Với nghịch lý Công Phượng, Quang Hải & Đình Bắc, bóng đá Việt "rớt hạng" ở Đông Nam Á có gì ngạc nhiên!

Lam Chi - Ảnh: Tú Anh |

Những gì diễn ra với những ngôi sao đã và đang "sáng" của bóng đá Việt Nam phản ánh một hiện thực buồn của nền bóng đá nước nhà.

Cho đến thời điểm hiện tại, Công Phượng đang là tuyển thủ Việt Nam duy nhất đang thi đấu tại nước ngoài. Đây không phải là lần đầu tiên ngôi sao từng cực kỳ đình đám một thời này xuất ngoại, và dĩ nhiên cũng không phải là lần đầu tiên khiến người hâm mộ bóng đá Việt Nam phải thất vọng khi hầu như chỉ "đánh trống ghi tên". Ở cả 3 lần xuất ngoại trước, cầu thủ được mệnh danh "con cưng bầu Đức" đều thất bại khá thảm hại. Duy chỉ có lần này, có vẻ như Công Phượng đang "thành công".

Chỉ tiếc rằng "thành công" ấy lại không đến ở chuyên môn khi bước sang mùa giải thứ hai khoác áo CLB Yokohama FC - dù chỉ là đội bóng đang chơi ở J.League 2, tiền đạo ngôi sao Việt Nam cũng chỉ được đăng ký thi đấu vỏn vẹn 2 trận ở J.League Cup. Cách đây đúng một năm, chân sút gốc xứ Nghệ cũng chỉ ra sân có vỏn vẹn 2 phút.

Với nghịch lý Công Phượng, Quang Hải & Đình Bắc, bóng đá Việt "rớt hạng" ở Đông Nam Á có gì ngạc nhiên!- Ảnh 1.

"Thành công" ở đây là việc Công Phượng đã hợp tác cùng CLB Yokohama FC cho ra đời thương hiệu "Đường tới ước mơ" chuyên phân phối, kinh doanh các sản phẩm gia dụng. Không khó để nhận ra ngôi sao này đang chuẩn bị khá ổn cho việc "hạ cánh" sự nghiệp của mình, trong khi các HLV đội tuyển Việt Nam và người hâm mộ vẫn đang mong ngóng, đặt niềm tin vào anh.

Đình đám chẳng hề kém Công Phượng, Quang Hải vẫn đang là tên tuổi nổi bật nhất của bóng đá Việt Nam và từng khiến người hâm mộ và giới truyền thông "phát sốt" với tin đồng hé lộ điểm đến tiếp theo sẽ là J.League - theo chân ngôi sao nhà bầu Đức. Song ngay từ khi thông tin được "phát lộ", giới thạo tin đã tin rằng đây chỉ là "cú đòn gió" cho một bản hợp đồng mang giá trị cao níu chân tiền vệ người Đông Anh ở lại với V.League.

Việc ở lại với V.League là lựa chọn hợp lý với Quang Hải, khi những ngày tháng đỉnh cao sự nghiệp của ngôi sao này dường như đã ở lại sau lưng, và tấm gương tày liếp của chính Công Phượng cho thấy việc xuất ngoại của cầu thủ Việt Nam ở thời điểm này là cực kỳ rủi ro nếu chỉ đơn thuần theo dạng chuyên môn. Trong khi đó, chế độ đãi ngộ dành cho cầu thủ Việt, không đâu bằng được V.League.

Với nghịch lý Công Phượng, Quang Hải & Đình Bắc, bóng đá Việt "rớt hạng" ở Đông Nam Á có gì ngạc nhiên!- Ảnh 2.

Mới đây, nhà môi giới cầu thủ người Slovenia với rất quen thuộc với V.League - Jernej Kamensek, đã đưa ra nhận xét gây tranh cãi: "Cầu thủ Việt Nam nhận đãi ngộ cao hơn trình độ thực chất". Cộng đồng mạng Việt Nam được dịp tranh cãi quyết liệt về phát ngôn này, song xét cho cùng nó chẳng hề mới. Trước đây, cựu giám đốc kỹ thuật HAGL - Nguyễn Văn Vinh, cũng đã từng phát biểu tương tự: "Cầu thủ Việt Nam nghiệp dư nhưng nhận lương chuyên nghiệp".

Chế độ đãi ngộ cao dành cho cầu thủ Việt ở V.League đang phản ánh rõ nhất sự đi xuống của cả nền bóng đá, khi cầu thủ nội có năng lực tốt đang trở nên hiếm hoi. Và đấy cũng là thứ khiến những ngôi sao đang dần hiếm đi của bóng đá Việt Nam quyết định "bến đỗ" của mình không còn quá phụ thuộc vào độ thích hợp về mặt chuyên môn. V.League không thiếu những cầu thủ "triệu phú USD", nhưng cứ xuất ngoại là nhạt nhòa. Người thành công nhất của bóng đá Việt Nam khi xuất ngoại là Huỳnh Như, với mức thu nhập khá... bèo bọt.

Với 3 trận thua liên tiếp trước Indonesia, đội tuyển Việt Nam đang phải đối diện với hiện thực rớt khỏi tốp đầu Đông Nam Á. Trước đó ở hai kỳ AFF Cup gần nhất, trong khi lứa "thế hệ vàng" còn đang ở thời điểm phong độ đỉnh cao, HLV Park Hang-seo cũng phải "chào thua" Thái Lan. Còn hiện tại, khi lứa "cựu binh" đã nhạt nhòa động lực, thì lứa măng non của bóng đá Việt Nam vẫn đang phập phù, run rẩy khi gặp phải Indonesia.

Với nghịch lý Công Phượng, Quang Hải & Đình Bắc, bóng đá Việt "rớt hạng" ở Đông Nam Á có gì ngạc nhiên!- Ảnh 3.

Dưới thời HLV Troussier, Đình Bắc là ngôi sao trẻ đình đám nhất của bóng đá Việt Nam. Song ngay khi nổi tiếng, cầu thủ trẻ này đã lập tức "gieo tiếng xấu" với bệnh ngôi sao để rồi phải nhận án kỷ luật của đội bóng. Và mới đây, giới chuyên môn khá ngỡ ngàng với thông tin tiền đạo này có tên trong danh sách thi đấu của một đội bóng "phủi" Nghệ An. Đáng nói là chân sút sinh năm 2004 này vừa phải trải qua giai đoạn điều trị chấn thương khá dài.

Không chỉ riêng Đình Bắc, mà những tuyển thủ quốc gia khác như Phan Văn Đức hay trung vệ Bùi Tiến Dũng cũng đã "ghi danh" vào các đội bóng "phủi", sẵn sàng cho giai đoạn V.League 2023/24 kết thúc. Rốt cục, các cầu thủ chuyên nghiệp này cần gì, và CLB chủ quản nghĩ gì?

Là nghịch lý hay nghiệp dư? Hỏi, âu đã tự là câu trả lời.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại