Hồi ký Đại tá Lê Hải: "Với hơn 100 phi công tiêm kích, ít ra cũng đâm được 30 chiếc B-52"

PV - Tổng hợp từ hồi ký của Đại tá phi công Lê Hải |

Đài chỉ huy thông báo, đường băng bị bom, chiều dài phía đông còn có thể hạ cánh khoảng 1.500m. Nhiên liệu gần hết. Phạm Tuân quyết định hạ cánh. Kiểu này là "năm ăn, năm thua".

LTS: Trong chiến dịch Linebacker-2 tháng 12/1972, Không quân Mỹ đã thực hiện cuộc ném bom bằng máy bay chiến lược B-52 tàn bạo nhất trong lịch sử vào Hà Nội và Hải Phòng. Nhưng không có tội ác nào mà không bị trừng phạt!

Các chiến sỹ QĐNDVN, trong đó chủ công là bộ đội PK-KQ quả cảm đã vượt muôn trùng gian khó và hy sinh để làm nên chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" lịch sử, chấn động địa cầu, buộc Không quân Mỹ hùng mạnh phải khuất phục.

Nhân dịp kỷ niệm 45 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài viết của nhiều tác giả nhằm ôn lại những kỷ niệm hào hùng trong 12 ngày đêm khốc liệt đó.

Trong số này, mời quý độc giả tìm hiểu về cuộc đọ sức nghẹt thở của Không quân Việt Nam mà chủ công là MiG-21 với B-52 Mỹ qua hồi ký của Đại tá phi công - Anh hùng LLVTND Lê Hải.

-----

HƠN 100 PHI CÔNG TIÊM KÍCH VN ĐÂM THẲNG, QUYẾT ĐỔI ĐƯỢC 30 B-52:

MỸ SẼ GẶP CẢNH HÃI HÙNG?

Chuẩn bị đọ sức cùng B-52

Nhân dân ta, quân đội ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, đã chuẩn bị từ nhiều năm trước cho cuộc đụng đầu lịch sử này. Quân chủng PK-KQ cùng quân và dân Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và các địa phương khác, đĩnh đạc, đàng hoàng bước vào cuộc quyết chiến cuối năm 1972 với B-52 của Mỹ.

Trong một dịp thăm và làm việc với các đồng chí chỉ huy quân đội, Bác Hồ đã từng căn dặn: "Sớm muộn bọn Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua… Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua khi bị thua trên bầu trời Hà Nội…".

Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Thượng tướng Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng trực tiếp giao nhiệm vụ chiến đấu cho Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ và đích thân xuống duyệt "phương án tác chiến" đánh B-52 và ra lệnh:

"Ngày 03/12/1972, Quân chủng phải hoàn thành toàn bộ công tác chuẩn bị đánh B-52".

Bộ Tư lệnh không quân chiến lược Mỹ cho rằng, đối thủ nguy hiểm nhất của B-52 là MiG.

Trước khi cho B-52 vào Hà Nội, chúng dùng F-111 và máy bay cường kích đánh hủy diệt các căn cứ của MiG; dùng thủ đoạn gây nhiễu dày đặc, vô hiệu hóa các radar của ta ở miền Bắc, làm tê liệt hệ thống dẫn đường của MiG; đánh liên tục các sân bay, cả ngày lẫn đêm; không cho miền Bắc có thời cơ khôi phục hoạt động bình thường trên các sân bay có MiG hoạt động.

Trận tập kích của không quân Mỹ được mô tả như sau: Tối 18 tháng 12, chiến dịch tập kích bắt đầu. Các máy bay F-111 bay ở độ cao cực thấp, tốc độ siêu âm, xông vào các sân bay. Máy bay F-4 bay theo dãy nhiễu, hình thành hành lang "bịt mắt" radar đối phương.

Hồi ký Đại tá Lê Hải: Với hơn 100 phi công tiêm kích, ít ra cũng đâm được 30 chiếc B-52 - Ảnh 1.

MiG-21 sẵn sàng chiến đấu.

Hành lang kéo dài từ Đông Bắc thung lũng sông Hồng như cánh tay chỉ về hướng Tây Nam. Phía cuối hành lang, song song với dãy núi Tam Đảo, các tốp B-52 tiến vào. Theo sau là 120 chiếc F-4 đánh chặn MiG và 4 chiếc F-105 mang tên lửa, để đánh radar, chế áp tên lửa SAM.

Về thủ đoạn chiến thuật, không quân Mỹ hoạt động cả ngày lẫn đêm, B-52 đánh đêm là chủ yếu, có máy bay tiêm kích cùng bay hộ tống.

Máy bay cường kích chủ yếu đánh ban ngày vào các sân bay, trận địa phòng không, trọng điểm là diệt trận địa SAM, ban đêm, phối hợp với B-52. Trong hoạt động, chúng chú trọng nghi binh, cho máy bay cường kích, tiêm kích giả B-52 để lừa ta.

Quân và dân miền Bắc đã được chuẩn bị trước nên chủ động trong trận đối đầu lịch sử này, với lực lượng nòng cốt là Quân chủng Phòng không - Không quân.

Địch chủ yếu dùng B-52 đánh vào ban đêm, nên phần lớn lực lượng tiêm kích của ta gồm MiG-17, MiG-19 và môt phần MiG-21 phối hợp với lực lượng cao xạ, phòng không tầm thấp của dân quân đánh máy bay cường kích Mỹ ban ngày, bảo vệ tên lửa - lực lượng chủ yếu đánh B-52.

100 phi công tiêm kích đổi 30 chiếc B-52?

Các đồng chí chỉ huy và phi công tiêm kích đã chuẩn bị phương án, nếu Mỹ tập kích B-52 vào ban ngày, lực lượng không quân tham gia chiến đấu nhiều hơn. Anh em phi công đã chuẩn bị cách đánh tiếp cận đối đầu với B-52, vượt qua tiêm kích nếu bắn không rơi sẽ đâm thẳng vào B-52.

Với số lượng hơn 100 phi công tiêm kích, ít ra cũng đâm được 30 chiếc B-52. Mỹ sẽ gặp một cảnh hãi hùng trên bầu trời Hà Nội.

Ngày 18 tháng 12 năm 1972, không quân Mỹ mở đầu cuộc tập kích chiến lược vào Thủ đô Hà Nội và cũng là ngày Không quân nhân dân Việt Nam bước vào cuộc chiến đấu vô cùng cam go ác liệt với kẻ địch.

- 18 giờ, radar cảnh giới ở Quảng Bình phát hiện nhiễu cường độ lớn.

- 19 giờ10 phút, đại đội 16 Trung đoàn 921 phát hiện B-52 bay lên hướng Bắc.

Bộ Tổng tham mưu báo cáo lên Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị về hoạt động của B-52.

- 19 giờ 15 phút, báo động B-52. Toàn Quân chủng sẵn sàng chiến đấu.

Hồi ký Đại tá Lê Hải: Với hơn 100 phi công tiêm kích, ít ra cũng đâm được 30 chiếc B-52 - Ảnh 2.

Tiêm kích MiG-21 bắn hạ B-52. Ảnh minh họa.

Những tình huống nghẹt thở

Lực lượng trực chiến ban đêm MiG-21 trên các sân bay Nội Bài, Kép, Hòa Lạc gồm: Vũ Đình Rạng, Đinh Tôn, Hoàng Biểu, Đặng Xây, Nguyễn Văn Quang…

- 19 giờ 25 phút, ba chiếc F-111 đánh sân bay Nội Bài. Đồng chí Tham mưu trưởng Trung đoàn 921 kiểm tra đường băng thấy vẫn còn sử dụng được. Chỉ huy sở cho Phạm Tuân cất cánh lên chặn địch ở hướng tây Hòa Bình.

Lên đến độ cao 5.000m-6.000m, nhìn trước, nhìn sau, Tuân đều thấy máy bay địch, mở radar trên máy bay, bị nhiễu, màn hình trắng xóa, không bắt được mục tiêu. Phạm Tuân thấy nhiều máy bay địch bật đèn, bay về hướng Hà Nội.

Anh mở tăng lực, lấy độ cao và tránh tên lửa. Địch bám theo anh, đối phó cản MiG. Tình thế bất lợi, lại sắp vào trận địa hỏa lực tên lửa mặt đất, chỉ huy sở cho anh thoát li về Nội Bài hạ cánh. Sáu chiếc B-52 rải thảm sân bay Nội Bài. Hệ thống đèn hạ cánh bị hỏng.

Đài chỉ huy sân bay thông báo cho anh, đường băng bị bom, chiều dài phía đông còn có thể hạ cánh khoảng 1.500m. Nhiên liệu gần hết. Phạm Tuân quyết định hạ cánh. Kiểu này là "năm ăn, năm thua".

Phạm Tuân bình tĩnh điều khiển máy bay theo đài dẫn đường xa, gần. Quanh anh, rực trời ánh chớp của bom nổ, chớp đỏ trời của đạn cao xạ. May sao lúc đó máy bay B-52 bị tên lửa hạ, cháy sáng cả một góc trời, soi đường cho anh kéo bằng tiếp đất.

Anh thả dù, phanh gấp. Máy bay rung lên, dừng lại trước một hố bom sâu trên đường băng. Phạm Tuân đã lập một kì tích chưa từng có trong chiến tranh.

Cũng trong đêm 18 tháng 12 năm 1972, một MiG-21 cất cánh từ sân bay Hòa Lạc, do bị nhiễu nặng, dẫn đường và phi công không phát hiện được địch, về hạ cánh, máy bay chạy lệch đường băng, gãy càng.

Đối với không quân, có hai vấn đề gay cấn để có thể diệt B-52 là làm sao vượt qua hàng rào tiêm kích địch yểm hộ rất chặt chẽ cho B-52. Bóc lớp vỏ cứng này, mới vào được mục tiêu chủ yếu. Phải khắc phục được nhiễu ở radar dẫn đường và radar ngắm bắn trên máy bay MiG-21.

Ngay trận đầu, tuy không quân chưa có điều kiện bắn hạ B-52, nhưng sự có mặt của máy bay tiêm kích ta đã gây cho địch nhiều khó khăn, vì phải đối phó một lúc cả trên không lẫn dưới mặt đất.

Hồi ký Đại tá Lê Hải: Với hơn 100 phi công tiêm kích, ít ra cũng đâm được 30 chiếc B-52 - Ảnh 3.

Tiêm kích MiG-21 Việt nam và xác các đối thủ đã bị hạ.

Tiểu đoàn tên lửa 59 thuộc Trung đoàn 261, đặt trận địa ở Cổ Loa, cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội, vừa bị một trận bom phủ đầu của F-111. Xe thông tin bị hất đổ. Anh em nhanh chóng khắc phục.

Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thăng cùng sĩ quan điều khiển Dương Văn Thuận và ba trắc thủ Độ, Tứ, Linh vẫn vững vàng trong xe điều khiển. Sát cánh bên các anh là đồng chí chính trị viên tiểu đoàn. Lúc 20 giờ 5 phút, theo lệnh tiểu đoàn trưởng Thăng, sĩ quan điều khiển Thuận ấn nút phóng quả tên lửa đầu tiên.

Ba trắc thủ điều khiển nhịp nhàng, tên lửa vút lên độ cao 10km, lao thẳng vào chiếc B-52 mang kí hiệu tốp 671. Đài quan sát vui sướng thông báo: "Cháy rồi, đạn nổ trúng mục tiêu, cháy rất to".

Trong màn nhiễu dày đặc, các đồng chí tên lửa đã vạch nhiễu tìm thù mà diệt. Một số trắc thủ tên lửa đã từng diệt B-52 ở chiến trường Quân khu 4 đã được bổ sung về các đơn vị tên lửa và kinh nghiệm của các đồng chí là vốn quý để anh em càng thêm vững tâm khi điều khiển các quả đạn lao vào B-52.

Đêm tập kích đầu tiên, địch đã sử dụng 90 chiếc B-52 và 130 chiếc máy bay chiến thuật đánh vào Hà Nội và các căn cứ không quân, các khu công nghiệp, đài phát thanh Mễ Trì. Ta hạ 3 chiếc B-52 (có 2 chiếc rơi tại chỗ) và 6 máy bay chiến thuật, trong đó lực lượng dân quân với súng trường, súng máy, đã bắn rơi một chiếc F-111.

Hồi ký Đại tá Lê Hải: Với hơn 100 phi công tiêm kích, ít ra cũng đâm được 30 chiếc B-52 - Ảnh 4.

Đại tá phi công - Anh hùng LLVTND Lê Hải.

 Trong cuộc họp báo ngay chiều 19 tháng 12 năm 1972, giặc lái Mỹ đã phải kinh hoàng thốt lên: "sợ lắm", "rất sợ", "thật khủng khiếp"; "không ngờ hỏa lực phòng không của Hà Nội mạnh và bắn chính xác đến thế", "mọi sự tính toán của chúng tôi đã bị đảo lộn hết.

Cấp chỉ huy và kĩ sư điện tử của chúng tôi khẳng định như đang nắm quả ngọt trong tay, phương án đánh của chúng tôi là tuyệt vời. Không một loại tên lửa nào hay MiG của Bắc Việt có thể bám, bắn được chúng tôi"

Từ ngày 19 tháng 12 đến 24 tháng 12, hàng đêm địch sử dụng trung bình 100 chiếc B-52 và từ 130 đến 150 chiếc cường kích đánh phá hủy diệt các mục tiêu ở Hà Nội, Hải Phòng và các vùng phụ cận.

Đêm Noel, Mỹ phải tạm dừng để chuẩn bị cho đợt tập kích mới. Trải qua một tuần, quân và dân ta chiến đấu ác liệt, ngoan cường và đầy mưu trí, ta đã hạ được 46 máy bay địch, trong đó có 17 chiếc B-52 và 5 máy bay cánh cụp cánh xòe F-111, bắt giặc lái Mỹ, chủ yếu là bọn lái B-52.

(Tổng hợp từ cuốn Phi công Tiêm kích của Đại tá phi công - Anh hùng LLVTND Lê Hải, Nxb QĐND, 2004)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại