Chuột là loài gặm nhấm có khả năng sinh sản nhanh chóng. Mặc dù có kích thước nhỏ bé nhưng loài động vật này có thể phá hoại mùa màng, cắn phá đồ đạc và gây ra mùi hôi khó chịu cho không gian sống.
Chuột sống ở những nơi ẩm thấp, tối tăm nên thường mang theo nhiều virus, vi khuẩn có hại. Trong đó, bệnh dịch hạch do vi khuẩn Yersinia pestis từ chuột đã gây ra cái chết cho hàng chục triệu người. Vì những lý do này, đa số mọi người đều ghét và thậm chí là sợ hãi về loài chuột, thậm chí nó còn là một hội chứng tâm lý (Musophobia) mà rất nhiều người mắc phải. Và nhiều người cho rằng loài voi cũng như thế.
Không rõ huyền thoại "voi sợ chuột" được bắt đầu ở đâu và khi nào. Tuy nhiên nhiều học giả trên thế giới cho rằng nó có thể được bắt nguồn từ năm 77 sau Công nguyên, thời của Pliny the Elder và sau đó là Aristotle - có lẽ là học giả có ảnh hưởng nhất trong thời cổ đại.
Pliny là người đầu tiên nói rằng "loài voi sợ chuột hơn tất cả các sinh vật khác", và bởi vì ông ta rất có ảnh hưởng và được đánh giá cao, nên điều này không chỉ được phổ biến đối với người La Mã mà còn được lan rộng ra những nơi khác trong nhiều thiên niên kỷ sau đó.
Tuy nhiên có một thực tế là loài voi không sống trong môi trường tự nhiên của phương Tây, nên giống như các loài động vật kỳ lạ đối với phương Tây cổ đại, ngoại hình và hành vi của loài voi hoàn toàn phụ thuộc vào trí tưởng tượng của người phương Tây thời bấy giờ.
Và theo đó, số người thực sự đã bị hấp dẫn bởi hình ảnh một con vật nặng vài tấn thu mình và tỏ ra rất sợ hãi trước một con chuột nhỏ xíu, chẳng hạn như Allen Moulin, một bác sĩ trong những năm 1600.
Người ta vẫn thường nói rằng voi thì rất sợ chuột - ít nhất thì các mẩu chuyện dân gian tại nhiều nền văn hóa khác nhau đều cho là như vậy. Không những thế, người ta còn cho rằng voi rất sợ chuột vì chuột có thể bò vào trong mũi con voi làm cho voi rất khó chịu, thậm chí ngạt thở và bị chết.
Moulin có một số ít kiến thức về giải phẫu của của loài voi đã lập luận rằng vì voi không có nắp thanh quản - sụn bảo vệ khí quản khi nuốt - nên cũng có lý khi cho rằng một sinh vật to lớn như vậy có thể sợ hãi một con chuột nhỏ nếu nó có thể bò lên vòi voi và có thể làm cho con voi chết ngạt.
Tuy nhiên điều này hoàn toàn không có căn cứ khoa học rõ ràng. Các nhà sinh vật học hiện đại đều khẳng định rằng voi có sụn mềm để bảo vệ khí quản của chúng. Ngay cả khi một con chuột, côn trùng hay bất kỳ loại "mảnh vụn" nào lọt vào vòi, những con voi có thể dễ dàng thổi bay chúng ra ngoài.
Khoa học cũng từng xác nhận điều này, dù mọi chuyện có hơi khác một tý. Thực chất thì voi không hẳn sợ, mà chỉ là chúng cảm thấy giật mình vì chuột đột nhiên xuất hiện và chuyển động quá nhanh mà thôi. Các thí nghiệm trên voi cho thấy chúng cũng cho phản ứng tương tự với mèo hoặc chó, thậm chí là cả rắn.
Thế nhưng, trong một tập của Myth Busters - một chương trình truyền hình khoa học giải trí của Mỹ, Adam Savage và Jamie Hyneman đã phát hiện ra huyền thoại thực sự là điều có thật. Mặc dù họ không thể kết luận được tại sao lại như vậy, nhưng các thí nghiệm của họ cho thấy rằng những con voi Nam Phi đã "chết đứng" trên đường đi của chúng khi gặp những con chuột - khi những con voi nhận thấy sự hiện hữu của những con chuột, chúng thực sự đã lùi lại và thậm chí bắt đầu di chuyển theo hướng khác.
Theo John Hutchinson, nhà nghiên cứu tại Đại học Thú y Hoàng gia ở London, voi trong tự nhiên sẽ tỏ ra rất lo lắng mỗi khi phát hiện ra các dấu vết của những sinh vật nhỏ bé và nhanh nhẹn. Điều đó có nghĩa là không chỉ chuột có thể khiến chúng sợ hãi mà ngay cả chó, mèo và bất cứ sinh vật nào nhỏ bé và nhanh nhẹn cũng có thể khiến cho voi cảm thấy lo lắng. Ngoài ra, có một yếu tố mới lạ liên quan.
Những con voi nuôi nhốt, giống như những con trong vườn thú hoặc rạp xiếc, thường được nhìn thấy đang ngủ với loài gặm nhấm ngay trên đầu chúng. Những con voi này dường như rất ít bận tâm đến những con chuột. Vì vậy, thay vì sợ chuột, voi dường như chỉ giật mình trước những chuyển động nhanh nhẹn của chúng. Và, thực sự, điều tương tự cũng có thể sẽ xảy ra đối với bất kỳ loài động vật nào sống trong tự nhiên.
Ngoài ra, trong các nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm Bảo vệ loài voi tại Kenya, họ phát hiện ra rằng loài voi rất sợ ong.
Lucy King, một nhà động vật học dẫn đầu nghiên cứu thực hiện bởi nhóm Bảo vệ loài voi tại Kenya cho biết loài voi rất sợ ong vì mỗi khi nghe tiếng ong, lũ voi sẽ lập tức bỏ chạy ngay.
Bằng thử nghiệm phát ra tiếng vo ve của loài ong, họ nhận thấy đàn voi sẽ dừng lại, tìm cách xác định vị trí phát ra âm thanh, sau đó con đầu đàn sẽ ra lệnh cho cả đàn rút lui.
Cô cùng nhóm nghiên cứu hy vọng cách làm này sẽ giúp họ xua đuổi loài voi phá hoại mùa màng của người dân Kenya, đồng thời giảm thiểu được việc người dân giết hại voi để bảo vệ mùa màng.