Vợ mất, cụ ông 70 tuổi được con rể lái Mercedes đón lên nhà con gái dưỡng già nhưng 'quay xe' về quê chỉ vì một bữa ăn

Kim Linh |

Người đàn ông Trung Quốc này từng rất hào hứng khi được con cái đón lên thành phố ở cùng nhưng cuộc sống chung lại không như ông tưởng tượng.

Chăm sóc người già là chủ đề không chỉ được người trẻ quan tâm để tìm ra cách phụng dưỡng cha mẹ tốt nhất mà ngay cả người cao tuổi cũng rất chú ý. Cha mẹ sống cùng con cái liệu có phải cách tốt nhất để người cao tuổi an dưỡng già và gìn giữ hạnh phúc gia đình hay không? Câu chuyện của cụ ông họ Lý, 70 tuổi ở tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) có thể cho bạn một góc nhìn về vấn đề này.

Tuổi già loay hoay tìm chỗ “dừng chân” thích hợp nhất

Vợ chồng tôi sống ở vùng nông thôn bình thường, có một con gái duy nhất tên Tâm Tâm. Tâm Tâm học rất giỏi, lớn lên đỗ ĐH Thiên Tân nên rời khỏi vùng quê nghèo lên sống ổn định tại thành phố. Tôi từng nói với vợ rằng một ngày nào đó 2 vợ chồng nên đến nhà con gái để được phụng dưỡng, báo hiếu. Thế nhưng vợ tôi lại cho rằng như vậy rất bất tiện cho cuộc sống các con, ở quê thanh bình là tốt nhất.

Mấy năm trước vợ tôi qua đời vì đau tim, chỉ còn một mình tôi ở lại ngôi nhà cũ. Cuộc sống vốn đã quen 2 người nay chỉ còn cô độc một mình, không ai nấu ăn hay làm việc nhà cùng tôi, xung quanh hiu quạnh không có người để tâm sự. Những người hàng xóm trạc tuổi tôi đều chỉ nằm ở nhà trong tình trạng sức khỏe yếu, tôi cũng không chủ động tới thăm họ.

Đôi khi ngồi ngoài hiên nhà, tôi có thể nghe thấy tiếng nhạc tang lễ từ một hàng xóm trong làng. Điều này khiến tôi sợ hãi và nỗi cô đơn càng bủa vây nếu một ngày chính mình ra đi đột ngột không có ai cạnh bên. Cứ như vậy khoảng 1 năm, tôi mới gọi điện tâm sự với con gái. Tâm Tâm rất lo lắng, ngày nào cũng gọi điện nói chuyện với tôi rất lâu.

Vợ mất, cụ ông 70 tuổi được con rể lái Mercedes đón lên nhà con gái dưỡng già nhưng quay xe về quê chỉ vì một bữa ăn - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Nghe ông Trương bên cạnh nhà kể về viện dưỡng lão tốt trong thị trấn, tôi cũng thử đến đó. Thế nhưng hầu hết người cao tuổi ở đây đều ít được con cái quan tâm. Họ sống trầm lặng, ít giao lưu nên tôi chỉ ở đây nửa tháng rồi lại về nhà.

Lần này tôi do dự gọi điện cho con gái, hỏi xem liệu tôi có thể đến ở nhà con một thời gian không. Kết quả là chỉ khoảng một tuần sau, con rể về quê đón tôi bằng chiếc Mercedes-Benz đời mới. Con cái có điều kiện sống tốt như vậy, có nhà có xe đắt tiền đi khiến tôi cảm thấy hào hứng với cuộc sống thành phố mà mình vốn mong ước bấy lâu.

Khi khoảng cách thế hệ và sự khác biệt lối sống quá lớn

Khi tôi đến nhà con gái, con rể xếp hành lý còn con gái dọn bàn ăn nấu những món tôi thích nhất. Rất lâu từ khi vợ mất, tôi mới cảm nhận được không khí gia đình đầm ấm như bây giờ. Nhà con gái tiện nghi nhưng diện tích nhỏ, không có phòng ngủ riêng cho khách đến nên tôi phải ở tạm phòng khách.

Tưởng lên ở với gia đình con gái sẽ bớt cô đơn hơn nhưng cả ngày của tôi cũng chỉ gặp con cháu buổi tối, sáng chiều loanh quanh một mình vì ở thành phố nhà nào cũng đóng cửa, ít giao lưu. Một số thói quen vốn quen thuộc ở quê của tôi lại trở thành sự xáo trộn cho cuộc sống gia đình Tâm Tâm, khiến vợ chồng con tranh cãi. Có lần cháu tôi nghe thấy tiếng cãi vã của bố mẹ, liền chạy đến hỏi tôi: “Ông ơi bao giờ ông về?”

Khi đó tôi đã muốn rời đi ngay lập tức nhưng vì muốn ở gần con gái và các cháu thêm một thời gian nên cũng miễn cưỡng điều chỉnh lại các thói quen của bản thân, còn phụ giúp vợ chồng Tâm Tâm đưa đón cháu trai đi học.

Thế nhưng sự việc đỉnh điểm khiến tôi quyết định rời nhà con gái là khi Tâm Tâm đi công tác một tuần, ở nhà chỉ còn con rể và cháu tôi. Cả 3 người đều không biết nấu ăn nên con rể gọi đồ ăn bên ngoài đều đều cả 3 bữa/ngày. Ăn đồ ăn hàng thực sự rất tiện, chỉ cần gọi qua di động là có người giao tới tận nhà.

Vợ mất, cụ ông 70 tuổi được con rể lái Mercedes đón lên nhà con gái dưỡng già nhưng quay xe về quê chỉ vì một bữa ăn - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Một, hai bữa tôi còn thấy ngon miệng nhưng ăn đến ngày thứ 5 ăn toàn dầu mỡ như vậy, tôi chỉ gắp được vài miếng rồi thôi. Toàn thân mệt lả, cả ngày không làm được gì. Ngày con gái về, tôi là người vui nhất vì tưởng được ăn cơm nhà nấu. Vậy mà Tâm Tâm xách vali vào nhà và nói: “Con mệt quá, bố gọi giúp con đồ ăn ngoài”.

Vừa nghe tới chữ đồ ăn hàng, bụng tôi liền đau dữ dội. Tôi nói mình không tiêu hóa được những thức ăn dầu mỡ đó, liền bị con gái trách ích kỷ, không nghĩ tới cảm nhận của con khi vừa đi công tác dài ngày về. Sau bữa ăn, con gái xin lỗi tôi, tâm sự gần đây phải chịu áp lực công việc lớn nên lỡ lời.

Tôi bảo con không phải bận tâm chuyện đã qua nhưng trong đầu ngổn ngang suy nghĩ. Ngay ngày hôm sau Tâm Tâm nấu một bàn toàn đồ ăn ngon, liên tục gắp thức ăn vào bát của tôi. Trên bàn ăn, tôi nói với các con muốn về quê, ở thành phố ngoài các con không quen biết ai nên cũng tù túng. Con gái và con rể đều cố gắng níu giữ tôi nhưng tôi biết đã tới lúc để các con có cuộc sống tự do như trước.

Hôm sau con rể lái xe Mercedes-Benz chở tôi về quê. Lần này tâm thế của tôi hoàn toàn khác trước, vừa nhẹ nhõm vừa thấy trân trọng tổ ấm ngày xưa. Căn hộ tiện nghi hay thành phố náo nhiệt cũng không bằng căn nhà cũ quen thuộc của riêng mình được. Tôi học cách nấu ăn, tự mình tới bệnh viện, nói chuyện với hàng xóm xung quanh nhiều hơn để tìm lại niềm vui cuộc sống.

Vợ mất, cụ ông 70 tuổi được con rể lái Mercedes đón lên nhà con gái dưỡng già nhưng quay xe về quê chỉ vì một bữa ăn - Ảnh 4.

Ảnh minh họa

Vậy nên khi những người họ hàng nói muốn tới nhà con cái dưỡng già, tôi đều khuyên họ cân nhắc thật kỹ sự khác biệt trong lối sống giữa các thế hệ, giữa nông thôn và thành phố. Quan trọng nhất với người cao tuổi, trước hết vẫn là khả năng tự chăm sóc bản thân, đừng nên quá phụ thuộc vào người khác. Chúng cũng có công việc và gia đình riêng, trở thành gánh nặng cho con cái là điều người lớn tuổi như tôi không mong muốn nhất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại