Vốn Trung Quốc 'đổ bộ' ồ ạt vào Việt Nam và nỗi lo của người Hàn Quốc

Nam Dương |

"Sự gia tăng đầu tư của các công ty Trung Quốc ở phía bắc Hà Nội đang làm tăng sự rò rỉ nhân lực, đây là một vấn đề đối với các công ty Hàn Quốc trong tất cả các lĩnh vực", Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) nhận định.

Môi trường lao động là một trong những vấn đề được Kocham đặt lên bàn nghị sự VBF vừa diễn ra đầu năm 2020. Kocham đặc biệt lo ngại về nguồn nhân lực, đang bị ảnh hưởng khá nhiều từ việc tham gia mạnh hơn của các công ty Trung Quốc tại thị trường Việt Nam.

"Sự gia tăng đầu tư của các công ty Trung Quốc ở phía bắc Hà Nội đang làm tăng sự rò rỉ nhân lực, đây là một vấn đề đối với các công ty Hàn Quốc trong tất cả các lĩnh vực", Kocham cho biết.

Một vấn đề khác được Kocham chỉ ra liên quan đến doanh nghiệp Trung Quốc là việc nhập khẩu nguyên phụ liệu và việc cung cấp nguyên phụ liệu từ trong nước.

Theo Kocham, các nhà máy Trung Quốc ở xung quanh nhà máy Hàn Quốc đáng lẽ phải nộp thuế nhập khẩu 20% khi nhập nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, nhưng cơ quan cấp chứng nhận xuất xứ của Trung Quốc đã cấp Mã HS giả, để có thể nhận được ưu đãi thuế nhập khẩu trái phép khi nhập khẩu vào Việt Nam.

"Điều này đang làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nhập khẩu đúng quy định", Kocham cho biết.

"Ngoài ra, không chỉ có ngành dệt may, để xuất khẩu sang châu Âu, Hoa Kỳ và Hàn Quốc trong tương lai, cần sử dụng các nguyên phụ liệu của Việt Nam, tuy nhiên, do nguồn cung nguyên liệu ở Việt Nam còn chưa ổn định nên chúng tôi không nhận được ưu đãi triệt để theo các Hiệp định Thương mại tự do - FTA.

Vì vậy, chúng tôi mong muốn chính phủ Việt Nam có đối sách để xử lý tình trạng này", tổ chức này nói thêm.

Thực tế đây không phải lần đầu tiên các doanh nghiệp Hàn Quốc tỏ ra lo lắng trước dòng vốn Trung Quốc vào Việt Nam. Hồi giữa năm 2019, ông Michael Dc Choi, Phó giám đốc Trung tâm M&A Hàn Quốc thuộc Tổ chức Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (Kotra) cũng từng đề cập đến vấn đề này.

Theo ông, khi sóng dịch chuyển FDI từ Trung Quốc tăng mạnh vào Việt Nam sẽ tạo nên nhu cầu lớn về thuê đất hạ tầng công nghiệp, đồng thời đẩy chi phí sản xuất lên cao, đặc biệt ở các khu vực phía Bắc.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT), tính đến ngày 20/12/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 38,02 tỉ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Hàn Quốc vươn lên trở lại dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 7,92 tỉ USD trong năm 2019 và Hồng Kông đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 7,87 tỉ USD (trong đó, có 3,85 tỉ USD mua cổ phần vào công ty TNHH Vietnam Beverage tại Hà Nội). Singapore đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 4,5 tỉ USD, tiếp theo là Nhật Bản, Trung Quốc…

Cơ quan quản lý cũng nhận định, đầu tư từ Trung Quốc, Hồng Kông có xu hướng tăng so với cùng kỳ do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Cụ thể, vốn FDI từ Trung Quốc tăng gần 1,65 lần, từ Hồng Kông tăng 2,4 lần so với năm 2018.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại