Voi rừng tinh khôn “né” rào điện hàng chục tỷ đồng tấn công nhà dân

Xuân Lượng |

Dù đã tốn hàng chục tỷ đồng xây dựng hàng rào điện nhưng voi rừng đã di chuyển đến khu vực chưa có hàng rào để phá hoại nhà cửa của người dân.

Trước yêu cầu vừa bảo tồn voi rừng, vừa đảm bảo cuộc sống của người dân, Đồng Nai đã triển khai Dự án Khẩn cấp bảo tồn voi với mục tiêu bảo tồn, phát triển bền vững quần thể voi hoang dã; khôi phục và bảo vệ nguồn gen quý hiếm và đa dạng sinh học trong vùng sinh cảnh của voi; ngăn chặn, phòng ngừa xung đột giữa voi và người…

Thế nhưng dù đã chi ra số tiền rất lớn để xây hàng rào điện ngăn cách đàn voi rừng với khu vực dân cư, song hiệu quả mới chỉ được một thời gian chưa lâu thì gần đây tình trạng voi về phá phách hoa màu, tài sản của người dân lại tái diễn ở Đồng Nai, thậm chí với tần suất ngày một nhiều.

Thời gian gần đây, tại khu vực xã Thanh Sơn (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai), đàn voi rừng khoảng 15 con có khi đi nhóm nhỏ, có khi đi cả đàn liên tục kéo về phá hoại hoa màu, tài sản của người dân.

Theo người dân xã Thanh Sơn, mỗi lần voi về thường phá sạch các loại cây trồng, làm gãy cành, đổ cây, thậm chí còn quật đổ cả nhà và chòi canh rẫy để tìm gạo, muối vì đây đều là nguồn thức ăn ưa thích của chúng.

Nhiều hộ dân bị voi vào rẫy, thiệt hại nặng về kinh tế.

Ông Dương Văn Sửu, người dân xã Thanh Sơn cho biết: “Cả tháng nay, voi về phá nương rẫy cả đàn. Người dân sợ, đâu có dám đuổi. Vườn chuối và nhiều cây cối sắp thu hoạch bị phá nát”.

Chưa hết, ngoài thiệt hại về hoa màu, người dân còn luôn trong tình trạng nơm nớp lo sợ vì nếu không chủ động đề phòng có thể bị voi tấn công, nguy hiểm đến tính mạng.

Anh Phạm Công Dương, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán nói: “Tối hai vợ chồng tôi đang xem ti vi trong nhà thì nghe thấy tiếng động.

Chạy ra thấy voi đứng trước cửa, voi vào nhà phá, đập nhà cửa, ti vi. Chúng tôi phải nhờ hàng xóm đến đuổi, voi mới đi nhưng vẫn sợ voi đến trong đêm”.

Từ đầu năm tới nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai đã ghi nhận 35 lần voi về phá phách, gây thiệt hại đáng kể về tài sản, đồng thời gây tâm lý hoang mang cho người dân trong khu vực.

Theo thống kê sơ bộ, đã có hàng chục héc-ta hoa màu như chuối, điều, xoài, bưởi bị voi phá, ngoài ra còn 1 căn nhà, 2 chòi canh và hàng chục trụ bê tông, tường rào đã bị voi làm đổ sập, thiệt hại lên tới hàng trăm triệu đồng.

Voi lại thường xuất hiện từ chập tối đến rạng sáng nên việc phát hiện, xua đuổi gặp nhiều khó khăn.

Đáng chú ý, vị trí voi xuất hiện liên tục tại xã Thanh Sơn cũng chính là điểm cuối cùng của hàng rào điện ngăn cách voi rừng mới được tỉnh Đồng Nai xây dựng hoàn thành tháng 8/2017.

Hàng rào điện ngăn voi rừng nằm trong Dự án Khẩn cấp bảo tồn voi có kinh phí khoảng 74 tỉ đồng được tỉnh Đồng Nai xây dựng sau nhiều vụ voi rừng vào khu dân cư phá nương rẫy, tấn công người.

Hàng rào này kéo dài 50km chia làm 2 đoạn đi qua các xã Mã Đà, Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) và xã Thanh Sơn (huyện Định Quán), bao quanh Khu bảo tồn Thiên nhiên văn hóa Đồng Nai.

Từ khi có hàng rào điện, voi không còn xuất hiện ở những nơi có hàng rào đi qua nhưng ở điểm cuối cùng của hàng rào voi lại xuất hiện với tần suất dày đặc.

Để “khép kín” hàng rào thì cần xây dựng thêm 20km nữa, kinh phí lên tới hàng chục tỉ đồng.

Ông Lê Việt Dũng, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai cho rằng, việc xây dựng 50km hàng rào điện đã góp phần bảo vệ phần lớn khu vực có dân cư sinh sống, nhưng do hàng rào chưa khép kín hoàn toàn, còn voi lại loài tinh khôn, di chuyển nhanh nên đã biết đi dọc theo hàng rào, tới “điểm hở” rồi kéo vào khu vực canh tác của người dân tìm thức ăn. Do đó việc xây dựng nốt 20km hàng rào còn lại là cần thiết.

“Trong thời gian tới giải pháp theo tôi nghĩ trước mắt và nhanh nhất hạn chế xung đột giữa người và voi là làm 2 đoạn hàng rào điện khoảng 20km nữa.

Sau khi làm tốt việc đó, cộng với việc duy tu, bảo dưỡng, vận hành hàng rào điện sẽ ngăn chặn được việc voi xuất hiện làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con ở đó”.

Dù vậy, các chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã nhận xét, việc ngăn cách voi rừng bằng rào điện có thể đạt được hiệu quả trước mắt nhưng sẽ không thể là giải pháp lâu dài.

Vì nếu bảo tồn theo kiểu liên tục “cưỡng ép” có thể gây tác động tiêu cực, làm thay đổi tập tính của loài.

Nên để bảo tồn bền vững, quan trọng là làm sao phục hồi các sinh cảnh, tạo ra hành lang sinh cảnh tốt nhất cho voi – vốn là loài di cư – có thể di chuyển; ngoài ra cũng cần thiết phải xây dựng được mối quan hệ hài hòa giữa voi với người dân trong khu vực.

Theo điều tra của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai, sinh cảnh của đàn voi ước tính khoảng 42.000 héc-ta trong tổng số hơn 120.000 héc-ta diện tích rừng tự nhiên.

Đàn voi rừng ở Đồng Nai được ghi nhận có khoảng 14 đến 16 cá thể, có thể chia thành 2 đàn nhỏ, cơ cấu đàn hợp lý, có voi đực, voi cái và 2 voi con./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại