Giá thuê giảm mạnh
Từng được biết đến là "con gà đẻ trứng vàng" của nhiều chủ sở hữu mặt bằng cho thuê ở các tuyến phố sầm uất tại các trung tâm TP lớn như Hà Nội hay Tp.HCM. Với giá thuê đắt đỏ cùng với đó là công suất thuê luôn là 100% vào những năm trước đây, nhiều người đã "hốt bạc" từ việc cho thuê mặt bằng nhà phố.
Thế nhưng, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, cảnh tấp nập ở các tuyến phố thương mại không còn nữa bởi việc di chuyển, đi lại hạn chế, người dân đa phần chuyển sang hình thức mua hàng online, khiến nhiều cửa hàng phải đóng cửa.
Ghi nhận cho thấy, đợt giãn cách xã hội đang diễn ra tại Tp.HCM khiến cả những người kinh doanh lẫn chủ mặt bằng cho thuê "méo mặt".
Nhiều người kinh doanh chưa kịp "hoàn hồn" vì những đợt dịch trước thì hiện tại lại tiếp tục đối mặt với làn sóng Covid-19 lần thứ tư. Trong những ngày này, nhiều cửa hàng buôn bán tại khu trung tâm và vùng ven tiếp tục phải đóng cửa do giãn cách xã hội.
Liên hệ qua điện thoại với một chủ mặt bằng cho thuê tại Q.Bình Thạnh (Tp.HCM), chị này cho biết, khách thuê mới liên hệ để thương lượng về giá thuê trong vòng 6 tháng tới, nếu không giảm thì sẽ trả mặt bằng.
Được biết, chủ thuê này "trầy trật" suốt 3 tháng mới tìm được khách thuê mới vào tháng 3/2021, do tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp nên giá thuê mới cũng đã giảm khoảng 10% so với giá thuê cũ, nhưng đến nay khách thuê lại muốn được giảm giá tiếp trong vòng 6 tháng tới vì dự tính tình hình kinh doanh sẽ giảm sút do dịch.
"Tôi cũng không biết phải như thế nào, nếu không giảm thì khó giữ chân khách thuê, còn nếu giảm thì tôi cũng "méo mặt", cứ đà này khó quá", chủ thuê này than thở.
Không khó để quan sát thấy hiện tượng nhiều chủ nhà phố đang gian nan tìm khách thuê dù đã giảm giá nhiều. Tại nhiều tuyến đường trung tâm của Tp.HCM, rất nhiều các biển quảng cáo cho thuê, sang nhượng mặt bằng được treo với mật độ cao.
Tình hình kinh doanh khó khăn do đại dịch Covid-19 khiến cho nhiều khách thuê tìm cách trả mặt bằng, hủy hợp đồng.
Với nhiều chủ mặt bằng ở những tuyến đường có hoạt động kinh doanh sầm uất trước đây như Nguyễn Huệ, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo hay Cách Mạng Tháng 8, dòng tiền đều đặn đến từ khoản tiền cho thuê thu được mỗi tháng trước đây hiện đã phải tạm gián đoạn.
Khảo sát tại các tuyến đường trung tâm Tp.HCM trong các đợt dịch trước, và nhiều tuyến đường ở các quận ngoài trung tâm, tình trạng nhà trống treo bảng cho thuê rất nhiều. Đơn cử, dọc tuyến phố ăn uống Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) rất nhiều mặt bằng còn bỏ trống, treo bảng nhiều tháng liền.
Nhiều chủ nhà giảm giá cho thuê từ 30 - 40% nhưng vẫn khó tìm được khách. Đi dọc những tuyến đường đông đúc kéo dài từ quận 1, quận 3 đến quận Tân Bình như Hai Bà Trưng, Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Thị Minh Khai, Điện Biên Phủ… cũng dễ dàng thấy những mặt bằng đất vàng trước kia nay đóng cửa im ỉm.
Dự báo mặt bằng nhà phố cho thuê tiếp tục lao dốc
Theo đại diện Savills Việt Nam, tính tới thời điểm hiện tại, mặt bằng nhà phố thương mại đã đóng cửa nhiều, các trung tâm thương mại phải chấp nhận câu chuyện giảm giá thuê, shophouse ở khu vực trung tâm và các trục đường chính cũng đối mặt với tình trạng đóng cửa hoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh. Giá thuê mặt bằng tiếp tục được điều chỉnh.
Theo đơn vị này, thời điểm trước dịch, yếu tố vị trí thuận tiện và trung tâm đã giúp các chủ cửa hàng mặt phố dễ dàng hút khách, nhất là khách du lịch. Nhờ đó có được mức kinh doanh và tăng trưởng ổn định. Giai đoạn trong dịch Covid-19, các đợt giãn cách xã hội đã thúc đẩy quá trình tham gia vào thương mại điện tử của nhiều chủ kinh doanh.
Do đó, nhu cầu thuê mặt bằng giảm đi đáng kể. Nhiều chủ mặt bằng ban đầu không giảm giá thuê, hoặc chỉ giảm rất ít, thì cuối cùng cũng phải chấp nhận xuống giá 20-30%, thậm chí 50% nhưng vẫn "mỏi mắt" tìm khách thuê. Nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, thì cảnh đìu hiu của thị trường mặt bằng nhà phố sẽ tiếp diễn.