Hôm thứ Hai, Triều Tiên tuyên bố nước này xem những gì Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên twitter là một lời tuyên chiến, đồng thời đe dọa sẽ bắn rơi máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer của Mỹ ngay cả khi chúng không bay vào không phận Triều Tiên.
Tuy nhiên, theo trang mạng Business Insider, một cuộc tấn công như vậy thường "nói dễ hơn làm".
Mỹ thường đáp trả các vụ thử nghiệm hạt nhân và tên lửa mang tính khiêu khích của Bình Nhưỡng bằng cách triển khai máy bay ném bom siêu thanh tầm xa B-1B Lancer tới gần Triều Tiên.
Đi cùng với B-1B thường là các máy bay chiến đấu của Hàn Quốc và Nhật Bản. Đôi lúc, chúng sẽ thả những quả bom giả xuống thao trường huấn luyện gần với biên giới Triều Tiên.
Động thái này của Mỹ thường khiến Triều Tiên giận dữ, bởi họ không có sức mạnh không quân để tiến hành màn biểu dương lực lượng tương tự.
Máy bay ném bom B-1B. Ảnh: Reuters
Nếu lần trước Triều Tiên đe dọa phóng tên lửa vào đảo Guam - nơi Mỹ bố trí nhiều máy bay ném bom thì lần này họ đang đe dọa bắn hạ một trong số các máy bay này ngay ở không phận quốc tế.
Hôm thứ Ba, truyền thông Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đang tích cực củng cố phòng thủ, có lẽ là để chuẩn bị sẵn sàng cho lời đe dọa của họ.
Tuy nhiên, mức độ lâu năm của các hệ thống phòng không Triều Tiên đang làm cho mục tiêu của họ trở nên phức tạp hơn.
"Triều Tiên có khá nhiều hệ thống phòng không nhưng chúng rất lỗi thời" - Omar Lamrani, một chuyên gia phân tích cấp cao cho tổ chức tình báo địa chính trị Stratfor nói với Business Insider.
Theo ông Lamrani, Triều Tiên có một số biến thể của các máy bay chiến đấu đời cũ từ thời Liên Xô và một số hệ thống phòng không "sao chép", như tổ hợp tên lửa đất-đối-không KN-06 - bản sao của hệ thống S-300 Nga.
Từ trên mặt đất, hệ thống phòng không Triều Tiên "không thực sự là mối đe dọa đối với các máy bay bay tầm cao, nhất là nếu chúng đang bay trên biển", ông Lamrani nói.
Thế nhưng, Triều Tiên lại có một lợi thế, đó là TÍNH BẤT NGỜ
Máy bay chiến đấu Triều Tiên tại triển lãm hàng không Wonsan. Nguồn: KCNA
Ông Lamrani cho biết, khi một nhóm máy bay tiếp cận hoặc bay vào khu vực không phận đang được bảo vệ, các vụ đánh chặn thường xảy ra. Các máy bay quân sự sẽ bay tới gần nhóm máy bay này và thông báo rằng chúng đang hoặc đã đi vào không phận được bảo vệ, hãy quay đầu lại.
Mặc dù Mỹ, Nhật và Hàn Quốc đều có các máy bay chiến đấu tiên tiến có thể dễ dàng bắn hạ máy bay Triều Tiên trước khi nó kịp tiếp cận đủ gần để tấn công nhưng Mỹ và Triều Tiên đang tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn 1953.
Lợi dụng điều này, máy bay Triều Tiên có thể bay tới gần máy bay ném bom/máy bay chiến đấu Mỹ rồi bất ngờ bắn ở tầm gần bằng một loại vũ khí thô sơ mà họ có.
Triều Tiên sẽ có "lợi thế của bên động thủ trước", ông Lamrani nói, nhưng nếu máy bay Triều Tiên bắn hạ máy bay Mỹ thì "họ sẽ phải trả một cái giá thảm khốc".
Chính vì điều này, ông Lamrani cho rằng khả năng Triều Tiên tấn công máy bay Mỹ rất khó xảy ra. Lần gần đây nhất B-1 bay tới gần Triều Tiên, nó được hộ tống bởi 4 máy bay chiến đấu tiên tiến.
Trong khi đó, Không quân Triều Tiên đã lạc hậu và không được bay huấn luyện thường xuyên do những hạn chế về nhiên liệu. Vì thế, Mỹ và đồng minh sẽ nhanh chóng đáp trả và tiêu diệt bất cứ máy bay tấn công nào của Triều Tiên nếu chúng manh động.
Bên cạnh đó, các quan chức tình báo Hàn Quốc cho biết, mặc dù đe dọa sẽ bắn hạ máy bay ném bom Mỹ nhưng Triều Tiên thậm chí không thể theo dõi chắc chắn đường bay của B-1B.
Do đó, theo ông Lamrani, Bình Nhưỡng cần nhận thức được rằng lực lượng không quân Mỹ và đồng minh đang lấn lướt họ một cách rõ rệt, bắn hạ máy bay Mỹ sẽ chẳng khác nào "tự sát".