIC.
Bộ Tài chính đề nghị Văn phòng Chính phủ yêu cầu chủ đầu tư dự án báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ về sự cần thiết phải triển khai dự án, mục tiêu thực hiện dự án và năng lực thực hiện dự án của chủ đầu tư.
"Trường hợp VTV và SCIC không tham gia dự án đồng nghĩa với việc Nhà nước không đầu tư vốn vào dự án", báo cáo nêu.
Theo Bộ Tài chính, đối với đề nghị của VTV về việc thoái vốn, Bộ Tài chính đề nghị VTV và SCIC yêu cầu công ty tổ chức đại hội cổ đông để xác định lại sự cần thiết, mục tiêu của dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Trường hợp VTV và SCIC thoái vốn theo phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền, việc thoái vốn thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và Luật Doanh nghiệp.