Võ Tắc Thiên (624 – 705) được công nhận là nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử phong kiến Trung Quốc. Ban đầu, Võ Tắc Thiên là một phi tần trong hậu cung của Đường Thái Tông Lý Thế Dân, sau bà trở thành Hoàng hậu thứ hai của Đường Cao Tông Lý Trị và cuối cùng trở thành hoàng đế đầu tiên và duy nhất của Võ Chu (690 – 705), triều đại làm gián đoạn nhà Đường.
Dù vươn lên trở thành hoàng đế trong khi tư tưởng trọng nam, khinh nữ vẫn còn ăn sâu trong lòng xã hội phong kiến, nhưng nữ hoàng Võ Tắc Thiên đã ghi được nhiều dấu ấn và thành tựu trong thời gian nắm giữ quyền lực tối thượng của triều nhà Đường.
Theo đánh giá từ các nhà sử học, nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên mặc dù có nhiều lúc tàn nhẫn, hà khắc trong quá trình cai trị, nhưng bà là người có nhãn quan chính trị nhạy bén, biết cách trọng dụng nhân tài, đồng thời thưởng phạt nghiêm minh. Trong 15 năm cai trị với tôn hiệu Thánh Thần Hoàng đế, Võ Tắc Thiên không chỉ giúp Trung Quốc mở mang lãnh thổ mà con giúp kinh tế - xã hội phát triển thịnh vượng, đời sống người dân được cải thiện, an cư lạc nghiệp.
Đây là những thành tựu mà không phải hoàng đế nào cũng có thể làm được. Hơn nữa, đối với Võ Tắc Thiên, một nữ nhân "liễu yếu đào tơ" lên ngôi hoàng đế, chắc chắn còn gặp nhiều khó khăn và áp lực hơn gấp bội.
Đến cuối đời, nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên thoái ngôi và trả lại ngai vàng cho con cháu của nhà Đường. Năm 705, Đường Trung Tông Lý Hiển, con trai thứ 7 của Đường Cao Tông và Võ Tắc Thiên lên ngôi lần thứ hai.
Trong cuộc đời truyền kỳ nhiều công nhưng cũng không ít tội của nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên còn nổi tiếng về chuyện nuôi dưỡng nam sủng. Những câu chuyện về việc nuôi nam sủng của Võ Tắc Thiên một phần do các đời sau thêu dệt, nhưng một phần cũng là sự thật được ghi chép trong lịch sử.
Theo những ghi chép trong lịch sử, từ khi lên ngôi hoàng đế vào năm 690, Võ Tắc Thiên cũng có một đời sống nhiều màu sắc ở chốn hậu cung, không kém gì so với các hoàng đế khác. Nếu các nam hoàng đế thường chọn phi tần qua các cuộc thi tuyển hàng năm, nữ hoàng Võ Tắc Thiên dù không công khai nhưng cũng đặt ra yêu cầu rất cao với các nam nhân.
Nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên có hai yêu cầu cụ thể để lựa chọn nam nhân yêu thích. Nhiều người đàn ông có thể đáp ứng được điều kiện đầu tiên, nhưng rất ít người vượt qua yêu cầu thứ hai. Những người đàn ông có thể đáp ứng được đồng thời cả hai điều kiện này lại càng hiếm.
Đàn ông được Võ Tắc Thiên lựa chọn làm tình nhân: Đẹp nhưng chưa đủ
Điều kiện thứ nhất, để một người đàn ông lọt vào mắt xanh của Võ Tắc Thiên chính là phải đẹp trai. Trên đời, ai cũng yêu thích người đẹp, dù là nam hay nữ.
Các cô gái thường bị thu hút bởi các chàng trai đẹp trai. Ngược lại, đàn ông tất nhiên cũng yêu thích những cô gái xinh đẹp. Võ Tắc Thiên tuy nắm giữ trang tay đại quyền trong thiên hạ ở tuổi đã cao, nhưng bà vẫn yêu thích và ấn tượng với những nam nhân có khuôn mặt đẹp, vóc dáng tốt, vẻ ngoài anh tuấn. Điều kiện này dường như nhiều người đàn ông có thể đáp ứng.
Tuy nhiên, với điều kiện thứ hai thì rất ít người có được. Đó là những người này phải có đầu óc về chính trị và khả năng phán đoán, nhận định thế cục đương thời. Chính vì điều kiện yêu cầu này nên không phải người đàn ông tuấn tú nào cũng có thể đáp ứng và được Võ Tắc Thiên nhìn trúng.
Võ Tắc Thiên thường xuyên cùng các nam sủng thảo luận một số vấn đề về quốc gia đại sự, thậm chí là bàn bạc kế hoạch liên quan đến chính trị. Do đó, điều mà nữ hoàng đế này cần là những người đàn ông này không chỉ biết cách phục vụ mà còn phải san sẻ được những lo lắng, giải quyết những nghi ngờ của bà trong việc quốc sự.
Hơn nữa, dù đã là hoàng đế nhưng Võ Tắc Thiên vẫn bị ràng buộc nhiều bởi lễ giáo Nho gia. Do đó, bà không thể công khai tuyên bố chọn nam sủng cho mình.
Thay vào đó, Thái Bình công chúa và Thượng Quan Uyển Nhi là hai người đảm nhận công việc kiểm tra trước và nếu thấy phù hợp thì họ mới cho những người đàn ông tuấn tú này tới phục vụ Võ Tắc Thiên.
Trong số các mỹ nam phục vụ Võ Tắc Thiên, hai anh em Trương Dịch Chi và Trương Xương Tông là được sủng ái nhất. Hai anh em họ Trương vừa đẹp trai lại có nhiều tài năng nên được nữ hoàng đế vô cùng sủng ái. Hai người được hoàng đế phong chức tước và bổng lộc rất hậu hĩnh.
Hai anh em họ Trương cũng từng bước tác động đến chính trị và thực tế là có ảnh hưởng lớn trong thời kỳ cuối mà Võ Tắc Thiên cầm quyền. Thậm chí, thế lực của anh em họ Trương ngày càng lớn mạnh, khiến hai phe phái khác là gia tộc họ Lý và họ Võ cảm thấy bất mãn.
Cuối cùng, cuộc nội chiến với hai nhân tình của Võ Tắc Thiên và liên minh gia tộc họ Lý và họ Võ cuối cùng cũng diễn ra.
Đến năm 705, sau khi đắc sủng tới 8 năm và hưởng nhiều bổng lộc, chức tước, anh em họ Trương đã bị nhóm người Trương Giản Chi được sự hậu thuẫn của thái tử Lý Hiển, tể tướng Võ Tam Tư, phát động chính biến Thần Long và giết chết.
Sau khi anh em họ Trương bị giết chết, Võ Tắc Thiên chính thức thiện nhượng, thái tử Lý Hiển lên ngôi hoàng đế, sử gọi là Đường Trung Tông. Kể từ đó, quốc hiệu nhà Đường chính thức được khôi phục và nhà Võ Chu chấm dứt.
Có nhiều ý kiến cho rằng các nam sủng và tiêu biểu là hai anh em họ Trương thực chất chỉ là thú tiêu khiển và một quân cờ mà nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên sử dụng nhằm thao túng và thực hiện một cuộc chuyển giao quyền lực và giải quyết mâu thuẫn giữa hai gia tộc Võ và Lý. Tuy nhiên, sự thật cần phải thừa nhận rằng để trở thành nam sủng của nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Quốc là điều không hề dễ dàng và đương nhiên cái giá phải trả cũng rất bi thảm.
Đương nhiên, ngay ở thời hiện đại, việc lựa chọn những chàng trai vừa tuấn tú, vừa nhiều tài năng và có khả năng về chính trị là rất hiếm.
Bài viết tham khảo nguồn: Sohu, Sina, Baidu