Chào mừng bạn quay trở lại với một thí nghiệm kinh điển được thực hiện bởi nhà tâm lý học người Mỹ gốc Đức Woflgang Kohler.
Vào năm 1929, Kohler đã mang hai từ vô nghĩa "baluba" và "takete" lên một hòn đảo ở ngoài khơi Tây Ban Nha. Sau đó, ông vẽ ra hai hình dạng ngẫu nhiên (một hình có nhiều nét tròn và một hình có nhiều góc nhọn) rồi yêu cầu những người dân địa phương chọn một cái tên cho chúng.
Kết quả?
Gần như tất cả những người nói tiếng Tây Ban Nha đều chọn "baluba" để gọi hình có nhiều nét tròn và "takete" để chỉ hình có nhiều góc nhọn. Còn bạn? Bạn có đồng ý với họ không?
Các nhà khoa học đánh cược rằng bạn cũng sẽ đặt tên cho chúng y như vậy, bất kể ngôn ngữ bạn đang nói là gì!
Hiệu ứng "bouba" và "kiki"
Năm 2001, Vilayanur Subramanian Ramachandran, một nhà thần kinh học người Mỹ gốc Ấn đã bị hấp dẫn bởi thí nghiệm của Kohler. Ông đã lặp lại nó trên hai nhóm sinh viên, một nhóm là những sinh viên người Mỹ còn một nhóm là những sinh viên người Ấn Độ. Hai hình vẽ tương tự được tạo ra, nhưng hai cái tên đã được rút gọn xuống thành "bouba" và "kiki".
Kết quả có tới 95-98% sinh viên trong cả hai nhóm chọn cái tên "bouba" cho hình có nhiều nét tròn còn "kiki" cho hình có nhiều nét nhọn.
Thí nghiệm được gọi là "hiệu ứng bouba và kiki" này sau đó đã được thử nghiệm rộng rãi tới hơn 20 ngôn ngữ và 10 loại chữ viết khác nhau trên thế giới. Tất cả đều cho một kết quả y hệt. Ngay cả ở trong các ngôn ngữ không sử dụng hệ chữ cái La Mã như Tiếng Nhật và Tiếng Georgia, người ta vẫn có xu hướng chọn "bouba" cho những hình tròn còn "kiki" cho những hình nhọn.
Các nhà khoa học thậm chí còn thiết kế các thí nghiệm đặc biệt dành cho trẻ em sơ sinh từ 4 tháng đến 2 tuổi rưỡi. Kết quả, những đứa trẻ cũng có xu hướng chọn vật hình tròn khi người lớn nói "bouba" và chọn vật hình nhọn khi nghe thấy "kiki".
Tất cả dường như cho thấy một điều: Vô thức của chúng ta đã liên kết một số từ, hay cụ thể hơn là âm thanh của từ với hình ảnh trừu tượng mà nó có thể tạo ra.
Bây giờ, hãy thử một thí nghiệm khác. Hãy tưởng tượng bạn gặp 4 người lạ mặt này ở sân bay. Trong khoảng thời gian chờ đợi mệt mỏi, bạn nghĩ ra một trò vui là hãy thử đặt tên cho họ. Bạn sẽ gọi họ là gì?
Các nhà khoa học cho biết hai người có khuôn mặt tròn (bên phải) thường được mọi người gọi với những cái tên như "Jono", "George" và Lou". Trong khi, những người có cằm nhọn (bên trái) thường được gọi là "Mickey", "Kirk" và "Pete".
Chúng ta cũng có xu hướng liên kết những cái tên với tính cách của họ. Chẳng hạn như người tên Jono có mặt tròn thì thường sẽ hiền lành, dễ tính và hào phóng hơn. Trong khi một người tên Kirk sẽ có tính cách sắc sảo và cương quyết.
Hiệu ứng "bouba" và "kiki" này đã được các nhà làm phim hoạt hình Disney ứng dụng rất tốt trong việc tạo hình nhân vật của mình. Đó là lý do bạn sẽ thấy trong phim của Disney, những nhân vật phản diện như mụ phù thủy thường có mặt nhọn, mắt hình tam giác. Trong khi các nhân vật hiền lành thường béo, có mặt tròn và bầu bĩnh.
Tại sao vô thức của chúng ta lại nghĩ như vậy?
Năm 2019, hai nhà khoa học người Pháp Nathan Peiffer-Smadjia và Laurent Cohen đã xuất bản một nghiên cứu trên tạp chí Neuro Image giải thích hiệu ứng "bouba" và "kiki" dưới góc nhìn của khoa học thần kinh.
Họ đã yêu cầu các tình nguyện viên nằm vào một máy cộng hưởng từ chức năng (fMRI), rồi trình chiếu cho họ xem những cặp hình ảnh đi đôi với tên gọi của chúng được phát ra từ một chiếc loa.
Khi mẫu hình tròn được ghép với "bouba" và hình nhọn được ghép với từ "kiki", Peiffer-Smadjia và Cohen đã quan sát thấy sự kích hoạt tự nhiên trong các khu vực não xử lý hình ảnh và âm thanh của các tình nguyện viên.
Đây là con đường nhận thức mà não bộ sử dụng để nhận biết các hiện tượng tuân theo trực quan và logic thông thường. Chẳng hạn như khi bạn nghe thấy tiếng còi ô tô và một chiếc ô tô xuất hiện, khu vực xử lý hình ảnh và âm thanh sẽ đồng bộ với nhau.
Trong khi ngược lại, nếu tiếng còi ô tô được phát ra bởi một chiếc xe máy, các tín hiệu không đồng bộ này sẽ kích hoạt vùng vỏ não trước trán, chịu trách nhiệm xử lý các nhận thức phản trực giác.
Bây giờ, bão bộ bạn sẽ phải giải quyết một nhiệm vụ khó khăn để giải thích sự khó hiểu từ thế giới bên ngoài. Đây cũng chính là những gì xảy ra khi tình nguyện viên nghe thấy âm thanh "kiki" nhưng lại nhìn thấy hình tròn, hoặc ngược lại "bouba" nhưng lại ghép với hình nhọn.
Peiffer-Smadjia và Cohen sử dụng phát hiện của mình để khẳng định hiệu ứng "bouba" và "kiki" có nguồn gốc từ quá trình xử lý thông tin vô thức trong não chúng ta, nhưng họ không giải thích được lý do tại sao não bộ lại hình thành con đường vô thức đó.
Một giả thuyết được đưa ra là do kiểu hình chữ, chẳng hạn như K trong các ngôn ngữ sử dụng bảng chữ cái La Mã có nhiều góc nhọn, trong khi B có nhiều nét tròn sẽ tạo ra sự liên tưởng tương quan.
Thêm vào đó, khi nói "bouba", miệng của chúng ta có xu hướng tạo thành hình tròn. Còn khi nói "kiki", nó có xu hướng tạo ra các hình nhọn hơn. Các nhà khoa học nghi ngờ những mối liên kết này đã xuất hiện kể từ khi con người bắt đầu phát triển hệ ngôn ngữ của mình.
Theo đó, tổ tiên của chúng ta đã không sử dụng các từ ngữ với âm thanh ngẫu nhiên để gọi đồ vật. Có một logic nào đó phía sau cách họ tạo nên những ngôn ngữ cổ xưa, rồi dần dần phát triển chúng thành các ngôn ngữ hiện đại ngày nay.
Ban đầu, khi số lượng các từ vựng còn ít, logic liên kết hình ảnh và âm thanh có thể xuất hiện xuyên suốt trong ngôn ngữ. Nhưng khi số lượng các từ tăng lên, con người bắt đầu phải phá vỡ logic của mình để đáp ứng nhu cầu mở rộng đó. Điều này khiến sự liên kết âm thanh và hình dạng dần trở nên mờ nhạt đi trong ngôn ngữ hiện đại.
Nhưng nó không biến mất hoàn toàn, mà vẫn còn tồn tại đâu đó trong một số từ vựng và một số ngôn ngữ. Chẳng hạn như các nhà nghiên cứu đã phát hiện tiếng Nhật, tiếng Hàn, ngôn ngữ Đông Nam Á, ngôn ngữ bản địa của thổ dân Nam Mỹ và thổ dân Úc dựa rất nhiều vào quan hệ tượng hình và tượng thanh.
Điểm khó hiểu là các ngôn ngữ Ấn-Âu như tiếng Anh lại không có sự phụ thuộc này. Các dân tộc ở Châu Âu dường như đã sử dụng các từ ngẫu nhiên để gọi đồ vật hiện tượng xung quanh mình. Điều này đã được nhà nghiên cứu sinh học người Mỹ John L. Locke chỉ ra từ năm 1960.
Vậy liệu có một lời giải thích nào xác đáng hơn dành cho hiệu ứng "bouba" và "kiki" ở đây không? Có lẽ chúng ta sẽ phải chờ đợi thêm các nghiên cứu trong tương lai để trả lời câu hỏi đó. Còn bây giờ, hãy cứ tận hưởng hiệu ứng này như một màn ảo thuật kỳ lạ của tâm trí.
Tham khảo Sciencealert, Emory