CTCP Sắt Thạch Khê (TIC) vừa có văn bản gửi các bộ, ngành, UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc tiếp tục triển khai thực hiện dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh). Hiện mỏ sắt này được đánh giá là mỏ sắt lớn nhất khu vực Đông Nam Á, được định giá lên đến 35 tỷ USD.
Dự án đã được điều chỉnh tăng vốn đầu tư so với thời điểm lập dự án lên đến 30%, tương đương với mức 14.517 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 là 6.777 tỷ, giai đoạn 2 là 7.739 tỷ đồng.
TIC hiện đã cơ cấu lại số cổ đông, từ 9 giảm xuống chỉ còn 5. Tuy nhiên, chỉ có hai công ty tiếp tục góp vốn là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và công ty Thăng Long.
Các cổ đông như Mitraco, VnSteel, Bitexco không thực hiện nghĩa vụ góp vốn, tổng là 214 tỷ đồng. Do đó, TKV đã nâng tỷ lệ sở hữu lên 59,5%, Thăng Long nắm 13,45% vốn điều lệ TIC.
Theo dự án được duyệt, nguồn vốn đầu tư gồm 30% vốn góp của các cổ đông, 70% vốn vay và nguồn huy động khác.
Trong đó, báo cáo của TIC cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương, hiện nay TIC đã huy động vốn góp cổ đông 1.809 tỷ đồng, còn thiếu 224 tỷ đồng cần góp để đủ vốn đối ứng 30% giai đoạn 1 của dự án.
“Một phần nguyên nhân do một số cổ đông thiếu năng lực, không còn khả năng góp vốn Mitraco, Vnsteel và Bitexco) nhưng nguyên nhân chính vẫn là do dự án chưa được tái khởi động.
Đến nay TKV và Công ty Thăng Long đã có công văn sẵn sàng góp thay các cổ đông khác phần còn thiếu sau khi được Bộ Công Thương thông qua phương án góp vốn của TKV và dự án được triển khai trở lại”, báo cáo của TIC nêu.
Về vấn đề huy động vốn vay thương mại và các nguồn vốn khác, theo báo cáo ngày 16/7/2014 Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Hà tĩnh đã có công văn số 257 cam kết về mặt chủ trương thu xếp vốn dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê, Hà tĩnh điều chỉnh.
Ngày 28/8/2015 BIDV có văn bản đồng ý chủ trương tài trợ vốn giai đoạn 1 cho dự án.
Ngoài ra, báo cáo cũng cho biết, các ngân hàng SHB, ngân hàng Tiên Phong, Mizuho, May Bank đã phối hợp với đơn vị tư vấn huy động vốn BSC làm việc với TIC để nghiên cứu và thẩm định nhằm sớm đạt được thoả thuận tài trợ vốn cho dự án.
Tuy nhiên, việc ký kết hợp đồng vay vốn sẽ được các bên thực hiện sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cho phép tái khởi động lại dự án và TIC huy động đủ 30% vốn đối ứng của giai đoạn 1 dự án.
Chủ đầu tư cũng cho biết, trong quá trình xây dựng cơ bản mỏ có thể thu hồi được 4,4 triệu tấn quặng sắt, tương ứng doanh thu khoảng 3.740 tỷ đồng sau khi trừ chi phí trực tiếp sản xuất còn lại sẽ bổ sung vốn cho dự án khoảng 1.200 tỷ đồng.
Ngoài việc huy động vốn góp cổ đông và vốn vay thương mại, TIC cũng cho biết, sẽ huy động nguồn vốn xã hội hoá các khâu như bóc xúc, vận chuyển, khoan nổ mìn… từ các doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, có thể huy động vốn từ thị trường vốn trên các sàn giai dịch trong và ngoài nước khi dự án đi vào hoạt động.
“Với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án 6.777 tỷ đồng thì việc huy động vốn đầu tư dự án được khởi động lại là đảm bảo khả thi, đáp ứng được tiến độ giải ngân cho dự án”, báo cáo của TIC cho hay.
Phương án huy động vốn cho giai đoạn 2 của dự án với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 7.739 tỷ đồng hiện chưa được đề cập trong báo cáo của TIC.