Như một xu hướng tất yếu mang tính quy luật, sau khoảng thời gian thống trị của Tây Ban Nha và Đức tại các giải đấu lớn, giờ đây gió có vẻ đã xoay chiều.
1.Các đại gia như Anh, Tây Ban Nha, Italia, Đức hay Bồ Đào Nha đều đã vượt qua vòng bảng theo các cách rất khác nhau.
Nhưng vẫn có điểm chung giữa các ứng cử viên nặng ký này. Đó là những màn trình diễn thiếu thuyết phục, nhạt nhoà và quan trọng nhất là mất bản sắc.
Tây Ban Nha đang là nhà ĐKVĐ của giải đấu và vẫn chọn lối chơi tiki-taka để bảo vệ ngôi vương tại Pháp.
TBN bất ngờ gục ngã trước Croatia.
Tuy nhiên, bộ máy phức tạp của La Roja giờ đây chỉ còn một mình Busquets vận hành đúng nghĩa. Iniesta hay Fabregas dù vai trò vẫn quan trọng, nhưng hầu như chỉ chuyền bóng chứ không phải điều tiết trận đấu.
Bồ Đào Nha – không ngạc nhiên - tiếp tục bị kìm hãm bởi hội chứng phụ thuộc Ronaldo. Có lẽ bản thân đội tuyển này phải cảm thấy xấu hổ khi đi tiếp nhờ giành vé vớt sau trận hòa hú hồn trước Hungary .
Tiếp tục nhờ cậy siêu sao vừa lập 2 kỷ lục tại EURO, khả năng cao đại diện xứ Iberia không thể tiến xa ở giải đấu lần này.
Trong khi đó, người Anh vẫn chỉ mạnh trên các mặt báo, khi truyền thông xứ sương mù luôn góp phần tạo nên sự ảo tưởng về sức mạnh của đội tuyển quốc gia.
Nhìn "Tam Sư" thi đấu, họ không đến nỗi là hổ giấy nhưng từ con người đến lối chơi, có cảm giác Roy Hodgson đang chơi một canh bạc nhiều rủi ro.
Đặt niềm tin vào lứa cầu thủ trẻ, không có nhiều thời gian chơi cạnh nhau, đội quân xứ sương mù rất dễ bị đánh bại ở những thời điểm căng thẳng tại vòng knock-out.
Sau Tây Ban Nha, Đức là đội thể hiện rõ nét nhất sự thoái trào. Nhà ĐKVĐ thế giới có vẻ đang mất phương hướng dù đang đứng trên "đỉnh".
Muller nói riêng và ĐT Đức nói chung chưa đem lại niềm vui cho người hâm mộ.
Đó là hình ảnh về một đội bóng đã đạt ngưỡng và không thể sáng tạo thêm về phong cách cũng như lối chơi.
Cỗ xe tăng Đức vẫn luôn nổi tiếng về sự lì lợm và khởi đầu chậm, chắc, nhưng vào lúc này, cách vận hành chiến thuật và khả năng bùng nổ của họ đã không còn được đánh giá cao.
Cuối cùng, Italia gây một chút ngạc nhiên nhưng không phải bởi họ đá quá hay. Đúng như HLV Antonio Conte nói, rất nhiều người không tin Azzurri lại có thể đi tiếp và lại giành vé sớm đến vậy.
Với thực lực hiện tại cùng ảo ảnh của truyền thống, thật bất ngờ nếu đội bóng tới từ đất nước hình chiếc ủng có thể tiến tới bán kết.
2. Nếu như các fan hụt hẫng về nhiều ông lớn thì họ vẫn có thể tìm thấy sự hứng thú từ những đội tuyển nhỏ bé. Nổi bật nhất trong số đó chắc chắn là Hungary và Croatia .
Croatia thực sự là đội tuyển đáng gờm nhờ hàng tiền vệ đẳng cấp với Modric và Rakitic – 2 nhạc trưởng đứng ở hàng hay nhất của bóng đá đương đại.
Croatia càng trở nên khó lường khi sẵn sàng gạt bỏ ngôi sao Mandzukic trên hàng công – điều giúp họ đánh bại Tây Ban Nha ở lượt đấu trận cuối. Sự thật, đại diện xứ Balkan chính là một trong số ít những đội chơi tấn công cống hiến với chất lượng nhân sự rất đáng xem ở kỳ EURO lần này.
Về phần Hungary , họ đứng đầu bảng F một cách đầy ấn tượng. Đội bóng Trung Âu đã thể hiện vũ khí lớn nhất của họ chính là tinh thần.
Dù không được đánh giá cao về chuyên môn, nhưng Hungary thực sự chơi bóng như một tập thể. Giờ đây các học trò của HLV Bernd Storck sẽ rất nguy hiểm khi ra sân với tâm lý không biết sợ là gì vì đã hoàn tất mục tiêu đề ra.
Sẽ là thiếu sót lớn nếu không nhắc đến đội chủ nhà Pháp. Les Bleus có chiều sâu đội hình nhất, chưa đá hết sức và vẫn còn có thể giấu nhiều bài nhờ rơi vào một bảng đấu dễ thở.
Pháp đang là đội có khả năng vô địch cao nhất nhờ hội tụ cả ba yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hoà, giống như tại Euro 1984 và World Cup 1998.
3. Vòng chung kết năm nay có 24 đội dẫn đến việc Euro 2016 trở nên đầy tính toán đến tiêu cực. Rất nhiều đội tuyển chọn cách tiếp cận an toàn chứ không thi đấu với tinh thần quyết tử.
Dễ hiểu vì sao các đội bóng không có tư tưởng tấn công vì chỉ cần không thua cũng có thể đi tiếp. Bồ Đào Nha của Ronaldo hoà 3 trận trong khi Bắc Ireland thắng 1 trận là đủ để giành vé vớt.
Những con số đã nói lên tẩt cả. Sau 36 trận ở vòng bảng, chỉ có 69 bàn thắng được ghi, tỷ lệ 1.92 bàn/trận. Trung bình, các đội mất đến 47 phút mới ghi được 1 bàn thắng – một tỷ lệ thấp chưa từng có tại các kỳ EURO.
Đã có 4 trận đấu kết thúc mà không có bàn thắng nào được ghi (Pháp - Thụy Sỹ, Anh - Slovakia, Đức - Ba Lan, Bồ Đào Nha – Áo). Nên nhớ, với 16 đội tại EURO 2004, người ta cũng chỉ chứng kiến 3 trận hòa 0-0.
Nhánh thi đấu vòng loại trực tiếp Euro 2016.
Thể thức này cộng với việc các đội tuyển lớn không giành ngôi đầu khiến hầu hết các ứng cử viên phải loại nhau sớm.
Italia sẽ gặp Tây Ban Nha ở vòng 16 đội trong khi Pháp có thể gặp Anh nếu cả hai cùng đi tiếp. Nhánh còn lại có quá nhiều đội bóng làng nhàng và điều ấy hứa hẹn sẽ sớm xuất hiện một ngựa ô như Hy Lạp năm 2004.