Ngay sau khi bị Mỹ đóng băng dự án chuyển giao tiêm kích F-35, không ít ý kiến từ Nga cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mua những dòng chiến đấu cơ đỉnh cao của Nga như Su-35 và Su-57 để thay thế.
Trong khi Su-57 vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, các ý kiến thiên về việc Ankara sẽ mua Su-35 để thay thế.
Thậm chí Nga còn ra sức mời chào Thổ Nhĩ Kỳ với lời hứa hẹn hấp dẫn rằng, họ sẽ cho Ankara tham gia vào dây chuyền sản xuất loại vũ khí đỉnh cao này.
Không thể phủ nhận Su-35 hiện là một trong những chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 mạnh nhất thế giới hiện nay.
Chúng hiện là xương sống của lực lượng không quân Nga trước khi Su-57 có thể hoàn thiện động cơ để trở thành một chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 đúng nghĩa.
Su-35 gần như kế thừa tất cả tinh hoa về kỹ năng chiến đấu của dòng Su-27/30 trước đó.
Sức mạnh của chúng được bổ sung thêm nhờ hệ thống điện tử với radar mảng pha bán chủ động mới cho phép theo dõi và dẫn bắn mục tiêu tốt hơn.
Ngoài ra động cơ với khả năng điều hướng 3D giúp chiến đấu cơ này cực kỳ cơ động trong không chiến.
Su-35 đang có màn thực chiến tại Syria, tuy chúng chưa từng đối đầu trong không chiến nhưng những đòn tấn công mặt đất chính xác để tiêu diệt phiến quân vẫn được đánh giá cao.
Dù Su-35 rất tốt nhưng khó lòng để Thổ Nhĩ Kỳ xuống tiền mua chiến đấu cơ này nhằm thay thế F-35.
Thứ nhất Su-35 vẫn là chiến đấu cơ thế hệ thứ 4, nếu cần một chiến đấu cơ thế hệ thứ tư đủ mạnh thì những chiếc F-16 Block 50/52 vẫn đáp ứng được yêu cầu.
Mặt khác cũng có những ý kiến về năng lực tác chiến thực sự của Su-35.
Hồi đầu tháng 12-2019, người đứng đầu Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Ismail Demir đã "dội gáo nước lạnh" vào nỗ lực bán Su-35 cho Thổ của Nga bằng nhận xét không mấy tốt đẹp về dòng chiến đấu cơ thế hệ 4 này.
"Không thể phủ nhận Su-35 là dòng tiêm kích rất mạnh về không chiến và tấn công mặt đất bởi khả năng cơ động rất tốt của nó. Nhưng theo những thông tin chúng tôi có được, tiêm kích Su-35 không mạnh như tuyên bố và không thể cạnh tranh với F-35 của Mỹ", vị lãnh đạo này nhận xét.
Mặt khác lời hứa hẹn cho Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất Su-35 sẽ khó lòng lay động Ankara. Trước đó Moscow cũng hứa hẹn cho nước này sản xuất S-400, tuy nhiên sau khi hợp đồng ký kết và những tổ hợp S-400 đầu tiên được chuyển giao thì Nga cũng phớt lờ lời hứa hẹn trên.
Thứ hai, Thổ Nhĩ Kỳ khó mua Su-35 vì vướng mắc khâu hậu cần. Trong biên chế của nước này chủ yếu là máy bay Mỹ, vì vậy một dòng máy bay Nga biên chế sẽ tốn kém rất nhiều về khâu hậu cần và bảo dưỡng.
Mặt khác khác chủng loại vũ khí cũng gây khó khăn hơn trong việc đồng bộ hóa các loại tên lửa và bom đạn trang bị cho chiến đấu cơ.
Thứ ba, giá thành của chiến đấu cơ Su-35 vẫn khá cao, ở mức khoảng 110 triệu USD/chiếc (giá Nga bán Su-35 ra nước ngoài). Mức giá này đang cao hơn hẳn F-35 vốn chỉ loanh quanh ở mức 90 triệu USD/chiếc.
Chính vì những điều này khiến Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khó xuống tiền mua chiến đấu cơ Su-35 của Nga.
Trong trường hợp bắt buộc phải có chiến đấu cơ thì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có hai phương án, một là đợi Su-57 hoàn thiện để mua, hai là mua chiến đấu cơ thế hệ 4 dòng F-15, F-16, F-18 của Mỹ, những chiến đấu cơ này đều có khả năng tác chiến ngang ngửa với Su-35 trong khi lại đồng bộ hóa vũ khí được với phi đội tiêm kích hiện có của Thổ Nhĩ Kỳ.
Mỹ chỉ cấm vận Thổ Nhĩ Kỳ tiếp cận với F-35 vì lo ngại thông số chúng sẽ bị lộ khi tích hợp vào hệ thống phòng thủ của Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đang có hệ thông S-400. Washington không cấm Ankara tiếp cận với các dòng tiêm kích thế hệ thứ 4. Vì thế mua chiến đấu cơ khác ngoài F-35 của Mỹ vẫn là giải pháp kinh tế và hiệu quả hơn so với Su-35.