Voi từng nhiều lần đuổi người
Khoảng 7h 30 ngày 22/5, nài voi Y Drim Kuan (SN 1988, ngụ xã Yang Tao, huyện Lắk) trong lúc đưa voi từ khu du lịch ở hồ Lắk đi tắm thì bị voi tấn công, tử vong. Ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk xác nhận, con voi vừa húc chết người là voi đực, có tên là Y Mâm (48 tuổi), thuộc sở hữu của ông Đàng Năng Long (ngụ thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk).
Anh Y Doan, một nài voi ở xã Yang Tao cho hay:“Con voi này được Y Drim chăm sóc nhiều năm nay. Voi có cặp ngà sắc nhọn, nặng 4-5 tấn. Ngày thường con voi này cũng khó tính, ít nài voi nào điều khiển được. Tháng rồi, nó cũng động đực nổi điên, không ai bắt nó đi chở khách được. Hôm nay, nó có vẻ không biểu hiện gì, Y Drim dẫn đi xuống hồ Lắk thì bị tấn công”.
Bản thân anh Y Doan từng bị voi nhà mình rượt đuổi khi đến gần nó vào thời kỳ động dục. Tuy nhiên, voi cái, không hung dữ bằng voi đực. Nếu voi vào mùa động dục, bất cứ ai cũng không được đến gần bởi nó rất hung dữ, sẵn sàng tấn công người.
Voi thành công cụ kiếm tiền
Đồng bào Tây Nguyên luôn xem voi như một thành viên trong gia đình. Nài voi là người có mối quan hệ khăng khít trực tiếp chăm sóc, coi voi như người bạn, cớ sao voi lại hóa điên, phản lại chủ?
Anh Y Vinh, sinh ra trong gia đình có truyền thống săn bắt và thuần dưỡng voi rừng ở huyện Lắk cho biết, có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do thiếu môi trường sống và voi bị biến thành công cụ phục vụ du lịch.
Dần dần, voi không có thời gian, không gian “yêu” dẫn đến hung dữ, hóa điên. Mỗi năm, 1 con voi mang về thu nhập hàng trăm triệu đồng cho chủ voi. Hiện vẫn chưa có quy định nào đảm bảo an toàn cho khách tham gia dịch vụ.
Ông Trần Đức Phương, Phó giám đốc Trung tâm giáo dục Môi trường và Dịch vụ Vườn quốc gia Yok Đôn (Trung tâm) cho biết, ngay sau khi nắm thông tin voi nhà tấn công nài voi tử vong ở huyện Lắk, ông quán triệt ngay với 3 nài voi đang trực tiếp chăm sóc 3 cá thể voi tại trung tâm về việc phải đảm bảo an toàn, theo dõi sát sao, nhất là thời gian voi động dục.
Dù đàn voi của trung tâm đã tham gia vào mô hình du lịch thân thiện (khách vào rừng ngắm voi từ xa, không được tiếp cận voi gần 30 m) từ nhiều năm nay song các nài voi luôn thận trọng trước khi cho khách vào tham quan.
Anh Phương bày tỏ ái ngại khi thấy các trung tâm du dịch để khách “thân thiện” quá với voi như để khách cưỡi voi, đứng gần, sử dụng máy ảnh có đèn chiếu sáng để chụp... dễ gây nguy hiểm cho khách bởi voi rất nhạy cảm, dễ bị kích động, chưa nói đến thời điểm voi động dục rất hung dữ.
Thực tế, một số nước có voi như Thái Lan đã xảy ra tình trạng voi tấn công khách, nài voi... Các chuyên gia quốc tế về voi có nhiều cuộc làm việc với chính quyền Đắk Lắk về việc chuyển đổi mô hình du lịch voi, hạn chế việc cho khách du lịch cưỡi voi, gần voi quá mức... nhưng hiện nay mới có Trung tâm giáo dục Môi trường và Dịch vụ Vườn quốc gia Yok Đôn thực hiện. Sự việc voi tấn công nài voi đến mức tử vong là hồi chuông cảnh báo cho các cơ quan chức năng về việc quản lý đàn voi, đảm bảo an toàn tính mạng cho người nhất là khách tham quan du lịch.
Theo số liệu thống của của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh có 45 cá thể voi nhà tập trung ở huyện Lắk và huyện Buôn Đôn. Phần lớn cá thể voi trên thuộc sở hữu của gia tộc, dòng họ, cá nhân và các trung tâm du lịch.