Những người từng yêu mến Android ngay từ những năm đầu chắc hẳn sẽ không thể quên được Amazon Fire. Khi iPad vẫn còn quá mới, quá "hot" và quá đắt đỏ, Amazon đã trở thành tên tuổi đầu tiên tạo ra khái niệm máy tính bảng giá rẻ khi vén màn Fire Tablet ở mức giá chỉ 200 USD.
Nhưng điều ít ai biết là ngay cả kỳ tích này cũng không thể giúp Amazon lọt vào top các thương hiệu tablet hàng đầu thế giới về thị phần.
Phải đến năm 2015, khi Amazon vén màn một loạt các mẫu tablet giá siêu rẻ - bao gồm một chiếc tablet 7 inch có giá chỉ 50 USD, phép màu mới thực sự xảy ra: vượt mặt cả những tên tuổi smartphone lớn, Amazon lọt top 5 thế giới về thị phần tablet.
Lọt top thế giới không phải vì tốt mà vì rẻ (và đủ dùng).
Vì sao lại có phép màu này? Trước hết, cần phải nói rằng tablet 50 USD chưa bao giờ là tablet thực sự tốt cả: màn hình không đẹp, chip không nhanh, phần mềm hơi giới hạn và camera thì không thể dùng nổi. Nhưng Amazon vẫn nhanh chóng đạt doanh số khủng vì người ta mua Fire mà không cần phải... nghĩ.
Bởi Fire 7 thường xuyên được sale ở mức giá chỉ 30 USD, tức là bằng 3 bát phở tại Mỹ. Ở mức giá này, nếu đã có iPad rồi thì người ta vẫn mua Fire 7 để dùng khi... đang sạc iPad, để thử trải nghiệm Android, để cho trẻ con nghịch hoặc để phục vụ cho bất kỳ một mục đích "phụ" nào khác.
Nói cách khác, khi mức giá đủ rẻ, người ta sẽ mua vì thích, vì bỗng dưng có hứng, chứ không phải vì cần.
"Hứng lên mua... tablet" là chuyện có thật các bạn ạ.
Mua không cần phải đắn đo
Đã từ lâu, tôi mong muốn làng smartphone Việt có một sản phẩm mang triết lý của Fire: Tôi hiểu rằng điện thoại trong nước chưa đủ tầm để thay thế điện thoại nước ngoài, nhưng tôi muốn các thương hiệu Việt ra mắt những sản phẩm đủ rẻ, đủ dùng để tôi dùng... cho vui.
Đáng tiếc rằng chiếc smartphone Việt đình đám nhất thì lại quá đắt: Bphone 2 khởi điểm 10 triệu, Bphone 3 gần 7 triệu. Cũng có những chiếc smartphone Việt khác giá rẻ hơn, nhưng chúng mắc phải một điểm yếu cực kỳ trầm trọng: cấu hình thấp đến gần như không thể sử dụng được.
Nhưng Vsmart Joy lại làm được điều này: chiếc smartphone này có 2 phiên bản, một bản 2,5 triệu đồng và một bản 3,4 triệu đồng. Qua chương trình khuyến mại thêm của một số chuỗi cửa hàng lớn, Joy 1+ thậm chí chỉ còn 3 triệu đồng.
Hiển nhiên, 3 triệu đồng vẫn không phải là một khoản tiền quá nhỏ, nhưng cũng chẳng hề lớn. Ấy vậy nhưng khoản tiền như vậy đủ thấp để tôi không cần phải đắn đo quá nhiều khi bỏ tiền ra thỏa mãn tình yêu "Made in Vietnam".
Tôi có thể bỏ ra 2,5 triệu đồng để mua một sản phẩm được bạn bè mình đánh giá là... dùng được. Tôi có thể bỏ ra 2,5 triệu đồng để mua thêm Vsmart Joy dùng khi điện thoại "chính" bị hết pin, để dùng làm máy nghe nhạc (gắn DAC rời), để chơi Lines giết thời gian... Tóm lại, mua Joy là để dùng cho các mục đích không thực sự... cần thiết.
Nói cách khác, tôi quả thật chẳng hy vọng ảnh chụp từ Vsmart sẽ đẹp hơn ảnh chụp từ chiếc Galaxy đầu bảng đang dùng, chẳng hy vọng lướt web mượt hơn, cũng chẳng mong có được những tiện nghi như Samsung Pay hay DeX.
Ấy thế nhưng cũng làm gì có ai mua tablet Amazon với hy vọng thay thế được iPad. Tôi mua điện thoại Việt đơn giản chỉ vì... thích, và cuối cùng cũng đã có một thương hiệu Việt đủ rẻ, đủ tốt để tôi móc ví ra mua một thứ mình chẳng hề cần.