Tháng trước, Arifa Sultana – 20 tuổi vừa hạ sinh một bé trai đầu lòng tại Bệnh viện Đại học Y Khulna, Bangladesh. Tuy nhiên chỉ 26 ngày sau đó, Arifa phát hiện bản thân lại bị vỡ nước ối lần nữa.
Quá hoảng sợ, Arifa lập tức đến bệnh viện để kiểm tra. Tại đây chị vô cùng sốc khi được các bác sĩ thông báo rằng trong bụng chị vẫn còn một cặp song sinh và hai đứa bé đang chuẩn bị chào đời.
"Cô ấy không hề nhận ra bản thân vẫn đang mang thai một cặp song sinh. Thứ 6 tuần trước, tức 26 ngày sau khi sinh đứa con đầu tiên, cô ấy bị vỡ nước ối lần nữa và đã đến bệnh viện tìm chúng tôi", Sheila Poddar – bác sĩ phụ khoa đã điều trị cho Arifa nói với AFP.
Bác sĩ Poddar đã tiến hành mổ khẩn cấp cho Arifa để đưa 2 đứa trẻ ra ngoài. Cặp song sinh gồm một trai và một gái trong tình trạng vô cùng khỏe mạnh và không có bất kì dấu hiệu bất thường nào dù chưa hề được kiểm tra theo dõi trong suốt thai kì.
Vợ chồng chị Arifa cùng 3 đứa trẻ được sinh ra từ 2 tử cung khác nhau của chị Arifa.
Được biết, nguyên nhân của sự việc kì lạ này là do Arifa có đến 2 tử cung – tử cung đôi. Đây là một trường hợp vô cùng hiếm, trong khoảng 3000 phụ nữ mới có một phụ nữ có tử cung đôi. Bác sĩ Podder nói: "Nó là một trường hợp cực kì hiếm. Đây là lần đầu tiên tôi tiếp nhận một ca sinh nở đặc biệt như thế.
Thậm chí từ trước đến nay tôi vẫn chưa nghe được bất kì thông tin về những trường hợp tương tự thế này. Đứa trẻ đầu tiên được sinh ra từ một tử cung còn hai đứa trẻ song sinh lại được sinh ra từ một tử cung khác."
Theo Mayo Clinic, một người phụ nữ có thể có tử cung đôi từ lúc mới sinh ra nhưng do không có bất kì triệu chứng gì nên rất khó để nhận biết. Phụ nữ có tử cung đôi vẫn có thể sinh con thành công nhưng khả năng sảy thai hoặc sinh non thường khá cao.
Dilip Roy – người đứng đầu cơ quan y tế ở Jessore cho biết bản thân ông rất kinh ngạc khi nghe câu chuyện của Arifa. Ông nói: "Tôi chưa từng thấy trường hợp nào như thế này trong suốt 30 năm hành nghề y của mình.
Tôi không hiểu các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Y Khulna đã làm những gì mà lại không phát hiện ra lần mang thai thứ hai của sản phụ. Theo lý, tử cung đôi có thể được chẩn đoán khi làm kiểm tra vùng chậu nếu một bác sĩ nghi ngờ có điều bất thường."
Cơ quan sinh dục của phụ nữ bình thường (ảnh trên) và cơ quan sinh dục của phụ nữ có tử cung đôi (ảnh dưới).
Theo truyền thông đưa phương đưa tin, Arifa đã được xuất viện hôm thứ Ba và đã cùng chồng đưa ba đứa trẻ trở về nhà. Arifa cho biết chị rất hạnh phúc với 3 đứa trẻ nhưng do kinh tế gia đình khó khăn nên chị không biết sẽ phải làm gì để nuôi lớn các con.
Arifa nói: "Tôi không biết hai vợ chồng tôi sẽ phải xoay sở như thế nào trước trách nhiệm quá lớn như thế này chỉ với một chút tiền trong tay."
Được biết, chồng của Arifa, anh Biswas là một người làm công với thu nhập ít hơn 70 USD/ tháng (1,6 triệu đồng). Dù vậy anh vẫn quyết tâm sẽ cho các con những điều tốt nhất. Anh nói: "Nó là một điều kì diệu đến từ thánh Allah khi cho tất cả các con của tôi đều khỏe mạnh. Tôi sẽ làm hết sức mình để các con luôn hạnh phúc."
Năm 2006, một người phụ nữ ở Anh có tử cung đôi đã hạ sinh thành công 3 đứa trẻ. Và đây được xem là trường hợp tử cung đôi đầu tiên được ghi nhận. Cũng giống như Sarifa, người phụ nữ này cũng sinh được một cặp song sinh từ một tử cung và một đứa trẻ nữa trong tử cung còn lại.