Như tin chúng tôi đã đưa, vào trưa 19/7, Pierre Francois Flores cùng một vài người trong đoàn tới võ đường Nam Huỳnh Đạo tại đình Nam Chơn (TP.HCM) với mục đích gặp Chưởng môn Huỳnh Tuấn Kiệt. Điều đáng nói, Flores hoàn toàn không được phía Nam Huỳnh Đạo mời đến võ đường.
Sau khi chứng kiến vụ việc nêu trên, võ sư – nhà nghiên cứu võ thuật Trịnh Hồng Minh – giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản võ cổ truyền Việt Nam đã bày tỏ quan điểm không đồng tình với cách hành xử có phần thiếu văn hóa của võ sư đến từ Canada:
"Nếu thực sự Huỳnh Tuấn Kiệt né tránh như vậy thì danh dự của ông Kiệt trong làng võ, với môn sinh sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rằng Flores đã cư xử không phải phép, trái với tinh thần lễ nghĩa của văn hóa phương Đông, trái với tinh thần khẳng khái của võ sĩ.
Ông ta đầu tiên muốn được đấu với ông Kiệt thì phải đề nghị hay thách đấu đàng hoàng, trên tinh thần tôn trọng đói thủ mới được, chứ không nên không nên nói xấu và xúc phạm người ta trước như vậy.
Khi người ta đồng ý giao đấu với điều kiện anh phải xin lỗi công khai vì anh đã xúc phạm người ta trước đó, thì anh lại cho rằng anh không có lỗi. Có nghĩa là anh bảo lưu cái ý kiến xúc phạm, lăng mạ người ta trước đó.
Rồi khi người ta đã không muốn đấu thì anh không thể ép người ta được. Con người có quyền tự do, tự chủ, tự quyết. Xã hội có luật pháp, giang hồ có quy củ giang hồ. Nếu người ta đã nín nhịn không muốn đấu vì ngại rắc rối hay vì một lý do tế nhị nào đó, thì cũng đừng nên dồn người ta vào thế đường cùng. Như vậy là chưa phù hợp với đạo lý".
Võ sư Hồng Minh không tán thành cách hành xử của Flores.
Võ sư Trịnh Hồng Minh còn thẳng thắn nêu quan điểm cá nhân rằng đến lúc này, Chưởng môn Huỳnh Tuấn Kiệt nên ra mặt để… chỉ cho Flores một bài học kinh nghiệm về hậu quả của sự ngạo mạn và giữ gìn sự tôn nghiêm của bản thân, cũng như của Nam Huỳnh Đạo.
"Huỳnh Tuấn Kiệt nhẫn nhịn sẽ được mọi người ủng hộ. Nhưng không thể nhẫn nhục. Khi đối phương vẫn cố tình gây sự, tìm đến tận nhà thì phải mở cửa mà tiếp. Khi Flores có hành xử không đẹp thì Huỳnh Tuấn Kiệt có thể cho học trò hoặc tự ra tay để chỉ cho Flores một bài học mà không ai trách ông ấy cả".
Ông Trịnh Hồng Minh cũng chia sẻ thêm quan điểm của mình: "Người phương Tây học võ ở Việt Nam rất nhiều. Dù họ là người Tây, nhưng khi học võ Á Đông họ đều hiểu thế nào là văn hóa Á Đông.
Người Á Đông lấy lễ nghĩa làm đầu, lấy tu thân làm chính, không thích rắc rối, không thích đôi co, nhất là người Việt, chỉ thích vui vẻ, an nhiên tự tại vì thắng cũng không cảm thấy thích thú, mà thua thì buồn. Người Việt mình tính trung dung, không hiếu chiến, nhưng chẳng ngại gì đâu.
Nếu thái độ này mà Flores đến Nhật Bản, Thái Lan thì chưa gặp được Chưởng môn rất có thể đã gặp phải nguy hiểm. May mà ông ta đến Việt Nam".
Võ sư Flores và đồng môn tìm tới gặp Nam Huỳnh Đạo.
Cuối cùng, nhà nghiên cứu võ thuật Trịnh Hồng Minh đã bày tỏ những thắc mắc về vai trò của đại sư Nam Anh (thầy của Flores) trong những lùm xùm liên quan tới võ sư người Canada với Chưởng môn Nam Huỳnh Đạo:
"Tôi nghĩ Chưởng môn Nam Anh là Chưởng môn một võ phái mang tính truyền thống, lại là thầy của Flores. Ông đã là một đại võ sư thành danh ở Sài Gòn từ xưa, vậy mà cố tình làm ngơ trước những hành động thái quá của Flores. Phải chăng ông ấy đang có ý đồ riêng?".
Những đòn phản công “cao tay” của Nam Huỳnh Đạo trước Flores
Trong chia sẻ vào trưa nay, võ sư Flores khẳng định muốn đến thăm Nam Huỳnh Đạo và Chưởng môn Huỳnh Tuấn Kiệt trong tâm thế hòa hảo và chỉ cần bắt tay người từng có mẫu thuẫn với mình là đủ.
Tuy nhiên, ông cũng chia sẻ nguyện vọng nếu bản thân mình không thể giao lưu võ thuật với Chưởng môn Huỳnh Tuấn Kiệt, thì có thể để các sư đệ giao lưu cùng đệ tử của đối phương.