Vừa qua, võ lâm Trung Quốc xôn xao về trận tỉ thí giữa Trương Kỳ, một võ sư Thái Cực đối đầu võ sĩ boxing nghiệp dư Đặng Dũng.
Với thể hình cao tới gần 2m, nặng 130kg và mới chỉ 36 tuổi, Trương Kỳ vẫn để thua ê chề dù đối thủ đã 52 tuổi và chỉ nặng 70kg. Không ít cư dân mạng đã gọi đây là một "cơn địa chấn" ở làng võ Trung Quốc.
Nhiều cư dân mạng Trung Quốc đã gọi trận đấu này là một "cơn địa chấn" giới võ lâm.
Tại Việt Nam, sau khi theo dõi trận thua của Trương Kỳ, võ sư Phạm Đăng Khoa - HLV, Ủy viên BĐH Võ phái Đức Nam Nhị Khúc Côn tại Gia Lai cũng đưa ra những quan điểm riêng của mình. Vị võ sư Việt Nam cho rằng có rất nhiều lý do khác nhau khiến Trương Kỳ bại trận và thực chất, cuộc chiến này chỉ giống như một vụ ẩu đả ngoài đường phố.
Võ sư Phạm Đặng Khoa khi phân tích với Trí Thức Trẻ đã cho rằng trọng tài chính là yếu tố quan trọng khiến võ sư Thái Cực bị bại trận:
"Theo quan điểm của tôi, trận đấu này giống như một cuộc ẩu đả ngoài đường phố. Cái khác chỉ là có thêm trọng tài. Trận đấu này hoàn toàn thiếu tính chuyên môn của một cuộc thi đấu võ thuật.
Nếu trận đấu này không có trọng tài thì có thể kết quả sẽ khác. Bởi nếu không có trọng tài, ở tình huống đầu tiên lúc võ sĩ boxing bị ngã, có thể sẽ là một pha đè siết của võ sư Thái Cực và trận đấu có thể kết thúc ngay ở thời điểm đó".
Võ sư Phạm Đăng Khoa cho rằng trận đấu của Trương Kỳ với Đặng Dũng giống một vụ ẩu đả đường phố.
Tuy nhiên, khi phân tích sâu hơn về chuyên môn của trận đấu, võ sư Phạm Đăng Khoa cho rằng thực chất Trương Kỳ kém Đặng Dũng ở rất nhiều yếu tố và việc võ sư Thái Cực phải chịu thất bại là điều hợp lý bất chấp một số quyết định gây tranh cãi của trọng tài.
"Đầu tiên phải nói rằng nếu đứng về góc độ nhìn trận đấu theo con mắt nghề võ, trận đấu có trọng tài can thiệp thì đây là màn thượng đài kém chất lượng chuyên môn. Người trẻ hơn không có kỹ năng thực chiến, ỷ to khỏe mà khinh thường đối thủ, nhưng thể lực, sức bền kém. Có thể nhận ra điểm yếu này ngay từ pha bị khóa cổ đấm vào đầu. Còn võ sĩ già hơn đã thi triển chiến thuật khích tướng nhằm tiêu hao năng lượng của đối thủ và kết quả đúng như mong đợi.
Nhìn chung, trình độ của cả hai đều là không chuyên, trọng tài cũng không có nghề, chỉ có một vài pha can ngăn có lợi cho võ sĩ boxing khi người này bị ngã.
Trong nghề võ thì nhất Đảm, nhị Lực, tam Công phu là không phải bàn cãi. Võ sĩ boxing tuy già và nhỏ bé hơn nhưng ông ta tập môn võ đòi hỏi tính cọ sát nên dù thua thiệt hoàn toàn về thể hình, tuổi tác nhưng ông ta đủ dũng cảm (Đảm) và có bề dày năm tháng kinh qua tập luyện cọ sát nhiều.
Võ sư Phạm Đăng Khoa là học trò của một nhân vật giàu tiếng tăm - đại võ sư Phi Long.
Ngược lại thì võ sư trẻ hơn tập môn võ Thái Cực mà môn này chủ yếu tập về dưỡng sinh, thiếu rèn luyện kỹ năng thực chiến, ít va chạm và không chú ý rèn luyện sức bền, sức mạnh nên đòn đánh trúng đối phương không hiệu quả. Nhìn ông ta thi đấu khoảng 2 phút đã thở dốc rồi.
Cũng chính vì thiếu kỹ năng thực chiến nên võ sư Thái Cực mới không biết lợi dụng thể hình, trọng lượng cũng như sức trẻ để áp đảo, kết thúc sớm trận đấu theo chiến lược Tiên hạ thủ vi cường. Ngược lại, anh ta để trận đấu kéo dài cùng với sự nóng nẩy làm lu mờ tư duy chiến đấu.
Nói chung, trận đấu này khi có trọng tài can thiệp, đánh theo quy ước của hai bên thì phần thắng thuộc về võ sĩ boxing là điều hoàn toàn hợp lý".
Trận đấu giữa Đặng Dũng vs Trương Kỳ