Được đưa vào biên chế từ đầu năm 2017, tiêm kích tàng hình J-20 của Không quân Trung Quốc vẫn được xem là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với máy bay chiến đấu thế hệ 5 F-22 Raptor của Mỹ.
Nhưng theo bài viết của nhà phân tích quân sự Abraham Ait trên Tạp chí The Diplomat, sau chưa đầy một năm kể từ khi được đưa vào sử dụng, J-20 đã tiếp nhận những gói nâng cấp đầu tiên giúp nó gia tăng khả năng chiến đấu. Nhiều gói nâng cấp tiếp sau nữa cũng sẽ được Trung Quốc bổ sung với mục đích biến nó thành phương tiện chiến đấu trên không hàng đầu thế giới.
Theo Abraham Ait, hạn chế dễ nhận thấy nhất ở những nguyên mẫu và phiên bản sản xuất ban đầu của J-20 chính là việc chúng được trang bị các động cơ WS-10G, loại gần như dựa chủ yếu trên nền tảng động cơ AL-31 của Nga vốn sử dụng cho các máy bay chiến đấu thế hệ 4.
Khi đó, J-20 thiếu mất một động cơ để có thể so sánh với F119 trang bị cho F-22 Raptor khiến sức mạnh cũng như khả năng giành ưu thế vượt trội trên không của nó kém hơn.
J-20 sẽ tăng thêm sức mạnh với động cơ WS-15
Tuy nhiên, từ lúc đưa vào biên chế, Trung Quốc đã bắt tay ngay vào phát triển động cơ thế hệ 5 WS-15 với những tính năng tương tự như F119. Động cơ mới này sẽ được Trung Quốc lắp đặt cho các máy bay tương lai và quan trọng hơn, nó giúp J-20 nâng cao đáng kể khả năng chiến đấu so với các mẫu sản xuất trước đây.
Nhiều nhà phân tích từng cho biết, một số tiêm kích J-20 tham gia trong các cuộc tập trận quân sự lớn tại Căn cứ Zhurihe ở Nội Mông vào giữa năm 2017 đã được trang bị động cơ WS-15 cho các mục đích thử nghiệm.
Ngoài động cơ, Trung Quốc còn thực hiện nhiều gói nâng cấp khác cho J-20, bao gồm: radar, phần mền cải tiến và hệ thống điện tử hàng không hiện đại.
Chia sẻ trên tờ Nhân dân Nhật báo, một kỹ sư hàng đầu tham gia phát triển J-20 cho biết, nhóm nghiên cứu của ông đang hiệu chỉnh thêm động cơ, sơn tàng hình và khoang chứa vũ khí giúp J-20 gia tăng thêm hỏa lực, hiệu quả bay cũng như khả năng sống sót.
Tốc độ J-20 tiếp nhận các gói nâng cấp đặc biệt đáng chú ý nếu so với hoạt động này của F-22 Raptor vì sau 13 năm đưa vào sử dụng, F-22 vẫn chưa hoàn thiện gói nâng cấp thứ hai.
Trong khi thời gian nâng cấp khoang vũ khí của J-20 chỉ tính bằng tháng thì F-22 phải mất nhiều năm trời mới gia tăng được hỏa lực và vận hành các tên lửa không đối không tiên tiến hơn.
Vào lúc toàn bộ tiêm kích F-22 Raptor của Mỹ được trang bị tên lửa không đối không AIM-120D tầm bắn 180 km mới thì J-20 nhiều khả năng đã bắt đầu sử dụng các biến thể động cơ ramjet của tên lửa PL-21 và PL-12D có tốc độ cao hơn, khả năng cơ động tốt hơn và tầm bắn ước tính sẽ đạt từ 200 - 400 km.
Tuổi đời thiết kế của F-22 đồng nghĩa với việc nó sử dụng các phần mền và cấu trúc máy tính phát triển từ những năm 1990 có tốc độ bộ vi xử lý chỉ 25MHz. Điều đó khiến việc nâng cấp càng trở nên phức tạp hơn vì sẽ gây ra nhiều vấn đề khi cố gắng trang bị cho F-22 các hệ thống vũ khí mới phát triển.
Ở thời điểm mới đưa vào sử dụng, mặc dù bị đánh giá là không thể sánh ngang các khả năng của F-22 nhưng với tốc độ nâng cấp nhanh hơn như vừa qua, chuyên gia Abraham Ait nhận định rằng J-20 sẽ nhanh chóng thu hẹp khoảng cách và có thể sớm vượt qua các khả năng chiến đấu của đối thủ Mỹ.
Hai máy bay đại điện cho hai sản phẩm tinh hoa của mỗi quốc gia về năng lực chiến đấu trên không nên chắc chắn chúng sẽ có những tác động quan trọng tới cán cân sức mạnh ở châu Á - Thái Bình Dương.
Trung Quốc tuyên bố J-20 đã sẵn sàng tham chiến