Ngày 27-3, ông Mạnh Hoành Vĩ - Cựu Chủ tịch Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol), Thứ trưởng Bộ Công An Trung Quốc chính thức bị khai trừ khỏi đảng Cộng sản Trung Quốc và bị tước mọi chức vụ với hàng loạt những cáo buộc vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.
Một ngày sau khi chồng bị khai trừ khỏi đảng Cộng sản Trung Quốc, bà Grace Mạnh – vợ ông Mạnh lên tiếng bác bỏ các cáo buộc chống lại chồng bà và cho rằng vụ bắt ông Mạnh là có động cơ chính trị , báo SCMP (Hong Kong) đưa tin.
“Thông cáo đã công khai bản chất chính trị của vụ việc ông Mạnh, không đề cập đến các vấn đề liên quan đến nhân quyền cơ bản của gia đình chúng tôi” – các luật sư của bà Mạnh công bố tuyên bố của bà ngày 28-3.
Chủ tịch Interpol Mạnh Hoàng Vĩ chuẩn bị lên bục phát biểu phai mạc Hội nghị Interpol Thế giới ở Singapore năm 2017. Ảnh: AFP
Bà Mạnh nói Trung Quốc tới giờ vẫn không cung cấp bất kỳ thông tin nào về chuyện ông Mạnh đang ở đâu, sức khỏe thế nào.
“Thay vào đó, Ủy ban Thanh tra Kỷ luật Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra thông báo mơ hồ, chung chung, không được chứng thực. Nhà chức trách Trung Quốc không đưa ra các cáo buộc thực tế hoặc trưng ra bằng chứng chứng minh cáo buộc” – SCMP đưa tuyên bố của bà Mạnh.
Trong tuyên bố, bà Mạnh nói chồng bà rất được biết đến ở Trung Quốc với các chủ trương cải cách, và hồi tháng 3-2017 ông Mạnh đã từng đệ đơn từ chức lên Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc.
Bà Grace Mạnh (đứng quay lưng lại máy ghi hình) trao đổi với các phóng viên ngày 7-10-2018 tại Lyon (Pháp), vài ngày sau khi ông Mạnh Hoành Vĩ về nước và bị bắt. Ảnh: AFP
Ủy ban Thanh tra Kỷ luật Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng ông Mạnh gây hại nghiêm trọng đến hình ảnh của đảng và đến quyền lợi quốc gia và bị nghi ngờ nhận hối lộ .
Theo thông báo của Ủy ban Thanh tra Kỷ luật Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 27-3, nước này sẽ truy tố ông Mạnh sau khi một cuộc điều tra phát hiện ông lạm dụng nhiều khoản tiền lớn của nhà nước, lạm dụng quyền lực, không tuân theo các quyết định của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ủy ban Thanh tra Kỷ luật Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc ra thông báo về trường hợp ông Mạnh sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở về sau chuyến thăm cấp nhà nước đến Pháp.
Trước khi ông Tập sang thăm Pháp, bà Mạnh đã viết thư cho Tổng thống Pháp Emmanuel Marcon xin được giúp đỡ. Tiếp ông Tập, ông Marcon có nêu ra vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc với một số trường hợp cụ thể, SCMP dẫn thông tin từ một quan chức Pháp cho biết.
Hiện bà Mạnh và hai con vẫn đang ở Lyon (Pháp). Bà Mạnh đã nộp đơn xin tị nạn ở Pháp từ tháng 1 và hiện đơn vẫn đang được Pháp xem xét.
Một nguồn tin thân cận cuộc điều tra của Trung Quốc cho biết nước này không yêu cầu Pháp dẫn độ bà Mạnh.