Cú "chém gió" dại dột
Năm 1975 là một năm cực kỳ đáng nhớ với không chỉ Muhammad Ali, mà còn với cả nền quyền Anh thế giới với trận đấu "Thrilla in Manila" huyền thoại, trận đấu "sinh tử" giữa Muhammad Ali và Joe Frazier, với hơn 1 tỷ người theo dõi, diễn ra cực kỳ nghẹt thở với 14 hiệp. Trận đấu ấy đi vào lịch sử với tư cách một trong những trận đấu đáng nhớ nhất lịch sử quyền Anh hạng nặng, và kết thúc với chiến thắng bằng knock-out kỹ thuật của Muhammad Ali. Chiến thắng trận thư hùng đỉnh cao này, huyền thoại quyền Anh này bước lên đỉnh cao thế giới.
Trận đấu sắp được nói tới dưới đây diễn ra gần một năm sau trận đấu đưa Muhammad Ali đến với vinh quang tột đỉnh, hài hước thay, là trận đấu khiến huyền thoại này cực kỳ mất mặt, và đến từ một câu nói đùa.
Trận đấu xuất phát từ một buổi tiệc có sự góp mặt của Muhammad Ali và chủ tịch Hiệp hội đấu vật nghiệp dư Nhật Bản. Vui mồm, huyền thoại quyền Anh người Mỹ "chém gió" rằng không một võ sĩ phương Đông nào có thể chạm nổi vào người mình, và "ra giá" một triệu USD nếu võ sĩ Nhật Bản nào có thể đánh bại mình.
Rốt cuộc, người Nhật không coi đây là một câu chuyện đùa, và lập tức tìm ra người có thể dạy cho tay đấm ngạo mạn người Mỹ một bài học. Người được chọn để đối đầu với Muhammad Ali là Antonio Inoki - một đô vật lừng lẫy tiếng tăm của xứ sở Mặt trời. Bên cạnh đấu vật, võ sĩ này còn thông thạo khá nhiều môn võ khác, chỉ không có quyền Anh.
"Cuộc chiến" được khởi động khi Antonio Inoki thay mặt người Nhật tuyên bố sẽ khiến Antonio Inoki phải "ngủ trên sàn đấu" sau 10 phút, đồng thời đưa ra con số lên đến 6 triệu USD nếu huyền thoại quyền Anh này dám nhận lời thách đấu của anh.
Nhận lời tham gia trận đấu này, cả Muhammad Ali lẫn ê kíp của mình đều đinh ninh đây là một trận đấu biểu diễn mang nhiều tính giải trí, quảng bá cho môn võ MMA đang dần "phủ sóng" thế giới, thay vì một cuộc chiến thực sự.
Theo đó, ê kíp của tay đấm người Mỹ đưa ra kịch bản cho phía Nhật rằng sau vài hiệp "đánh như thật", Muhammad Ali sẽ "vô đình" đấm trúng trọng tài, sau đó nhào đến đỡ ông dậy, còn Antonio Inoki sẽ tận dụng cơ hội ấy để đá vào đầu đối thủ. Trọng tài tỉnh dậy, đếm đến 10 và tuyên bố võ sĩ người Nhật chiến thắng.
Với kịch bản ấy, phía người Mỹ tin rằng trận đấu sẽ đáp ứng được nhu cầu của khán giả Nhật Bản khi Muhammad Ali thua trận mà vẫn giữ được mặt mũi, còn Antonio Inoki sẽ có được chiến thắng dù không mấy vẻ vang. Quan trọng nhất là tiền sẽ được chia sòng phẳng.
Nhưng Muhammad Ali đã lầm. Cả nước Nhật "nổ tung" vì trận đấu này. Vé được bán hết cực nhanh, có chỗ ngồi lên đến 300.000 yên. Đồng thời, cả thế giới cũng hồi hộp chờ "trận đấu của thế kỷ".
Trước trận đấu, Muhammad Ali ghé thăm võ đường của Antonio Inoki và thực sự choáng váng với những gì mình chứng kiến. Đối thủ của ông to như một con bò mộng, với cơ bắp cuồn cuộn cùng những cú ra đòn "chết người", và quan trọng nhất là sự quyết tâm "một mất một còn" đáng sợ.
Với kịch bản của ê kíp đối phương, Antonio Inoki chỉ cười nhạt: "Nhật Bản không phải là đất nước thích đùa".
Toát mồ hôi lạnh, Muhammad Ali lập tức hình dung ra được cảm giác bị võ sĩ người Nhật hạ gục bằng những đòn hiểm ác. Trong khi đó, ê kíp của huyền thoại quyền Anh cũng bắt tay vào việc "tước vũ khí" của đối thủ để bảo vệ bằng được tiếng tăm của tay đấm huyền thoại thế giới này.
Rốt cuộc, phía Mỹ đưa ra những luật định hết sức tréo ngoe cho phía Nhật Bản, rằng võ sĩ người Nhật chỉ được đá khi đầu gối chân còn lại phải chạm sàn, đồng thời... không được vật. Phía Antonio Inoki sững sờ trước những đề nghị được đưa ra từ phía người Mỹ, bởi thế chẳng khác nào "chặt cụt cả chân tay" của Antonio Inoki để Muhammad Ali tha hồ ra đòn. Song rốt cuộc vẫn phải đồng ý trước khả năng đối phương rút khỏi trận đấu đã được sắp đặt đâu vào đấy.
Làm sao đấm ngã được địch thủ đã ngã sẵn rồi?
Ngày 26/6/1976, trận đấu "lịch sử" 15 hiệp bắt đầu. Và chính sự "khôn ranh" của người Mỹ biến nó thành "trò hề" đáng xấu hổ chưa từng thấy.
Ngay khi tiếng chuông khai cuộc vang lên, Antonio Inoki lập tức lùi lại, rồi phi vào chân Muhammad Ali theo kiểu xoạc bóng của môn bóng đá. Ali lách người né được, trong khi võ sĩ người Nhật đạp với theo vài phát, rồi... nằm thẳng cẳng giữa sàn. Tất cả khán giả đều choáng váng, tự hỏi sao một trận đấu được mong đợi là "cuộc đại chiến thế giới" lại có thể diễn ra theo cách hài hước đến như thế.
Nằm trên sàn, Antonio Inoki cứ chờ Ali di chuyển vào tầm đòn là lại đạp vào chân. Ali di chuyển vòng tròn, vừa lầm bầm chửi bới: "Đứng dậy nào đồ hèn. Đứng dậy đánh nhau một cách đàng hoàng xem nào".
Inoki mặc kệ. Lối đánh của ông là chiến lược cực kỳ tuyệt vời để đối phó với những điều kiện "khôn ăn người" của Ali. Làm sao đấm ngã được địch thủ đã ngã sẵn rồi cơ chứ?
Nằm ngửa bụng trên sàn đài, song Inoki vẫn dồn được Ali vào góc và liên tục đạp vào chân nhà vô địch quyền Anh, khiến Ali phải sợ quá nhảy cẫng lên đu lấy dây đài không dám xuống, buộc trọng tài phải cảnh cáo.
Sang đến hiệp thứ 6, Ali tóm được đối thủ, song Inoki với kinh nghiệm đấu vật của mình thoát ra dễ dàng, đồng thời quật ngã Ali xuống sàn, đè lên người. Trọng tài lập tức can thiệp, bởi theo luật võ sĩ người Nhật "không được vật".
Đến hiệp thứ 8, máu đã đổ trên chân Ali khi lỗ buộc dây giày của Inoki bị lỏng, cắt một vết sâu trên cẳng chân nhà vô địch quyền Anh. Sang đến hiệp thứ 10, Ali mới tung được cú đấm thứ hai về phía đối thủ, và dĩ nhiên là một cú đấm vô thưởng vô phạt. Trên truyền hình, bình luận viên thể thao nổi tiếng Jimtailor ngán ngẩm bình luận: "Trận đấu bom tấn đã chính thức trở thành bom xịt".
Mười lăm hiệp đấu kết thúc, Ali tổng cộng đấm được 6 phát vào không khí, trong khi Inoki dành phần lớn thời gian của trận đấu để nằm trên sàn. Trọng tài tuyên bố trận đấu kết thúc với kết quả hòa. Khán giả có mặt tại nhà thi đấu phát điên, dùng mọi lời lẽ mạt sát, cho rằng trận đấu là một màn bịp bợm, lừa đảo và đòi trả lại tiền vé. Họ ném đủ thứ rác rưởi lên sàn đấu.
Ngay sau trận đấu tủi hổ ấy, Muhammad Ali bay về Mỹ, hủy bỏ kế hoạch bay sang Hàn Quốc và Philippines biểu diễn để điều trị những vết thương ở chân mà Inoki gây ra. Chân trái của Ali bị thương nặng với hai cục máu đông cực lớn, khiến cách di chuyển ở những trận đấu sau đó của nhà vô địch quyền Anh người Mỹ không còn được linh hoạt như trước đây nữa.
Theo tiết lộ của các bác sĩ, Ali bị nhiễm trùng chân vì những vết thương, và suýt nữa đã phải cắt cụt chân, tàn tật cả đời.
Trong khi đó Inoki cũng phải trả giá khi bị rạn xương chân.
Gần một năm sau "trận đại chiến" này, Ali mời Inoki - khi đó họ đã coi nhau là những người bạn thân thiết, đến dự đám cưới của mình ở Mỹ. Lần ấy, cả hai ngồi lại với nhau và bàn về trận tái đấu. May mắn là kế hoạch ấy không trở thành hiện thực. Năm 1998, Inoki đánh trận cuối cùng trước khi giã từ sự nghiệp đấu vật chuyên nghiệp. Muhammad Ali ngồi ở hàng ghế đầu tiên dự khán, và tặng đối thủ "nặng ký" này nào của mình một bó hoa to. Họ thân thiết và thường xuyên liên lạc với nhau cho đến khi Muhammad Ali qua đời vào năm 2016.