Thi đấu nhiều, hiệu quả ít
Thông thường khi cầu thủ được tạo điều kiện thi đấu nhiều, phần nào kết quả thu về tỷ lệ thuận thời gian trên sân. Tuy nhiên điều này có thể đúng với ai, với Rashford thì không.
Dưới triều đại Louis van Gaal, cả mùa 2015/16, Rashford thi đấu 18 trận nhưng vẫn có được 8 pha lập công (tính trên mọi đấu trường). Hiệu suất quá tốt đối với tiền đạo trẻ lần đầu được trao cơ hội, và báo chí Anh giai đoạn đó gọi Rashford như "thần tài" của Man United cũng đúng thôi.
Như Van Gaal, dưới bàn tay Mourinho, Rashford được tạo điều kiện thi đấu tối đa. Có thể giống quan điểm người tiền nhiệm, Mourinho có niềm tin lớn Rashford sẽ duy trì phong độ và phát triển hơn nữa.
Những khoảnh khắc ăn mừng mang dấu ấn Rashford đang ít dần.
Bởi nói như huyền thoại Paul Scholes, cái tuổi Rashford, việc tạo điều kiện thi đấu càng nhiều sẽ tốt để tích lũy kinh nghiệm và tôi luyện bản thân tốt hơn. Dẫu vậy, tiền đạo người Anh chỉ ghi 11 bàn trong 53 trận mùa trước, hiệu suất kém xa dưới thời Van Gaal.
Đầu mùa 2017/18, Quỷ đỏ chiêu mộ Romelu Lukaku, làm sáng lên hy vọng Mourinho sẽ có được bộ đôi trong mơ Lukaku - Rashford. Với Lukaku thiên về sức mạnh, Rashford giỏi tốc độ và kỹ thuật, kết hợp lại với nhau sẽ tạo nên sự đáng gờm cho hàng công Man United.
Càng có cơ sở hơn khi những trận đầu mở màn, cả hai đã chơi tốt và góp công lớn vào những thắng lợi liên tiếp của Man United. Tuy nhiên, càng về sau thì kế hoạch phá sản. Một phần, Rashford sa sút và Lukaku cũng vậy. Phần khác, những biến đổi về chiến thuật đã khiến cho mọi thứ không còn như toan tính trong Mourinho.
Niềm tin Mourinho đặt vào Rashford liệu có đang bị phí phạm?
Và đến thời điểm này, Rashford đã chơi 22 trận tại Premier League nhưng chỉ ghi được 4 bàn, rõ ràng con số nói lên sự thất vọng lớn.
Lỗi tại ai, và liệu có bất công với Mkhitaryan?
Chọn mốc từ trận thua Man City (vòng 16) cho đến nay, Rashford chỉ có được 1 đường kiến tạo thành bàn, ngoài ra không có thêm pha lập công nào nữa trong 8 trận gần nhất.
Một sự báo động không chỉ riêng gì tiền đạo 20 tuổi mà còn cả Mourinho. Nó nói lên vấn đề, ngay cả khi không thể ghi bàn, kiến tạo cũng là thứ xa xỉ với Rashford. Nhưng lỗi tại ai? Thực ra, lỗi thuộc về Rashford nhiều hơn.
Quá khứ, Rashford từng nói: "Vị trí yêu thích của tôi chơi ở vai trò số 9, vì mọi thứ dễ dàng hơn khi dứt điểm". Với Mourinho điều này dường như không thể. Trong sơ đồ 4-2-3-1, "Người đặc biệt" ưu tiên Lukaku và Zlatan Ibrahimovic cho vai trò trung phong. Rashford buộc phải thi đấu dạt trái, như phân tích của tờ ESPN, Mourinho rất cần tốc độ và những pha đi bóng đột biến từ cậu học trò trong những tình huống tấn công.
Nhưng khi chơi trái sở trường, Rashford không thể thích nghi tốt nhất có thể. Tựu trung, lối chơi của Man United buộc các cầu thủ ở hai cánh có thiên hướng phòng ngự nhiều và hoạt động trên sân trong trạng thái thường xuyên không có bóng. Cách chơi này phần nào khiến Rashford không hề thích thú, và minh chứng rõ trong trận thua Chelsea hay hòa Liverpool trước đó.
Kế đến, tiền đạo người Anh không có khả năng cảm thụ không gian tốt nhằm giảm hao tổn sức lực, đồng thời đưa ra những đường chuyền quyết định một cách chính xác. Trận hòa Leicester City vừa qua nói lên điều này, đến mức sau trận chính Mourinho phải lên tiếng chỉ trích cậu học trò cho sự thiếu quyết đoán trong những đường chuyền.
Đặt niềm tin vào Rashford liệu có là bất công với Mkhitaryan?
Khi Rashford chơi càng tệ, nhưng Mourinho vẫn cố đặt niềm tin, mới thấy rõ sự bất công dành cho Henrikh Mkhitaryan. Thi đấu ít hơn, Mkhitaryan vẫn tạo cơ hội thuận lợi cho đồng đội nhiều hơn với 28 so với 19 và tỷ lệ dứt điểm chính xác 50% so với 48% của Rashford.
Cần lưu ý, trang Whoscored chấm Mkhitaryan 7,24 điểm mỗi khi chơi bám biên trái, chỉ kém vị trí sở trường hộ công là 7,36 điểm.
Đến nước này, phải chi Mourinho nhìn vào số liệu và suy nghĩ lại về cách bố trí chiến thuật trong thời gian tới!