Gánh nặng bệnh tật
Theo nghiên cứu của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế ở Việt Nam, tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân, béo phì chiếm khoảng 25% dân số.
Trong xã hội hiện đại, tình trạng thừa cân, béo phì ở người trưởng thành đang có xu hướng ngày càng phổ biến và trở thành một trong những thách thức lớn đối với chương trình chăm sóc sức khỏe ở mọi quốc gia.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, thừa cân và béo phì là tình trạng tích lũy mỡ quá mức hoặc không bình thường tại một vùng cơ thể hay toàn thân đến mức ảnh hưởng tới sức khỏe.
Theo đó, "chỉ số khối cơ thể" (Body Mass Index – BMI) được tính bằng cân nặng (kg) chia cho bình phương của chiều cao (mét) để đánh giá tình trạng dinh dưỡng của người trưởng thành.
Theo khuyến nghị chung của Tổ chức Y tế thế giới, một người trưởng thành khỏe mạnh, dinh dưỡng hợp lý, BMI của họ dao động trong giới hạn nhất định từ 18.5 – 24.9. Nếu BMI ≥ 25 thì được coi là thừa cân, BMI ≥ 30 thì là béo phì.
Người Việt Nam có thói quen thích con cái bụ bẫm, coi béo tốt là minh chứng cho sự no đủ, mà không biết rằng gánh nặng bệnh tật ngày càng gia tăng.
Như trường hợp của mẹ con chị Nguyễn Hoàng Hà trú tại Nguyễn Thái Học, Hà Nội đều bị béo phì.
Béo phì là nguyên nhân của hàng loạt bệnh nguy hiểm.
Chị Hà cho biết sau khi sinh con, chị nghĩ phải hi sinh tất cả vì con nên cứ để cân nặng tăng, sau sinh ăn nhiều cho con bú với hi vọng một vài năm sau sẽ giảm cân, nhưng ước mơ đưa cân nặng trở về mức "đầu 6" trở thành chướng ngại vật khó vượt qua nhất của chị.
Cậu con trai của chị cũng thế, 10 năm qua hai mẹ con chị lúc nào cũng có chỉ số BMI cao hơn 30. Con trai chị đang phải theo dõi điều trị rối loạn chuyển hóa tại Viện Dinh dưỡng Quốc gia, bởi cháu có dấu hiệu của rối loạn lipit máu và đường huyết.
Cùng tâm lý với chị Hà, bà Bùi Thị Thành trú tại Nam Sách, Hải Dương cũng rơi vào tình trạng quá béo khi không kiểm soát được cân nặng. Cao 1,55 nhưng bà Thành nặng 65kg, cảm giác không khép được cánh tay và đi lại khó khăn.
Bà Thành cho biết ngày trước con cái còn nhỏ, vất vả chỉ có 42 - 43kg lúc nào nhìn thấy người béo cũng thèm khi nào mình được béo như thế. Ở quê bà người ta xem béo là giàu có, thịnh vượng chỉ người có tiền, ăn uống đầy đủ mới béo nên ai cũng thích béo.
Tuy nhiên, khi cân nặng đã vượt quá mức kiểm soát, bà bắt đầu sợ béo thì không tài nào giảm cân được. Bà Thành đang bị tăng huyết áp kèm theo bệnh đái tháo đường tuyp 2. Nỗi ân hận về việc thích béo của mình bà kể ra không ai tin bởi tâm lý người ta vẫn thích béo.
Luôn kiểm soát vòng bụng để có chế độ sinh hoạt hợp lý.
Vòng bụng càng to càng giảm thọ
Theo PGS Lê Bạch Mai – Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, ngày nay người dân Việt mình không còn lo thiếu dinh dưỡng mà là vấn đề đáng lo ngại là bệnh đái tháo đường, tim mạch, ung thư do dinh dưỡng mang đến.
Bà Mai cho rằng hiện nay, WHO liên tục đưa ra hướng dẫn kiểm soát thừa cân béo phì để phòng chống bệnh mãn tính trong đó có tim mạch.
Nhưng ở nước ta người dân chưa có hiểu đúng về bệnh béo phì, người ta còn cho rằng béo phì là thịnh vượng hơn. Điều này rất nguy hiểm, chính vì thế tỷ lệ béo phì ngày càng gia tăng.
Thừa cân, béo phí không tốt mà nó ảnh hưởng cho sức khỏe như tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, béo phì là phần nổi của tảng băng chìm mà chúng ta cần suy nghĩ để giải quyết chứ không phải là no đủ, là thịnh vượng như mình vẫn nghĩ.
Bà Mai cho rằng bất cứ ai vòng eo, thắt lưng càng to vòng đời càng ngắn. Bởi vì thắt lưng dày là biểu hiện mỡ đọng thắt lưng, bụng to mỡ đọng ở bụng dễ bị gan nhiễm mỡ, điện tâm đồ đã thấy trái tim đã bị ảnh hưởng do mỡ đọng.
Theo bà Mai mỗi người có chỉ số BMI = 22 là lý tưởng nhất, BMI không vượt quá 20 - 22 là cân nặng ổn định nhất để bảo vệ sức khỏe.
Đừng quên tập luyện để giảm mỡ dư thừa trên cơ thể.