Làm thế nào để Sportrada phát hiện tiêu cực?
Ngay trước thềm AFF Cup 2016 khởi tranh, ông Steve Darby - HLV quá hiểu bóng đá châu Á với hơn 2 thập kỷ gắn bó lên tiếng cảnh báo trên Four Four Two rằng: "Chỉ những kẻ ngốc mới không lo lắng về nạn dàn xếp ở AFF Cup".
BTC AFF Suzuki Cup dĩ nhiên không phải "những kẻ ngốc". Họ tiếp tục hợp tác với Sportrada để theo dõi, đảm bảo các trận đấu của AFF Cup năm nay diễn ra trong sạch, không có tiêu cực.
Nhưng làm thế nào để Sportrada có thể phát hiện những trận đấu được dàn xếp tinh vi bởi các băng đảng tội phạm được điều hành bởi những ông trùm châu Á mà giới cờ bạc bịp gọi là Kelong?
Bằng các thuật toán, hệ thống FDS (Fraud Detection System) của Sportradar sẽ phân tích dữ liệu trận đấu, bất cứ dấu hiệu đáng ngờ nào về cầu thủ, trận đấu, tỷ lệ các cược sẽ được phát hiện. Trung bình hằng năm, Sportrada theo dõi khoảng 55.000 trận đấu trên toàn cầu.
Máy móc không thể nào thay thế hoàn toàn được con người trong việc phát hiện tiêu cực thể thao.
Nhưng máy móc vẫn chỉ là máy móc, công cụ quan trọng nhất của Sportrada hay bất cứ tổ chức chống tiêu cực nào vẫn phải là… con người.
Muốn phát hiện ra tiêu cực ở những trận cầu được đạo diễn tinh vi bởi các Kelong, bởi các cầu thủ giỏi diễn như những tài tử hạng A Hollywood, Sportrada không chỉ dựa vào camera, vào những thuật toán trên màn hình, vào những dấu hiệu bất thường ở tỷ lệ cá cược, mà phải bằng mắt của những chuyên gia giỏi nghiệp vụ và dày dặn kinh nghiệm. John là một chuyên gia như thế.
John (không phải tên thật), là một sĩ quan cảnh sát người Malaysia, nhiệm vụ của John là tìm cho ra những nhân vật, cầu thủ, CĐV hay biểu hiện khác thường giữa một rừng người tại SVĐ ở khu vực Đông Nam Á.
John nhìn thấy gì?
Ngày 28/11/2012, chủ nhà Maylaysia tiếp đón đội Lào ở vòng bảng AFF Cup. Sân Bukit Jalil, Kuala Lumpur chật kín người hâm mộ.
Hơn 80.000 CĐV người Mã, ai cũng như ai. Một biển người với những âm thanh đinh tai nhức óc. Nhưng John thì nhận ra có một đôi nam nữ khác hẳn những CĐV Malaysia bình thường. Cặp đôi này ngồi một khu VIP riêng biệt, rất dễ nhận thấy từ trên sân. Gã đàn ông mặc áo thun trắng.
Việc tìm kiếm những "cổ động viên đặc biệt" trên những khái đài hàng vạn người là công việc đòi hỏi tính chuyên môn cực cao.
John lia ống kính máy ảnh về phía cặp đôi, zoom cận vào họ, bằng con mắt nghiệp vụ, anh nhận ra họ không phải cặp tình nhân. John chụp hình rồi gửi về cho các đồng nghiệp ở trung tâm phân tích dữ liệu tại London.
John tiết lộ với Asia One: "Luôn luôn có dấu hiệu khác biệt chỉ ra rằng, trong số hàng vạn người trên sân, có một kẻ khác biệt với phần còn lại, kẻ đó là người điều khiển trận đấu chứ không phải HLV, kẻ đó ở khán đài, thậm chí là HLV, trọng tài hay cầu thủ trên sân".
Bầu không khí dưới sân rất căng thẳng. Hiệp 1, chủ nhà Malaysia dù được đánh giá cao hơn hẳn nhưng lại bị Lào cầm hòa 1-1. Đám cầu thủ Mã chơi như "gà mắc tóc". Sau hiệp 1, tin từ trung tâm London báo cho John hay, các con bạc châu Á "đâm vào cửa Lào" tăng đột biến.
Phút thứ 65 của trận đấu, gã đàn ông bất ngờ cởi chiếc áo thun trắng, thay vào đó là chiếc áo thun vàng. Lập tức, người Mã hiện nguyên hình là "Con Hổ" khu vực như biệt danh của họ. Hai phút sau họ có bàn thắng và khi tiếng còi mãn cuộc vang lên, Mã thắng Lào 4-1.
Trận đấu đó có gì kỳ lạ? từ quan sát của John cũng như phân tích của FDS, Sportradar báo cáo rằng, trận Malaysia - Lào ở mức báo động 2, vì "Nó có nhiều dấu hiệu cho thấy đây là một trận đấu được dàn xếp".
Hệ thống hawala
AFF Cup năm nay liệu có thoát được bàn thay dàn xếp của các Kelong? Những vụ bê bối liên quan đến dàn xếp ở các quốc gia Đông Nam Á thời gian qua cho thấy, AFF hẳn đang rất đau đầu để đối phó với vấn nạn này.
Đầu tháng qua, 4 cầu thủ của Lào đã bị AFC treo giò vì liên quan đến tiêu cực AFC Solidarity Cup, giải đấu được tổ chức ở Malaysia.
Bốn tháng trước, hai trọng tài Thái Lan dính án vì vụ dàn xếp từ năm 2012 bị phanh phui. Nhà vô địch Phnom Penh Crown của Campuchia thì bị cấm tham dự vòng loại 2017 AFC Cup cũng vì… dàn xếp.
Dan Tan - một ông trùm Kelong Đông Nam Á được trả tự do tại tòa sau màn buộc tội không thành công hồi năm ngoái.
Nói về nguy cơ dàn xếp tỉ số ở AFF Cup năm nay, cho biết: "Vấn nạn dàn xếp ở AFF Cup là không thể phủ nhận. Các băng nhóm tổ chức mua bán, dàn xếp ngày càng tinh vi hơn".
"Nhưng chúng tôi đã hợp tác với Sportradar để chống lại nạn dàn xếp, bán độ. Nếu có dấu hiệu gì bất thường, họ sẽ báo cáo ngay cho chúng tôi, với những bản báo cáo toàn diện được cung cấp từ những nhà cái".
Nhưng không dễ để phát hiện ra hiện tượng dàn xếp ở AFF Cup. John cho biết: "Không đơn thuần là thắng hay thua, nó còn là đội nào ghi bàn trước, ghi bàn sau cùng, tổng số bàn thắng, tỷ lệ phạt góc… Tất cả được đạo diễn một cách tinh vi".
Các tay kelong ở Đông Nam Á cũng liên kết chặt chẽ với nhau như một nghiệp đoàn tội phạm lớn. Các tổ chức này thường làm việc, giao dịch tiền mua bán, dàn xếp thông qua một hệ thống gọi là hawala - một cơ cấu tín dụng bí mật của các năng nhóm tội phạm.
Cảnh sát Singapore trả lời báo chí về vụ án phát hiện hàng trăm trận đấu quốc tế bị Kelong dàn xếp tỷ số.
John tiết lộ: "Một gã dàn xếp trận đấu ở Việt Nam có thể tiếp cận một nhà điều hành hawala ở Thái Lan trả tiền cho các trọng tài người Malaysia, halawa Thái Lan chỉ cần một cuộc gọi cho halawa ở Malaysia bơm tiền mặt cho trọng tài. Không có dấu vết hay bất cứ giấy tờ giao dịch nào".
Tiền dàn xếp qua hệ thống halawa thực sự là thách thức với bất cứ cơ quan hay tổ chức điều tra, giám sát nào. Vậy nên, mọi "động thái" dù là nhỏ nhất ở AFF Cup 2016 cũng đều được phân tích kỹ lưỡng. Trong đó, theo John, trận Việt Nam gặp Malaysia vào ngày 23/11 tới đây sẽ được Sportradar đặc biệt quan tâm…
Đón đọc bài 2: Trận Việt Nam - Malaysia có nguy cơ bị kelong thâu tóm?