Đó là tình cảnh của Nguyễn Hữu Huy (*), 41 tuổi, khi đang ở nội đô Hà Nội, đưa vợ con về nhà vườn mới sắm ở Quốc Oai, tuy cũng vẫn là đất Thủ đô nhưng cách trung tâm tới 40km.
Không chỉ người muốn “bỏ phố về rừng” như Huy, lắm người có điều kiện tài chính, muốn lập “cơ sở hai” bằng ngôi nhà vườn ở ngoại ô cũng buộc phải bán tống bán tháo vì thực tế cho thấy, duy trì giấc mơ “căn nhà ngoại ô” không hề đơn giản.
Huy là biên tập viên một tờ báo có trụ sở ở trung tâm Hà Nội. Vợ anh là nhân viên văn phòng, vừa sinh con đầu lòng. Vốn là người yêu thích thiên nhiên, say mê vườn tược, Huy ước ao có một ngôi nhà với cây cối, vườn rau, ao cá, thủy đình để rảnh rang ngồi trà rượu mà ở giữa nội đô thì không thể nào có được.
Lương biên tập viên của anh cộng lương nhân viên văn phòng của vợ cũng chỉ tạm gọi là đủ sống ở đất thủ đô đắt đỏ. Hàng ngày, chứng kiến sự chật chội của nhà cửa, tiếng xe cộ, khói bụi, cùng những bon chen ầm ào của đời sống thị thành, nhất là ở một khu vực an ninh trật tự phức tạp, lại ven con sông Tô Lịch lúc nào cũng đen xì, hôi hám, Huy luôn đau đáu một giấc mơ nhà vườn, nơi vùng ven yên tĩnh và tao nhã.
Và rồi cơ hội ấy đã đến. Ngôi nhà nhỏ của gia đình Huy rơi vào diện giải tỏa phục vụ dự án xây chung cư. Anh được đền bù gần 2 tỷ đồng.
Suốt cả mấy tuần, Huy lang thang xuống các vùng ven như Hà Đông, Hoài Đức, Đông Anh, Sóc Sơn, nhưng với số tiền dưới 2 tỷ đồng (giai đoạn 2017) mà muốn diện tích cỡ 1.000m2 trở lên thì chỉ mua được đất ruộng, đất “50 năm”, tức là đất trồng cây lâu năm, không được phép làm nhà kiên cố. Hơn nữa, có làm nhà tạm thì những khu vực này thường xa khu dân cư, ở giữa đồng không mông quạnh, thậm chí chơ vơ ngay sát nghĩa trang. Còn nhỏ hơn, tầm 300m2-500m2 thì cũng phải cách trung tâm ít nhất 30km.
Quang cảnh thôn quê xã Phú Mãn, nơi gia đình Huy chuyển về sinh sống
Sau cùng, Huy quyết định bỏ tiền mua một mảnh đất ở Phú Mãn, một xã miền núi của huyện Quốc Oai, ngoại thành Hà Nội, đã có sẵn nhà cấp bốn. Anh lý luận rằng từ đây về trung tâm “chỉ có” 40km, lại có cao tốc Láng- Hòa Lạc nên di chuyển dễ dàng, không lo tắc đường. Khoảng cách này được anh xử lý bằng một chiếc ô tô. Huy nghĩ: “ Nhà không phải trả tiền, nước giếng khơi, rau trồng được, gà nuôi được, thu nhập của cả hai vợ chồng chỉ bỏ ra trả góp chiếc xe mỗi tháng 7-8 triệu đồng, gì mà chẳng lo được”. Và chỉ vài ngày làm thủ tục, Huy đã là chủ nhân của một chiếc xế hộp mới cứng. Giờ chỉ còn việc chuyển nhà về Phú Mãn.
Thực ra về việc chuyển ra ngoại thành, trong nhà chỉ có ông bố đã về hưu ủng hộ Huy.
Phe bỏ phiếu chống gồm mẹ Huy, cô vợ và hầu như toàn bộ họ hàng nhà vợ, bởi con gái họ vốn ở quê, lấy chồng mang tiếng là Hà Nội, nay lại đưa nhau về một vùng quê sinh sống. Mẹ vợ Huy còn nói, “trên không chằng, dưới không rễ”, sao mà ở được. Ý bà là ở vùng đất khách quê người, không họ hàng, không anh em, “ai người ta để yên cho mà sống”.
Những lo ngại của mọi người phần nào đã trở thành sự thật ngay ngày đầu gia đình Huy chuyển về.
Sau khi đã làm các loại thủ tục cúng lễ theo đúng phép tắc ở địa phương, theo tư vấn của bà hàng xóm (bởi theo lời bà, đây là vùng có cộng đồng người Mường sinh sống với những quan niệm tín ngưỡng riêng), Huy sắp xếp lại nhà cửa. Cô vợ bế con ngồi một góc nhà, mặt buồn rầu. Bên ngoài trời tối om, không có ánh đèn đường phố, tiếng xe cộ náo nhiệt.
Bỗng đâu ngoài cổng có tiếng đập cửa. Một người đàn ông đội mũ vải quân đội bước vào. Ông ta bảo Huy rót rượu uống, chắc chiều có nhìn thấy người ta cúng lễ ngoài sân nhà Huy. Rồi ông ta nói lè nhè, đại ý rằng ông ta là “cán bộ”, về đây sao không đến nhà ông “báo cáo”. Người đàn ông bắt chủ nhà rót rượu, lấy đồ nhậu. Huy nổi nóng, mời thẳng ông ta về.
Thế là ngay ngày đầu, Huy đã “gây thù chuốc oán” với hàng xóm, dù vị hàng xóm này cũng chẳng ra gì. Ông ta là cựu sỹ quan quân đội, về hưu non, tối ngày say xỉn. Tối hôm sau, con trai ông say rượu đến đập cổng nhà Huy. Trong bóng tối, anh thấy tay kia cầm một con dao phay đưa lên dứ dứ vào mặt anh, nói lầm bầm rồi bỏ đi. Đại loại hắn ta bảo ở nơi khác đến thì phải biết điều. Huy đóng cổng, trong lòng thấy vô cùng bất an.
Rồi mọi việc cũng tạm yên. Hàng xóm không tốt, nhưng cũng chưa đến mức xấu. Vợ chồng Huy tuy bất hòa về việc chuyển nhà nhưng dù gì thì cũng đã chuyển. Ngày nào đi trực, Huy rời nhà đến tòa soạn lúc 3h chiều, chạy ô tô mất khoảng 1 giờ thì đến được cơ quan, trong khi vợ anh sáng đi xe buýt đi làm, chiều 5h bắt xe buýt về Quốc Oai, đến nhà khoảng 7h tối. Huy trực biên tập đến 11h-11h30 đêm thì lên xe chạy về nhà. Đến nơi thì đã 12h30 hoặc 1h sáng hôm sau. Một tuần Huy trực 2-3 buổi, ngày trực, ngày nghỉ, nên tạm thời mọi việc vẫn chấp nhận được.
Nhưng rồi vợ Huy có bầu đứa thứ hai. Việc đi làm hằng ngày khó khăn do không tiện đường. Từ bến xe buýt gần nhất về tới nhà Huy cách xa tới 3km. Vợ Huy muốn đi làm phải đi xe máy ra bến hoặc nhờ chồng chở ra. Đi hai chặng xe mới tới chỗ làm, trong khi bụng mang dạ chửa.
Việc đi làm đối với Huy cũng không hề dễ dàng. Anh thường xuyên trễ giờ làm, hoặc phải về rất khuya. Có hôm đang trực tòa soạn, vợ gọi điện báo con sốt, ho, Huy không còn bụng dạ nào mà tập trung vào công việc. Nhiều đêm anh một mình lái xe về, có khoảnh khắc đã thiếp đi trên vô lăng, may mà còn tỉnh lại kịp.
Rồi khi chứng kiến những khó khăn, thiếu thốn của hệ thống trường lớp, cơ sở y tế cộng đồng ở địa phương, Huy bắt đầu nghĩ đến lúc những đứa con anh lớn lên. “ Phải chăng mình đã quá ích kỷ, quá vô tâm với vợ? Liệu con mình có thiệt thòi hay không, khi không được học tập trong môi trường tốt nhất ”, Huy nghĩ.
Cũng vì những chuyện này mà hai vợ chồng anh thường xuyên mặt nặng mày nhẹ, cuộc sống chẳng còn vui vẻ. Trong nhà lúc nào cũng âm u, giống hệt khung cảnh núi rừng bên ngoài.
Huy kể với tôi câu chuyện này, sau khi vợ anh sinh đứa con thứ hai và gia đình anh đã bán mảnh đất ở Phú Mãn, trở lại nội đô sinh sống.
Anh Nguyễn Thanh Tuấn (*), sinh năm 1970, là cán bộ điện lực quận Hà Đông, Hà Nội, vợ làm nhân viên ngân hàng. Tiền nong rủng rẻng, anh nghĩ đến những thú vui ngày còn ở quê, một vùng ngoại ô ngày xưa là Hà Tây. Gom góp được hơn 2 tỷ đồng (thời điểm 2016), anh mua một mảnh đất 1.600m2 ở Canh Nậu, Thạch Thất, Hà Nội gồm 300m đất thổ cư, còn lại là đất vườn. Từ nhà anh ở Hà Đông về tới khu đất cũng không quá xa, chỉ hơn 30km.
Mặc dù cũng thuộc Hà Tây cũ, nhưng quê anh Tuấn ở Đông Yên, Quốc Oai, cách khu đất khoảng 20km. Anh nói không tìm thấy miếng đất nào ưng ý ở Đông Yên, trong khi đất Canh Nậu thì đẹp, giá cả hợp lý do chủ đang cần tiền cho con ra ở riêng, đường sá cũng tiện hơn.
Sau khi mua được đất, đã có sẵn ngôi nhà cấp bốn nhỏ, anh bỏ ra thêm vài trăm triệu đầu tư sửa sang nhà cửa, san lấp, cải tạo mặt bằng. Anh cho xây thêm nhà chòi ngoài vườn để ngắm cảnh, thưởng trà, thưởng trăng. Thời gian đầu, tuần nào nhà anh gồm hai vợ chồng, hai đứa con và ông bố anh Tuấn đang ở cùng anh cũng về nhà vườn ngoại ô. Anh Tuấn và ông già khoái chí ra mặt, vì được sống lại trong không khí xưa cũ. Bọn trẻ tù túng trong thành phố, nay được về nông thôn cũng thấy hứng thú.
Nhưng rồi sự hứng thú ấy cũng nhạt dần, tất nhiên tốc độ nhạt thì mỗi người trong gia đình mỗi khác. Nhanh hơn cả là hai đứa trẻ. Sau một thời gian, mỗi khi đến cuối tuần, chúng tìm cách thoái thác, đòi ở lại thành phố để “học hành” hoặc “tụ tập bạn bè”. Vợ anh Tuấn cũng dần hết hứng với căn nhà ngoại ô vì cuối tuần chị thích đi cà phê tụ tập bạn bè, hoặc đi siêu thị hơn là loanh quanh trong căn nhà chỉ có cây với cây.
Anh Tuấn cũng không thể để ông bố đã ngoài 80 với căn bệnh tiểu đường và nhiều bệnh nền khác ở một mình cả tuần tại đó được. Thế là đành rút bớt tần suất ở nhà ngoại ô. Trước tuần nào cũng về, sau còn tháng một lần, có tháng cũng chỉ hai bố con anh Tuấn về trong ngày. Nhà không ở nhiều, hoang phế, trẻ con hàng xóm sang phá phách, thả cả trâu bò vào vườn cây. Anh Tuấn cực chẳng đã đành phải thuê chính bà hàng xóm đã bán đất cho anh với giá 5 triệu đồng/tháng để trông coi.
Bà này ngay lập tức coi đất đó như nó vẫn là của nhà bà. Bà bắt đầu sang khai thác hoa trái, quây chỗ nhốt trâu bò, trồng cấy. Có lần anh Tuấn về thấy người ta tổ chức cả cỗ bàn, ăn uống ầm ĩ, xả rác bừa bãi ngay trong ngôi nhà của mình. Anh bấm bụng cho qua, bởi có làm ầm lên cũng chẳng giải quyết được gì, vả lại cũng khó tìm được người trông coi khác. Thậm chí cũng đã có lần anh định tìm người mới, nhưng rồi người đó cũng từ chối vì không muốn dây dưa với gia đình kia.
Một căn nhà vườn ở ngoại thành Hà Nội, tương tự căn nhà của gia đình anh Tuấn
Còn gia đình chủ đất cũ, họ biết thóp, nên nay nhờ việc này, mai nhờ việc nọ, lâu lâu lại đòi “tăng lương”. Từ 5 triệu ban đầu tăng dần lên 7 triệu, rồi 8 triệu đồng.
Chịu không xiết, anh Tuấn đành gọi môi giới vào bán tống bán tháo mảnh đất. “ Bây giờ có mua cũng chỉ để bán lại, kiếm chênh lệch. Nghĩ đến nhà nghỉ ngoại ô là tôi đã thấy ngán rồi ”, anh Tuấn bảo.
Câu chuyện của anh Tuấn, anh Huy cho thấy việc thay đổi môi trường sống không bao giờ là dễ dàng, và chăm sóc môi ngôi nhà, một cơ ngơi để nó trở thành tổ ấm cũng không hề đơn giản, nhất là mình lại không sinh ra, lớn lên hay gắn bó hằng ngày với nó.
Và việc đầu tư với hai mục đích hoặc làm nhà vườn hưởng thụ, được giá lại bán hoặc thuần túy đợi chênh giá kiếm lời cũng không còn dễ dàng như trước. Sau một loạt cơn sốt, giá đất đang chững lại.
Một số người chuyên buôn đất kiểu lướt sóng cho rằng hiện nay bất động sản nghỉ dưỡng không còn được giá như thời kỳ cách đây 8-10 năm nên ôm vào bán cũng không dễ.
Anh Trần Anh Tú, có thâm niên mua bán đất trang trại, đất nông thôn quanh khu vực bán kính 50km tính từ hồ Gươm, Hà Nội cho rằng, một số người có tiền hay tìm một mảnh đất ngoại ô để xây nhà vườn “cho bằng bạn bè, ra dáng đại gia”. Đây là nhóm nhanh chán nhất vì không thực sự yêu thích nhà vườn, không gắn bó, chỉ mua theo phong trào mà chưa tính toán kỹ những hệ lụy sâu xa.
Nhóm thứ hai là những người đầu tư để bán lại kiếm chênh lệch. “ Nhóm này chính là đối tượng nếm trái đắng lớn nhất. Rất nhiều anh đã chết đứng khi ôm đất Lương Sơn, Quốc Oai, Thạch Thất ”, anh Tú nói.
Tất nhiên vẫn có những người đầu tư đất ngoại ô thắng lớn nhưng theo anh Tú, đây là những người đam mê làm trang trại hoặc làm du lịch, đầu tư có chiến lược, bài bản. “ Nhưng nhóm này ít thôi ”, anh Tú nói.
Một trong những người ít “nhóm thiểu số” như lời anh Tú, là chị Ngô Phương Linh, 35 tuổi. Chị vốn là nhân viên phiên dịch của Bộ Ngoại giao, chồng là chuyên gia IT, hai vợ chồng dành dụm được một khoản tiền khá. Chị Linh nghỉ việc ở Bộ Ngoại giao, về xã Vân Hòa, Ba Vì, Hà Nội mua mảnh đất 3.500m2, mở homestay.
Chị Linh có ngoại ngữ, tư duy hướng ngoại, cộng thêm khả năng tiếp thị, hơn nữa lại được sự hỗ trợ của ông chồng chuyên gia IT nên homestay của chị nhanh chóng có khách và ngày càng nổi tiếng. Cách trung tâm Hà Nội chừng 60km, homestay của gia đình chị Linh nay đón khách cả tây cả ta, từ thứ hai đến hết tuần.
Một homestay ở Vân Hòa, Ba Vì, Hà Nội
“ Suốt ngày lo đón khách, tôi chẳng có lúc nào mà nghĩ đến buồn vì ở nông thôn ”, chị Linh nói. Chị bảo công việc hằng ngày của chị là lo cho fanpage của homestay trên Facebook và các loại nền tảng mạng xã hội khác, tiếp thị hết trong lẫn ngoài nước, lo đón khách, lo đặt đồ ăn thức uống… cũng đủ hết ngày.
Nhưng ngay cả những người như chị Linh, việc làm quen, hòa nhập với cộng đồng dân cư địa phương cũng là một quá trình gian nan. “ Thời gian đầu, họ cũng dòm ngó, cũng có người gây khó khăn, chứ không phải dễ dàng như bây giờ. Một mặt em phải “rắn”, một mặt em cũng có chiêu để “thu phục nhân tâm ”, chị Linh nói.
“ Ví dụ lâu lâu em lại đưa anh em họ hàng đông đảo về, cho họ thấy nhà mình cũng không phải vừa, không dễ để họ bắt nạt. Mặt khác, em tuyển mộ một số người địa phương vào giúp việc, ví dụ làm vườn, chăm sóc nhà cửa… Khi có khách, thay vì nấu nướng tại chỗ, em đặt các nhà hàng xung quanh cung cấp thực phẩm. Họ thấy làm việc với em chỉ có lợi thì dại gì mà gây khó khăn, phiền phức cho em nữa. Thậm chí bây giờ họ còn bảo vệ gia đình em, mong em đón được ngày càng nhiều khách để họ cũng được hưởng lợi ”.
(*) Tên nhân vật đã được thay đổi