Một cuộc tập trận của pháo binh Đài Loan. Ảnh: Taiwannews
Trong bài viết trên tạp chí Diplomat, Eric Chan – chuyên gia về các vấn đề an ninh và chính trị Trung Quốc/Triều Tiên cho rằng Đài Loan có thể rút ra nhiều bài học có giá trị từ cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan ở Nagorno-Karabakh.
Sử dụng máy bay không người lái (UAV)
Khi cân nhắc về xung đột Đài Loan, người ta có xu hướng tập trung quá mức vào vấn đề kiểm soát đường không và đường biển. Chủ trương Phòng thủ Toàn diện (ODC) của Đài Loan nhấn mạnh tới "cuộc chiến mang tính quyết định ở vùng ven biển và tiêu diệt đối phương tại các bãi biển đổ bộ".
Trong khi đó, các ấn phẩm được xuất bản từ cơ quan ngôn luận của quân đội Trung Quốc lại nêu trọng tâm là cuộc tấn công hỏa lực liên hợp, sử dụng hàng loạt tên lửa để tiêu diệt sức mạnh không quân của Đài Loan và làm tê liệt khả năng phòng thủ của hòn đảo này.
Máy bay không người lái loại Orbiter 1K do Israel sản xuất được Azerbaijan sử dụng để tấn công cảm tử mục tiêu của lực lượng ly khai người Armenia ở Nagorno-Karabakh. Ảnh: Bộ QP Azerbaijan
Tuy nhiên, bài học đầu tiên và rõ ràng nhất từ cuộc chiến Armenia-Azerbaijan là sử dụng hiệu quả các hệ thống máy bay không người lái (UAS).
Azerbaijan đã sử dụng các loại máy bay không người lái cảm tử, UAS tấn công tầm trung với đạn dẫn đường và UAS trinh sát phối hợp với pháo binh. Cuộc tấn công của các UAV này đã làm phá hủy nhiều sở chỉ huy cố đinh, trung tâm hậu cần và các khu tập kết, làm suy yếu nghiêm trọng hệ thống phòng thủ của Armenia.
Bên cạnh đó, phá hủy lực lượng thiết giáp và cơ giới của Armenia cũng là điều quan trọng, cho phép các lực lượng đặc nhiệm hạng nhẹ của Azerbaijan với sự hỗ trợ của pháo binh đánh chiếm cứ điểm phòng thủ của Shusha một cách hiệu quả.
Trong trường hợp PLA đổ bộ thành công, Đài Loan sẽ ở thế phòng thủ chiến lược. Trước ưu thế đường không của Trung Quốc thì việc sử dụng các loại UAS tàng hình cỡ nhỏ sẽ mang lại cho quân đội Đài Loan một sự thay đổi rõ rệt, từ một đội quân đang buộc phải duy trì vai trò phòng thủ sang một lực lượng có khả năng tấn công trong giai đoạn mỏng yếu nhất của PLA.
Tương tự như Armenia, PLA sẽ cố định tại chỗ trong khi tìm cách cung cấp đủ năng lực hậu cần để phát động tấn công. Đây thực sự sẽ là viễn cảnh tồi tệ bởi lực lượng mới đổ bộ một phần sẽ không thể dễ dàng rút lui.
Khí tài nghi binh
Một trong những lợi thế lớn nhất của PLA so với Đài Loan là khả năng phát động tấn công tên lửa chính xác.
Trong xung đột với Armenia, Azerbaijan đã sử dụng các máy bay "không người lái" AN-2 làm mồi nhử để xác định vị trí của lực lượng phòng không và pháo binh Armenia. Cùng với các UAS, đây là một phương pháp mang tính hiệu quả chi phí rất cao để "nhử" và sau đó tấn công hệ thống phòng không của đối phương.
Các máy bay AN-2 được Azerbaijan sử dụng để dụ phòng không lục quân Armenia bắn, từ đó giúp máy bay không người lái thực thụ dễ dàng phát hiện trận địa phòng không. Ảnh: Defence Blog.
Tương tự, quân đội Đài Loan có thể mở rộng quy mô một hạm đội tàu đóng vai trò là mồi nhử với chi phí rẻ. Nhiệm vụ chính của chúng là làm phức tạp tính toán và buộc đối thủ phải lãng phí tên lửa.
Ngoài hạm đội tàu, Đài Loan cũng có thể sử dụng lực lượng hỗn hợp gồm các UAS, máy bay 2 tầng cánh kiểu cũ hoặc thậm chí các máy bay chiến đấu đã già cỗi.
Không để đối phương dễ dàng đoán được phương thức chiến đấu
Trước khi Chủ trương Phòng thủ Toàn diện (ODC) được xây dựng, chiến lược của Đài Loan tập trung vào việc tạo ra một hệ thống phòng thủ có chiều sâu, trong đó mỗi quân binh chủng sẽ đối phó với một cuộc chiến riêng. VD như Thủy quân lục chiến Đài Loan sẽ bảo vệ các hòn đảo rìa ngoài cho tới khi bị áp đảo, hải quân Đài Loan sẽ chiến đấu cở eo biển Đài Loan cho tới khi bị áp đảo…
Kế hoạch này, về cơ bản, không có gì thay đổi trong hơn 40 năm qua, và hoàn toàn có thể dự đoán được, nhất là sau khi nhiều chi tiết hoạt động tác chiến đã bị Trung Quốc đánh cắp thông qua các hoạt động tình báo.
Vấn đề bất cập này không chỉ giới hạn trong các hoạt động tác chiến. Do Mỹ là nhà cung cấp thiết bị quân sự chủ lực của Đài Loan nên quân đội Đài Loan cũng tiếp thu nhiều thói quen của quân đội Mỹ - không chỉ là cách thức chiến đấu, mà còn cả văn hóa hoạt động, xu hướng cạnh tranh…
Đối với Armenia, điều này đã cho thấy bài học đắt giá. Mặc dù trước khi chiến tranh bùng nổ, Armenia đã nhận thức được rằng phương pháp phòng thủ chiến hào sẽ là thứ mà Azerbaijan đoán biết trước được và sẵn sàng đối phó, nhưng tốc độ thay đổi chậm chạp đã khiến Armenia trả giá đắt.
Xây dựng kho ý tưởng
Trong xung đột tại Nagorno-Karabakh, Azerbaijan đã sử dụng kết hợp các hệ thống cũ và hiện đại theo những cách thức sáng tạo, khéo léo biến thế mạnh của Armenia – hàng phòng thủ kiên cố - trở thành điểm yếu chết người.
Do đó, có thể thấy điều quan trọng hơn khí tài trang bị chính là ý tưởng về cách thức vận dụng các hệ thống đó.
Ông Eric Chan nhận định, Trung Quốc chắc chắn không phải là một Armenia thứ hai nhưng Đài Loan cũng mạnh hơn đáng kể về mặt kinh tế so với Azerbaijan. Vì thế, chìa khóa sống còn cho Đài Loan sẽ là không ngừng thử nghiệm, sử dụng kho ý tưởng để chống lại các đối thủ có hỏa lực mạnh hơn.