Không nằm ngoài dự kiến, mẫu đầu bảng Mi 10 được Xiaomi vén màn ngày hôm qua gần như không có gì đặc biệt: vẫn là cấu hình ngang với các đối thủ cạnh tranh, vẫn là cảm biến camera 108MP mua của Samsung, vẫn là thiết kế không có một chút nào riêng so với các đối thủ…
Tuy vậy, Mi 10 vẫn đánh dấu một thời khắc đáng nhớ của Xiaomi: bắt đầu từ đây, Xiaomi sẽ không còn là một tên tuổi giá rẻ nữa.
Bởi ở mức giá khởi điểm 3999 Nhân Dân Tệ (tức khoảng 600 USD), smartphone đầu bảng của Xiaomi giờ chỉ kém iPhone 11 khoảng 100 USD. Mức giá này cũng đã đưa Xiaomi chính thức bước vào khung giá cao cấp chính thống (600 – 800 USD), từ bỏ mức giá 400 – 600 USD mà hãng này từng theo đuổi cho đến tận Mi 9.
Mi 10 là mẫu Mi "chính thống" đầu tiên ra mắt trực tiếp trong phân khúc cao cấp.
Nói cách khác, Xiaomi mà các tín đồ Android giá rẻ từng biết tới giờ đã không còn nữa. Khi Xiaomi bắt đầu thu hút sự chú ý của người dùng trên toàn cầu vào những năm 2013, chiếc Mi 3 vén màn ở mức giá chỉ khoảng 330 USD. Khi đó, Mi 3 có chip Snapdragon 800 tương đương với Galaxy Note 3 có giá cao gấp đôi. Xiaomi trở thành một trong những tên tuổi đi đầu trào lưu "sát thủ đầu bảng", tức những chiếc smartphone cấu hình cao nhưng giá bán lại rất rẻ.
Cho đến tận năm ngoái, danh hiệu này vẫn được Mi 9 giữ vững. Phiên bản Mi 9 gốc dùng chip Snapdragon 855 có giá 2999 NDT, tức khoảng 450 USD. Tuy đã tăng giá khá nhiều so với thời kỳ mới nổi, Mi 9 vẫn là một trong số những đại diện hiếm hoi mang cấu hình cao cấp đến với người dùng tầm trung/cận cao cấp. So với Galaxy S10 cùng năm, giá của Mi 9 chỉ bằng một nửa.
Vậy thì, điều gì đã đẩy Xiaomi phải đặt chân vào phân khúc cao cấp trong năm nay? Câu trả lời là thực tại. Năm 2018, thời kỳ startup của Xiaomi có thể coi là đã chấm dứt khi hãng này IPO, mọi con số đều phải công bố. Tầm nhìn mỹ miều của Xiaomi rằng smartphone phá giá để thúc đẩy dịch vụ Internet gần như sụp đổ. Từ quý này sang quý khác, smartphone vẫn chiếm phần lớn doanh thu, dịch vụ Internet gần như không bao giờ chiếm nổi 10%. Xiaomi là một công ty smartphone, hay nói đúng hơn là một công ty smartphone bị kìm kẹp bởi lời hứa của Lei Jun rằng lợi nhuận từ smartphone sẽ không bao giờ vượt quá 5%.
Việc trở thành một công ty đại chúng đã khiến Xiaomi buộc phải nhìn thẳng vào sự thật: Xiaomi là một công ty smartphone lợi nhuận thấp.
Cổ phiếu Xiaomi vì vậy gần như chỉ có một chiều lao dốc sau khi lên sàn. Gần cuối tháng 11, giá cổ phiếu hãng này mới quay đầu trở lại. Trong những thông tin mà Xiaomi công bố, có một tín hiệu đặc biệt quan trọng: lợi nhuận gộp từ smartphone trong quý 3 đạt 9%, mức cao nhất kể từ khi Xiaomi bắt đầu công bố kết quả kinh doanh. Trước đó, tỷ suất lợi nhuận qua từng quý đã tăng dần trong 2 quý đầu năm.
Không khó để nhận ra sự thay đổi này đến từ đâu. Ngay từ 2018, chiếc Mi 8 của Xiaomi đã có thêm phiên bản mặt lưng trong với giá thành cao hơn hẳn bản gốc. Mẫu Black Shark ra mắt với mục tiêu thu hút lợi nhuận từ các game thủ. Cả 2 chiến lược sau đó đều được tiếp tục trong năm 2019, thể hiện mục tiêu của Xiaomi trong việc nâng dần giá trị sản phẩm ra khỏi 2 chữ "cấu hình", và từ đó xóa dần ấn tượng phá giá của Xiaomi.
Sau đó, Xiaomi còn biến Mi 9 trở thành dòng sản phẩm chủ đạo cho cả năm khi vén màn chiếc Mi 9 Pro 5G với giá 520 USD, một lần nữa tách rời khỏi chiến lược giá cũ. Thương hiệu con CC (mua lại từ Meitu) khởi đầu với một chiếc smartphone có giá 400 USD nhưng lại chỉ sử dụng chip tầm trung Snapdragon 730G.
Những bước đi ngày một xa rời hình ảnh "phá giá cấu hình" xưa kia.
Hiển nhiên, những bước thay đổi này không có nghĩa rằng Xiaomi đã hoàn toàn từ bỏ chiến lược phá giá, nhất là khi hãng này vẫn còn thương hiệu con Redmi để tập trung cho người dùng hạn hẹp chi phí. Tuy vậy, nếu như nhắc đến Xiaomi trước đây là nhắc đến chiến lược phá giá của toàn bộ các thương hiệu con thì đến nay chỉ còn Redmi là theo chiến lược này. Đến cả Poco từng được kỳ vọng nối tiếp vai trò "sát thủ đầu bảng" của Mi 9 cũng đã chỉm nghỉm, hơn 1 năm trời không vén màn sản phẩm mới. Mẫu Poco X2 mới ra mắt gần đây thực chất chỉ còn là một chiếc Redmi đổi tên.
Đáng kinh ngạc nhất, thay vì ra mắt Mi Mix 4, Xiaomi ra mắt smartphone công nghệ màn hình bao quanh thân máy (Mix Alpha) ở mức giá 2800 USD, cao hơn cả Samsung Galaxy Fold và Huawei Mate X. Chắc chắn mục đích của "Apple Trung Quốc" không phải là để bán được thật nhiều Mi Mix Apha, mà là để gây dựng một hình ảnh mới: một hãng điện thoại đang nhích dần lên phân khúc cao cấp.
Và đến ngày 13/2 vừa qua, Mi 10 đã chính thức chấm dứt giấc mơ "đầu bảng giá rẻ" của Lei Jun nằm nào. Ở khung giá gần 600 USD, Mi 10 có giá gần gấp đôi Mi 3 hay Mi 4 năm nào. Những lời giải thích về giá linh kiện tăng cao được đưa ra tỏ ra khá gượng gạo khi ngay từ năm ngoái Lei Jun đã khẳng định: "Chúng tôi muốn rũ bỏ hình ảnh rằng điện thoại Xiaomi có giá ít hơn 2000 Tệ".
Những ngày phá giá của Mi 3, Mi 4 giờ xa xưa lắm rồi...
Đó đơn giản là con đường Xiaomi phải đi. Thị trường smartphone đã bước sang năm thứ 5 gần như không tăng trưởng. Người mua không còn ham rẻ, ngày một "bạo chi" nhưng cũng đòi hỏi ngày một cao hơn. Quan trọng hơn hết, tất cả các đối thủ của Xiaomi đều có lợi nhuận để duy trì. Không bán smartphone đắt đỏ, cứ đốt tiền vào một giấc mơ "dịch vụ Internet" viển vông, làm sao Xiaomi có thể tồn tại được nữa?