Nếu danh sách đề cử được phê chuẩn thì ông Trump có thể sẽ trở thành một trong những Tổng thống đáng gờm nhất lịch sử Mỹ hoặc cũng có thể là một thảm hoạ.
Tổng thống mới đắc cử Donald Trump đang lựa chọn các vị trí cấp cao cho nội các của mình và cùng lúc đảm bảo không lặp lại những sai lầm của nhiệm kỳ 2017-2021.
Nếu danh sách đề cử của ông được phê chuẩn thì ông chủ Nhà Trắng trong bốn năm tới đây có thể sẽ là một trong những Tổng thống đáng gờm nhất lịch sử hoặc cũng có thể là một thảm hoạ. Chào mừng bạn đến với nền chính trị Hoa Kỳ!
Ông Donald Trump của 2016: “Kẻ ngoại đạo chính trị”
Năm 2016, ông Trump đặt chân vào Nhà Trắng trong tư thế một tổng thống thiếu kinh nghiệm về chính trị và quản lý vận hành chính quyền liên bang, một “kẻ ngoại đạo đích thực”. Một trong những sáng kiến của ông là tấn công vào giới tinh hoa chính trị Washington, hay theo cách nói của ông là "tát cạn đầm lầy”. Ông cho rằng cái giá phải đánh đổi cho sự tồn tại của cái “đầm lầy” đó là những tổn thất mà người lao động và tầng lớp trung lưu phải gánh chịu.
Tuy nhiên, việc thiếu kinh nghiệm chính trị của ông đã khiến nhiệm kỳ tổng thống 2017-2021 gặp nhiều sóng gió. Nhiều người tư vấn nhân sự cho ông hoàn toàn xuất phát từ mục đích làm lợi cho bản thân họ, không phải cho ông. Để rồi chính những người do ông bổ nhiệm lại “rò rỉ” thông tin cho báo chí, khiến ông nhiều phen lao đao. Họ bắt tay với những người trong bộ máy hành chính để cản trở các chính sách của ông và công kích các hành động của ông một cách công khai hoặc bí mật.
Ví dụ, khi đảng Dân chủ tìm mọi cách để dán cho ông Trump cái nhãn là điệp viên của Nga - mà sự thật là không phải - và mở cuộc điều tra kéo dài hai năm, thì Bộ trưởng Tư pháp của chính quyền Trump lúc đó là ông Jeff Sessions đã tự rút lui.
Sau khi ông Trump sa thải những người bất đồng quan điểm và những người chỉ trích ông thì khá nhiều người không chấp nhận ra đi lặng lẽ. Một số người trở thành tác giả của những cuốn sách bán chạy nhất với nội dung chỉ trích ông, một số khác dấn thân vào sự nghiệp mới là tấn công ông trên các chương trình thảo luận truyền hình và podcast, và một số nữa thì đứng ra thành lập các tổ chức "không bao giờ ủng hộ ông Trump".
Cựu chánh văn phòng Nhà Trắng, tướng John Kelly, đã trả lời phỏng vấn trên báo chí với những bình luận mang tính công kích nhắm vào thái độ của ông Trump đối với quân đội. Tướng Kelly một lần nữa xuất hiện trên báo chí trong kỳ bầu cử 2024 với những bình luận rằng ông Trump không đủ tư cách làm Tổng thống.
Cùng lúc đó, một mạng lưới bí mật của các thành viên chính quyền liên bang phối hợp cùng các tổ chức và lãnh đạo giới tài chính và công nghiệp, còn được gọi là “nhà nước ngầm" thực thi quyền lực ngay trong chính quyền để chống phá ông Trump và thúc đẩy lợi ích của họ.
DonalTrump2.0 vàĐầmlầy
Ông Trump đã rút ra nhiều bài học từ sự thiếu kinh nghiệm chính trường trong nhiệm kỳ trước. Tổng thống đắc cử bây giờ là một chính trị gia hiểu rõ về Washington.
Những vị trí cấp cao trong nội các được ông lựa chọn là những người đã có thời gian chứng minh được sự trung thành hoặc ủng hộ dành cho ông, những người có quan điểm cứng rắn và dày dạn kinh nghiệp trong các cuộc đối đầu chính trị. Những người này sẽ không nao núng khi tấn công vào Đầm lầy, Nhà nước ngầm và phe Dân chủ cực tả.
Nhưng cũng có một thực tế là một số trong các ứng viên này là những người gây tranh cãi và có thể trở thành mục tiêu tấn công của phe đối lập.
Năm 2020, ông Trump bổ nhiệm ông John Ratcliffe làm Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI). Ở vị trí này, ông Ratcliffe đã giải mật nhiều tài liệu, vạch trần các hoạt động bí mật của Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) chống phá ông Trump. Trong nhiệm kỳ này, ông Ratcliffe được đề cử làm Giám đốc CIA và được cho là sẽ mở cuộc chiến tấn công vào Đầm lầy, Nhà nước ngầm và phe cực tả.
Ông Trump đã bổ nhiệm bà Tulsi Gabbard làm Giám đốc Tình báo quốc gia. Bà Gabbard là cựu nghị sỹ Dân chủ và Phó chủ tịch Ủy ban đảng Dân chủ. Năm 2022, bà rời bỏ đảng Dân chủ để trở thành một đảng viên Cộng hòa và tích cực vận động cho ông Trump. Bà là người Mỹ gốc Samoa và là Trung tá trong Lực lượng Dự bị động viên Quân đội Hoa Kỳ. Tới đây, bà sẽ phải thuyết phục được những người Cộng hoà rằng bà đã thực sự rời bỏ quá khứ của mình.
Ông Trump cũng đã rút ra được những bài học chiến lược khi đối đầu với đảng Dân chủ.
Có lẽ sự lựa chọn gây tranh cãi nhất của ông Trump là Nghị sĩ Matt Gaetz, người được đề cử làm Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ. Ông Gaetz là "cái gai" lớn trong mắt đảng Dân chủ, người đã thực sự khiến họ liểng xiểng trong các phiên điều trần tại quốc hội, trong các cuộc tranh luận và các bài báo.
Tuy nhiên, bản thân ông Gaetz lại đang phải đối mặt với cuộc điều tra của Uỷ ban Đạo đức Hạ viện với các cáo buộc quấy rối tình dục và sử dụng ma tuý. Ông kịch liệt phủ nhận mọi cáo buộc này. Ông trở nên khét tiếng khi lãnh đạo vụ "lật đổ" Chủ tịch Hạ viện của phe Cộng hoà Kevin McCarthy. Đây là vị trí quyền lực thứ ba trong chính phủ Mỹ.
Ông Gaetz cũng ngăn cản những người ôn hòa trong đảng Cộng hòa ủng hộ các chính sách của đảng Dân chủ. Ông là nhân vật khó ưa trong mắt nhiều đảng viên Cộng hòa và với toàn bộ đảng Dân chủ. Việc bổ nhiệm ông Gaetz đã vấp phải phản ứng tiêu cực của truyền thông và sự lên án mạnh mẽ từ cả đảng Cộng hoà lẫn đảng Dân chủ. Và giữa những om sòm, ông Gaetz đột ngột thông báo rút lui ngày 21/11.
Một số chiến lược gia của đảng Cộng hòa tin rằng khi lựa chọn ông Gaetz cho vị trí Bộ trưởng Tư pháp, ông Trump đã biết trước sẽ vấp phải sự chỉ trích và phản đối mạnh mẽ. Sau khi ông Gaetz rút lui, ông Trump ngay lập tức đề cử cựu Tổng chưởng lý bang Florida Pam Bondi cho chức Bộ Trưởng Tư pháp.
Bà Bondi là người ủng hộ nhiệt thành các chính sách của ông Trump và cũng là một trong những luật sư đại diện cho ông trong cuộc luận tội đầu tiên của đảng Dân chủ chống lại ông. Bà Bondi hội tụ đủ mọi điều kiện để trở thành Bộ trưởng Tư pháp.
Thông thường, sau sự phản đối mạnh mẽ đối với ứng cử viên thứ nhất, khả năng rất cao là Thượng viện sẽ chấp thuận đề cử tiếp theo. Liệu đây có phải là chiến lược thành công của ông Trump cho chiếc ghế quan trọng này trong nội các mới? Không ai biết được!
Ông Trump đã chỉ định ông Kash Patel, một người Mỹ gốc Ấn Độ, đứng đầu Cục Điều tra liên bang (FBI). Ông Patel là một cựu quan chức cấp cao dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực tư pháp và an ninh quốc gia. Bốn năm qua, ông đã không ngừng phơi bày các hành vi xấu của "nhà nước ngầm" ngay trong lòng FBI trên các chương trình podcast, trong một cuốn sách, các bài bình luận chính trị, và các bài phát biểu khi tham gia vận động tranh cử cùng ông Trump.
FBI nên sợ hãi khi ông Patel lên nắm quyền. Để đưa ông Patel trở thành người đứng đầu FBI, ông Trump sẽ phải sa thải giám đốc đương nhiệm Christopher Wray, người được đánh giá là đã không cải cách được cơ quan này.
Ông Trump sẽ bổ nhiệm nội các khi Thượng viện có kỳ nghỉ dài
Ông Trump đã công bố hàng chục ứng cử viên cho nội các mới trong một thời gian kỷ lục, chỉ ba tuần sau cuộc bầu cử ngày 5/11/2024. Ông sẽ nhậm chức ngày 20/1/2025 và bắt đầu làm việc ngay lập tức trong ngày đầu tiên để thực hiện các lời hứa với người dân Mỹ.
Ông Trump đề xuất tiến hành bổ nhiệm nội các mới khi Thượng viện có kỳ nghỉ dài. Điều này có nghĩa là các ứng viên sẽ nhậm chức dưới hình thức bổ nhiệm tạm thời và tránh được các phiên điều trần kéo dài, đầy mệt mỏi tại Thượng viện. Họ sẽ phục vụ trong hai năm trước khi phải trải qua quá trình thẩm vấn tại phiên điều trần của Thượng viện.
Ở nhiệm kỳ trước của ông Trump, nhiều ứng viên đã phải chờ đợi nhiều tháng mới đến lượt điều trần, một số khác thì do thời gian chờ đợi quá lâu nên đã bị rút tên khỏi danh sách đề cử. Bổ nhiệm trong kỳ nghỉ của Thượng viện là một chiêu bài đã được nhiều Tổng thống trước đây áp dụng. Chiến lược này cũng có thể có hệ lụy về mặt pháp lý.
Nhiều Thượng nghị sĩ không thích việc bổ nhiệm được tiến hành trong kỳ nghỉ của quốc hội bởi điều đó có nghĩa là họ sẽ mất đi cơ hội được xuất hiện trên truyền thông ở các phiên điều trần và các cuộc họp báo. Một số khác thì không thích cách làm này bởi các Thượng nghị sỹ có quyền “tư vấn và đồng ý”, một thuật ngữ trong Hiến pháp Hoa Kỳ trao cho Thượng viện quyền phê chuẩn hoặc bác bỏ các đề cử nội các mới của Tổng thống đắc cử.
Ông Trump đã gây sức ép, buộc các Thượng nghị sĩ Cộng hòa chọn Lãnh đạo Đa số mới của họ là một trong số những Thượng nghị sĩ ủng hộ việc bổ nhiệm nội các mới trong kỳ nghỉ của Thượng viện. Và họ đã làm như vậy.
Đảng Cộng hòa đã thay thế ông Mitch McConnell, một lãnh đạo Thượng viện Cộng hoà lâu năm nhất (2007-2024). Từ năm 2016 đến nay, ông Trump đã nhiều lần tỏ ý không hài lòng về ông McConnell. Mặc dù ông McConnell đã làm tốt khá nhiều việc nhưng ông cũng thường xuyên về phe với đảng Dân chủ để thông qua những đạo luật đi ngược lại chính sách của đảng Cộng hòa.
Với việc thay thế ông McConnell, ông Trump đã bắt đầu chiến dịch tát cạn Đầm lầy.
Link bài gốcLấy linkhttps://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/voi-dan-noi-cac-moi-ong-trump-se-la-tong-thong-dang-gom-nhat-lich-su-hay-tham-hoa-cua-nuoc-my-a486672.html
Đường dây nóng:
0943 113 999
Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha
*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại