Lầu Năm Góc đang triển khai thêm các hệ thống phòng không tới Iraq để bảo vệ tốt hơn binh lính Mỹ khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa và rocket từ Iran và lực lượng ủy nhiệm của nước này tại đây.
Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đang tái bố trí binh sĩ tới các căn cứ quân sự lớn hơn và được bảo vệ tốt hơn nhằm bảo toàn tính mạng và sức mạnh chiến đấu cần thiết để sẵn sàng đáp trả bất kỳ cuộc tấn công tiềm ẩn nào tiếp theo trong tương lai.
Tuần trước, Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận đã triển khai các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa Patriot tới Iraq. Hai tổ hợp đã được chuyển tới căn cứ không quân Ain al-Asad và căn cứ không quân Irbil, tức 3 tháng sau khi các cơ sở này bị Iran tập kích bằng tên lửa đạn đạo, khiến hàng chục binh sĩ Mỹ bị thương.
Về lý thuyết, các hệ thống Patriot có khả năng đánh chặn nhiều mối đe dọa khác nhau như máy bay, tên lửa hành trình hay tên lửa đạn đạo, giống như loại Tehran đã sử dụng để tấn công hồi tháng 1/2020. Mỗi hệ thống Patriot gồm có một bệ phóng, một radar theo dõi mục tiêu, một trạm điều khiển có người lái và một máy phát điện.
Hệ thống đánh chặn tên lửa Patriot. Ảnh: TOI
Washington được cho là đã xúc tiến các cuộc đàm phán với Baghdad để triển khai Patriot từ tháng 1 vừa qua nhưng những khó khăn trong việc xin phép Baghdad đã khiến tiến độ bị trì hoãn, đặt Quân đội Mỹ trước nguy cơ bị tấn công bằng tên lửa đạn đạo lâu hơn mức cần thiết.
Việc “trục xuất” các lực lượng Mỹ ra khỏi Iraq là một mục tiêu chiến lược lớn đối với Iran, do vậy Tehran đã vận dụng mọi ảnh hưởng của mình ở Baghdad để đẩy nhanh kế hoạch này.
Một mặt, Tehran hiểu được rằng Patriot đã hạn chế các lựa chọn tấn công của họ nhưng mặt khác họ cũng biết rất rõ hệ thống này không thể đánh trả các tên lửa mà các phe phái ủy nhiệm ở Iraq đã liên tục tấn công quân đội Mỹ và liên minh.
Vì vậy, Lầu Năm Góc cũng đã triển khai các hệ thống chống rocket, pháo binh và súng cối (C-RAM) tới một số địa điểm ở Iraq. Bộ Quốc phòng Mỹ thường dùng những hệ thống này để bảo vệ các tổ hợp Patriot nhưng bản thân C-RAM cũng có khả năng đánh chặn các cuộc tấn công bằng rocket.
Tuy nhiên, cho tới tận thời gian gần đây, binh lính Mỹ vẫn được triển khai trên khắp lãnh thổ Iraq, ở nhiều căn cứ lớn nhỏ nên việc bảo vệ được toàn bộ các căn cứ này khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa là rất khó khăn.
Ngày 11/3, Kata’ib Hezbollah - phong trào vũ trang dòng Shiite được Iran hậu thuẫn hoạt động ở cả Iraq và Syria, đã tấn công Căn cứ Taji bằng rocket 107mm khiến một binh sĩ, một lính không quân Mỹ và một bác sĩ người Anh tử vong. Đáp trả, ngày 12/3 Mỹ đã tấn công 5 địa điểm cất trữ vũ khí của Kata’ib Hezbollah.
Hai ngày sau, lại xảy ra một vụ tấn công tên lửa khác vào căn cứ Taji làm 3 binh lính bị thương. Đến ngày 17/3, một loạt rocket nữa lại nã xuống một căn cứ ở phía Nam Baghdad nơi có các binh sĩ Mỹ và liên quân đồn trú.
Những cuộc tấn công này đòi hỏi Mỹ phải phát triển và trang bị khả năng đánh chặn tiếp theo để có thể bảo vệ tốt hơn lực lượng quân sự khỏi các cuộc tấn công bằng rocket.
Lầu Năm Góc đã sơ tán binh sĩ khỏi một số căn cứ ở Iraq, di chuyển về các căn cứ lớn hơn và được bảo vệ tốt hơn nằm dưới sự bảo vệ của các hệ thống Patriot và C-RAM.
Trên thực tế, trong tháng qua, Mỹ đã chuyển giao ít nhất bốn căn cứ cho lực lượng an ninh Iraq, gồm căn cứ al-Qaim, Phi trường phía Tây Qayyarah, Căn cứ không quân K1 và Căn cứ không quân Al Taqaddum.
Đó là một bước đi tích cực nhưng có lẽ không đủ. Tehran chắc chắn sẽ không từ bỏ việc sử dụng các cuộc tấn công ủy nhiệm phi đối xứng mà nước này đã thực hiện từ năm 1979.
Patriot của Saudi Arabia đánh chặn tên lửa của Houthi rơi ngay khi khai hỏa.