Voucher giúp tiết kiệm tiền trước những khoản chi tiêu thật sự cần thiết
Sử dụng voucher chỉ giúp bạn tiết kiệm khi mua những món đồ cần thiết, không phải món đồ mình muốn, với mức giá thấp hơn so với bình thường.
Hồ Thùy (25 tuổi, nhân viên văn phòng), cô nàng cho biết bản thân là một người nghiện sử dụng voucher vì có nhiều ưu đãi và giúp cô tiết kiệm được khá nhiều. Thùy chia sẻ: "Mình là một đứa chuyên mua hàng online và đi du lịch 1 năm 2-3 lần. Đây đều là những khoản chi nằm trong danh mục đáng để đầu tư. Mình thường mua đồ ăn, đồ gia dụng, hoặc 1 số đồ điện tử qua hình thức online. Khi này, việc có voucher giúp mình tiết kiệm được ít nhất từ 10-15% giá trị món đồ. Ngoài ra, sử dụng voucher ưu đãi khi đi du lịch, các bước như đặt vé máy bay, đặt phòng khách sạn, hay ăn uống tại các nhà hàng đều được chiết khấu khá cao, có khi lên tới 30% tùy thời điểm."
Tuy vậy, những cái "bẫy vô hình" nào của voucher khiến bạn tiêu xài phung phí hơn?
Mua đồ giảm giá có đúng là đang giúp bạn tiết kiệm hay không? Rất nhiều bạn trẻ thế hệ Gen Z đều có chung quan điểm rằng: Chính voucher đã khiến họ chi tiêu nhiều hơn, thậm chí là có phần vượt ngoài kiểm soát!
Như Anh (24 tuổi, Hà Nội), cô nàng đang làm tại 1 công ty truyền thông, chia sẻ: "Vì có voucher nên mình tiêu nhiều hơn, và thường xuyên tiêu phải những thứ vô bổ. Voucher kích thích mình mua những thứ đồ không cần thiết rất nhiều, cứ có cảm giác nếu mình không mua thì mình lỗ vậy á.
Hơn nữa, có những loại voucher có hiệu lực khi mua đủ số tiền, chính điều này khiến mình quá tay khi mua hàng, tăng danh mục sản phẩm cần mua để đạt đủ số tiền nhận ưu đãi đó. Mình nghĩ, đây chính là một thủ thuật móc túi người tiêu dùng siêu hiệu quả của rất nhiều loại voucher hiện nay."
Hay như Lê Trang (24 tuổi), hiện đang là nhân viên kinh doanh tại 1 công ty du lịch Hà Nội, cô nàng chia sẻ: "Khi có voucher, nó dường như kích thích mình tiêu dùng nhiều hơn: Ví dụ: Thường thì có những quán ăn, nhà hàng mình chẳng bao giờ ghé. Nhưng nếu như có voucher giảm giá, thì chắc chắn mình sẽ đi, với suy nghĩ: Thứ nhất đi để trải nghiệm thêm. Thứ hai, dù gì mình cũng có mã giảm giá, nếu không đi thử thì lại thấy phí quá. Vậy đó, đây là cách voucher khiến mình phải móc hầu bao ra chi tiền cho những thứ "thật sự không cần thiết".
Đây cũng là mặt trái của việc sử dụng voucher trong mua sắm. Khi bạn không kiểm soát được nhu cầu chi tiêu của mình, bạn sẽ mắc phải những cái bẫy vô hình này.
Phải làm gì để trở thành nhà tiêu dùng thông minh?
Cân nhắc kỹ những món đồ mua ngoài dự tính, nhu cầu
Việc mua sắm nếu không được lên kế hoạch cụ thể từ đầu sẽ dễ khiến bạn mất kiểm soát. Khi đột nhiên sở hữu một loại voucher nào đó, bạn sẽ nảy sinh tâm lý muốn mua món đồ đó, vì nếu không mua, nhỡ đâu lần sau cần dùng đến lại không còn ưu đãi nữa thì sao?
Vậy nên khi đứng trước một lời mời gọi từ chiếc voucher nào, hãy tự trả lời những câu hỏi: "Mình cần món đồ này cho việc gì?" "Mình dùng món đồ này được trong bao lâu?" "Mình mua món đồ này vì thực sự cần thiết hay chỉ đơn giản mua vì có sale, có voucher?",... Và nếu được, hãy quan sát món đồ thật kỹ, đọc review trên mạng trước khi xuống tiền.
Không bao giờ vay nợ chỉ để mua sắm
Dù cho voucher có hấp dẫn như thế nào, sale sập sàn đến mức nào, cũng đừng bao giờ vay nợ chỉ để mua sắm. Việc sở hữu 1 món đồ không mang lại cảm giác hạnh phúc đủ để lấn át đi cái giá phải trả cho nợ tín dụng, nợ người thân đâu. Hãy chi tiêu với số tiền mà bạn sẵn sàng có, và phải tính toán hợp lý trước bất cứ quyết định mua sắm của mình.
Nếu như túi tiền của bạn không còn dư giả bất cứ đồng nào cho việc chi tiêu mua sắm, thì hãy ngưng việc lướt voucher, lướt khuyến mãi, hay lướt ngắm đồ online, tạm ngừng ra ngoài phố để tránh bị các chiêu trò giảm giá lôi kéo.
Cân đối giữa "ngân sách" và "danh sách"
Một khi cơn khát mua sắm đã đến, nhiều người sẽ không thể kiềm chế ý chí của mình trước những voucher ưu đãi lên tới vài chục phần trăm như thế. Khi này điều bạn cần làm, là hãy lập danh sách cụ thể những khoản chi cần thiết nhất cho mua sắm hoặc "nhu cầu hưởng thụ". Lưu ý rằng danh sách này nên được lập từ thứ tự cần thiết nhất, càng có độ ưu tiên càng tốt.
Trước khi chốt đơn xuống tiền, hãy đảm bảo rằng ngân sách của bạn vẫn còn đủ để sống tốt, mà không sa chân vào nợ nần, với tư tưởng "tiêu trước tính sau".
Việc sử dụng voucher trong tiêu dùng đều mang lại nhiều lợi ích cho cả người mua và người bán. Tuy vậy, việc người tiêu dùng sử dụng voucher một cách không có kiểm soát, sẽ khiến nguồn tài chính cá nhân của bạn gặp rắc rối lớn đấy!
Ảnh minh hoạ