Mẹ con không về nữa!
3 tuần Sài Gòn nới lỏng giãn cách, nhịp sống cũng dần dần quay trở lại thành phố khi nhiều hoạt động, dịch vụ được cho phép hoạt động. 20h tối, khác với vẻ tĩnh mịch những tháng trước đó, đường phố Sài Gòn đã tấp nập người qua lại. Bên cạnh tiếng còi xe, tiếng í ới của vài đứa trẻ khiến chúng tôi ngừng lại.
Người vô gia cư lay lắt trong đêm- 3 đứa trẻ mồ côi mẹ, nheo nhóc trên chiếc xe đẩy của cha lang thang khắp Sài Gòn
Những đứa trẻ "vô gia cư" trong đêm Sài Gòn nới lỏng giãn cách
4 cha con anh Phương vui mừng khi được nhóm bạn trẻ tới thăm và tặng quà bánh
Dưới góc đường Võ Thị Sáu (quận 3), Biên (6 tuổi) tay cầm bịch sữa, dỗ ngọt đứa em trai. Cách đó vài bước chân, anh Nguyễn Ngọc Phương ngồi bệt dưới đất, ẵm đứa con gái nhỏ, nghẹn lời. "Mẹ tụi nhỏ mất rồi, vợ anh mất vì nhiễm Covid-19, giờ còn 4 cha con, nương nhau mà sống".
Theo anh Phương, vì không có nghề nghiệp ổn định, cả gia đình sống bằng việc lượm ve chai. Sau khi vợ mất đi, một mình anh Phương phải chăm sóc, lo lắng cho cả 3 đứa con, lớn nhất chỉ mới 6 tuổi, nhỏ nhất vừa tròn 18 tháng.
Vợ mất vì Covid-19, một mình anh Phương phải gồng gánh lo cho 3 đứa con
Mỗi tối, anh Phương đẩy chiếc xe máy cà tàng chở 3 đứa con đi lang thang khắp Sài Gòn để lượm ve chai, đồng thời xin quà từ thiện. Cũng nhờ sự giúp đỡ của các mạnh thường quân, mấy đứa trẻ không bị đói, đủ cơm ăn, sữa uống.
Bình thường, sau khi đi lượm ve chai, 4 cha con anh Phương kiếm một góc ở vỉa hè, gầm cầu để ngủ qua đêm. Mấy ngày trước, biết được hoàn cảnh của 4 cha con, một mạnh thường quân đã thuê trọ để 3 đứa trẻ có chỗ trú ngụ.
Chiếc xe đẩy cà tàng là mái nhà che mưa che nắng của gia đình bé Biên
Trèo lên chiếc xe đẩy của cha, Biên thỏ thẻ: "Mẹ con chết rồi, con nhớ mẹ. Bình thường con đi lượm ve chai với cha, con thương 2 em lắm".
Có lẽ trong tâm thức của một đứa trẻ 6 tuổi, Biên chưa thể hiểu hết được "mẹ chết" là như thế nào. Con chỉ biết từ ngày vắng mẹ, con và 2 đứa em chỉ biết dựa hết vào cha, đồ ăn, thức uống cũng nhờ người qua đường giúp đỡ.
"Con thích được đi học, cha nói con không có giấy tờ nên không được đi. Con thích đến trường học chữ lắm", Biên ngô nghê nói về điều ước của mình.
Đứa trẻ 3 tuổi ngồi uống sữa ngon lành bên cạnh đứa em gái nằm ngủ ngon lành trong xe
Biên cũng giống như nhiều đứa trẻ vô gia cư khác ở Sài Gòn, ban ngày theo cha mẹ đi móc bọc, lượm ve chai, đứa nào may mắn hơn được đi bán hàng rong, vé số…. Ngày nào kiếm được nhiều tiền, được mọi người giúp đỡ thì có thêm sữa bánh để ăn, riêng tối đến thì đều lấy vỉa hè, gầm cầu làm nơi nương náu.
Sau khi gửi một ít quà bánh cho 4 cha con của anh Phương, chúng tôi lại theo chân Hiền – Thành để đi phát quà đêm. Mặc dù nhóm bạn trẻ chỉ chuẩn bị một ít sữa, bánh ngọt để tặng cho những người vô gia cư nhưng ai nấy đều cảm thấy ấm lòng.
Những phần quà được nhóm Đêm Sài Gòn gửi đến bà con nghèo, vô gia cư
Phần quà đêm của người vô gia cư
Cầm trên tay bịch bánh cho đứa con gái nhỏ, chị Xuyến (47 tuổi) xúc động khi được nhóm bạn trẻ ghé đến hỏi thăm.
5 tháng bị kẹt lại giữa Sài Gòn, hết tiền, hết bạc, công việc nuôi sống cả nhà cũng chẳng còn khiến chị Xuyến rơi vào tuyệt vọng.
Đứa con gái nhỏ của chị Xuyến ngây ngô trên tay mẹ
Hôm nay, chị Xuyến bắt xe ôm từ Quốc lộ 50 (Bình Chánh) qua quận 1 để đến chỗ làm cũ, hi vọng có được việc làm sau mùa giãn cách. Nhưng rồi cái lắc đầu từ chối của người chủ khiến 2 mẹ con chị "không muốn về nhà".
"Chị nản quá nên đi lang thang nãy giờ chưa muốn về nhà, dịch vừa rồi chị không có việc làm, tiền nhà đồ cũng không có để mình đóng, bà chủ thương tình cho ở tạm để đi kiếm việc. Mà giờ cũng không nơi nào nhận, chị chỉ mong sao có việc làm để nuôi con, cả nhà khỏi bị đuổi ra ngoài đường", chị Xuyến tâm sự.
Nỗi bất lực của người mẹ khi không kiếm được việc làm để có tiền chăm sóc các con
Lấy trong túi ra 200 ngàn, Hiền xúc động gửi đến mẹ con chị Xuyến cùng lời chúc bình an. Tuy số tiền không nhiều nhưng đó là tất cả những gì mà nhóm bạn trẻ có thể làm được cho những phận đời kém may mắn như chị Xuyến. Một chút sẻ chia, yêu thương để mọi người cảm thấy ấm lòng hơn sau những chuỗi ngày gồng mình vì đại dịch.
Tuy mỗi phần quà chỉ gồm bánh, sữa tươi nhưng nó cũng đủ để người vô gia cư cảm thấy ấm lòng
Có lẽ không riêng chị Xuyến mà với những người lao động nghèo, vô gia cư mà chúng tôi gặp được, dịch bệnh khiến cuộc sống của họ thêm phần lay lắt, khó khăn nhưng lúc nào họ cũng hi vọng, tin tưởng vào những điều tốt đẹp nhất sẽ đến.
"Sài Gòn tình thương mến thương, mấy đứa nhỏ nhỏ như tụi con mà nó đi làm từ thiện, gặp chú là cho đồ ăn không hết, người Sài Gòn tốt lắm", câu nói bất chợt của chú Lý khiến chúng tôi nghẹn lòng.
Chú Lý xúc động nói về sự hào hiệp của những người xa lạ
Hơn ai hết, hơn 60 năm gắn bó với mảnh đất Sài Gòn, chú Lý hiểu được dù có gặp bao nhiêu khó khăn, thiếu thốn, người Sài Gòn vẫn luôn tìm cách để bao bọc, chở che cho nhau. Người có của giúp người khó khăn, người có nhà phụ người không nơi nương tựa, tất cả đều cố gắng với một niềm tin tuyệt đối, Sài Gòn sẽ chẳng bỏ lại ai ở phía sau, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Sài Gòn đang dần khỏe lại, sớm thôi, mọi thứ sẽ quay lại nhịp sống ban đầu, những mất mát, đau thương sẽ không còn nữa, tất cả mọi người đều được bình an.
Hầu hết những người vô gia cư ban ngày đi lượm ve chai, chạy xích lô, xe ôm..., tối đến lấy vỉa hè, lề đường làm nơi nương náu
Họ lấy đất làm nhà, lấy trời làm chăn... vì không có nhà để về
Với khoảng 500 phần quà, các bạn trẻ trong nhóm Đêm Sài Gòn chia ra ở các khu vực để đi tặng cho bà con
Mấy tháng qua, Sài Gòn đã làm hết những gì có thể để hạn chế thấp nhất sự xáo trộn trong cuộc sống của người dân, Sài Gòn đang dần khỏe lại, cố lên!!!