Thời gian gần đây, giới võ lâm Trung Quốc liên tục xuất hiện những trận thách đấu giữa các võ sư cổ truyền với các võ sĩ hiện đại. Phần lớn các màn tỉ thí đều có chung một kịch bản đó là các võ sư cổ truyền phải chịu những thất bại muối mặt. Sau nhiều màn thượng đài được ví như "bi hài kịch", truyền thông Trung Quốc cho rằng trình độ của các võ sư cổ truyền nước này đang ngày càng suy thoái đến mức đáng báo động.
Ở Việt Nam ít ngày gần đây cũng bất ngờ xuất hiện một chủ đề gây tranh cãi gay gắt trong giới võ lâm. Lý do bắt nguồn từ việc một số clip và hình ảnh về các võ sư cổ truyền "thi triển võ công" trong một kỳ thi thăng đẳng bất ngờ được lan truyền.
Sẽ không có gì đáng nói nếu những màn "thi triển công phu" này quá tệ về mặt chuyên môn. Thay vì những đòn thế mạnh mẽ, hiệu quả và đẹp mắt, những nhân vật chính trong clip lại bị "ném đá" bởi những đòn thế… bị đánh giá chẳng khác gì một người mới tập võ. Thế nhưng, một số võ sư này vẫn được… đặc cách để sở hữu bằng võ sư 5 đẳng, 6 đẳng.
Những clip vừa phát tán, được cho là diễn ra tại Hải Phòng.
Những nhân vật chính trong clip bị chê là đánh võ chưa tới nơi tới chốn nhưng vẫn được đặc cách làm võ sư.
Theo một số hình ảnh được lan truyền thì trong kỳ thi thăng đai này, không ít thí sinh dù chưa đạt đẳng cấp nào nhưng vẫn được thi đặc cách lên trình độ 5 đẳng và 6 đẳng. Quyết định "đặc cách" này của ban tổ chức (là Liên đoàn Võ thuật Hải Phòng) lập tức vấp phải những ý kiến chỉ trích rất dữ dội từ làng võ Việt Nam. Những ý kiến này cho rằng việc đặc cách cho những võ sư không có trình độ chuyên môn sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực và tổn hại tới sự phát triển của võ thuật cổ truyền Việt Nam.
Làng võ "giật mình", cất tiếng nói đanh thép
Một võ sư giấu tên chia sẻ với Trí Thức Trẻ: "Tôi đã xem qua mấy màn thi triển của vài võ sư trong kỳ thi thăng đai này. Tôi không thể chấp nhận được việc một người đấm đá như trẻ con như thế lại được phong đặc cách lên thành chuẩn võ sư, rồi võ sư sở hữu 5 đẳng và 6 đẳng.
Đây là hành động dung túng cho những võ sư dởm, không khác gì làm xấu mặt văn hóa võ thuật cổ truyền. Cứ như vậy chẳng khác gì đang làm hại nền võ thuật dân tộc".
Không ít trường hợp các thí sinh không có đẳng cấp nào vẫn được đặc cách thi lên 5 hoặc 6 đẳng.
Võ sư Nam Anh Kiệt – Tổng đàn chủ phái Vịnh Xuân Nam Anh tỏ ra cực kỳ bức xúc: "Tôi không biết những người này có mua bàn bằng cấp hay không nhưng rõ ràng trình độ của một số võ sư cổ truyền ở Việt Nam đang đến mức độ đáng báo động.
Trong clip này, mấy người thi thăng đai lên cấp võ sư 6 đẳng mà đấm đá không ra thể thống gì. Thật đáng xấu hổ. Nếu họ có sự tập luyện nghiêm túc chắc chắn họ đã không tệ như vậy.
Cách quản lý của các liên đoàn võ cổ truyền rõ ràng là có vấn đề. Cũng chính vì thế mà môn phái chúng tôi (Vịnh Xuân Nam Anh) từ trước tới nay không bao giờ tham gia vào mấy liên đoàn này.
Người xưa có câu rằng "Một cục phân chuột sẽ làm hỏng cả nồi canh". Tôi không nói tất cả các môn phái hay cá nhân trong các liên đoàn võ cổ truyền đều dởm nhưng quả thật hiện nay họ đã bị mang tiếng khá nhiều. Nhất là sau khi một số ông lãnh đạo trong liên đoàn lên tiếng bênh vực cho trò "giật điện", rồi bày ra các chức danh đại võ sư, đại võ sư quốc tế… trong khi chẳng thấy nội dung công phu thi thố mang tính quốc tế gì. Khác nào thi hoa hậu ao làng rồi quảng cáo là Hoa hậu quốc tế.
Đơn giản nhất, khi có chữ Quốc tế thì trình độ của họ phải mang tính quốc tế. Ví dụ trường quốc tế thì phải có giáo viên quốc tế, giáo trình quốc tế… Nhưng ở đây, mấy vị thi đấu đấm đá như trẻ con không biết võ mà cũng được chứng nhận là võ sư thì tôi không thể hiểu nổi. Thú thực, tôi cũng chán chẳng muốn nói khi nghĩ đến thực trạng này".
Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam nói gì?
Trước câu chuyện gây tranh cãi suốt những ngày gần đây, chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam – ông Hoàng Vĩnh Giang đã phải lên tiếng.
Nhân vật có nhiều đóng góp cho ngành thể thao Việt Nam khẳng định với Trí Thức Trẻ: "Việc một số võ sư có trình độ hạn chế nhưng vẫn được thi đặc cách là có thể có nhưng là trong những hoàn cảnh đặc biệt.
Bởi trong quy chế của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam có quy định là được phép đặc cách trong một số trường hợp cụ thể. Tôi nói ví dụ thế này. Liên đoàn được thành lập từ năm 1991, thời gian đó cả nước chỉ có trên dưới 20 tỉnh thành thôi thậm chí còn ít hơn.
Theo thời gian thì thực tế đòi hỏi liên đoàn phải tổ chức các đợt thi nâng đai, nâng cấp. Theo quy chế cũ thì đẳng cấp cao nhất dành cho các võ sư là cấp 18. Tất nhiên, phải có quy định về trình độ và thời gian tập luyện, theo bao nhiêu năm, bao nhiêu tháng thì mới đạt được những đẳng cấp tương ứng.
Tuy nhiên, thực tế lại có nhiều trường hợp đặc biệt, ví dụ như các võ sư ở vùng sâu vùng xa, hoặc vì lý do nào đó mà người ta chưa muốn tham gia vào liên đoàn nhưng họ vẫn duy trì võ thuật của họ. Họ vẫn tham gia dậy võ cho một tập thể nhất định nào đó, vẫn ham mê tập luyện, rèn luyện thân thể, truyền đạt cho người khác những phương pháp để củng cố sức khỏe không phải để đánh nhau mà để học tấp tốt, lao động tốt.
Từ năm 1991 cho đến nay, người ta không tham gia liên đoàn mà chỉ tham gia từ 2014. Vậy thì trong quá trình đó, chúng tôi cũng đề xuất ra rất nhiều biện pháp mà nâng cấp những yêu cầu, quy định đó và đúng là có quy định lứa tuổi này thì đạt đẳng cấp bao nhiêu. Nhưng chúng tôi không thể bắt họ luyện tập từ cấp 1 được.
Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam cho rằng trường hợp trong những clip chỉ là những "hạt sạn" trong làng võ cổ truyền Việt Nam.
Vậy nên, chúng tôi phải sử dụng biện pháp khác. Mỗi địa phương đều có liên đoàn địa phương, sở VH-TT-DL địa phương. Nếu các đơn vị này có chứng nhận và đề xuất lên Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam về các trường hợp các võ sĩ có quá trình tập luyện, cống hiến, dù trình độ có thể chưa giỏi nhưng họ có thể giúp sức để phát triển phong trào thì chúng tôi vẫn cho thi.
Chúng tôi ở trên làm sao biết hết được trình độ của từng trường hợp cụ thể. Tất nhiên, họ phải có hoạt động võ thì mới xin đăng ký. Hơn nữa, việc đăng ký ở trình độ 4 đẳng, 5 đẳng cũng không phải là cao lắm đâu.
Từ năm 2014 thì chúng tôi bổ sung thêm quy định là với trình độ này thì phải bốc thăm những câu hỏi tương ứng để kiểm tra những kiến thức về võ. Các thí sinh khi thi phải trả lời được câu hỏi và đánh một bài quyền. Về mặt chuyên môn mà nói, chúng tôi có phân ra các đội đồng chấm thi ở các khu vực miền Bắc, miền Trung, niềm Nam… Nếu thi ở những đẳng cấp cao, các thí sinh phải có luận văn rất công phu.
Còn chuyện không có đẳng mà cho đẳng với một số trường hợp thì đây không phải là cho mà là liên đoàn tạo điều kiện cho những cá nhân có quá trình cống hiến, muốn gia nhập vào Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam để tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa.
Tôi lấy ví dụ như ở Hải Phòng, chủ tịch liên chị hội võ thuật ở địa phương này là một vị thượng tá hay đại tá từng là đặc công… làm chủ tịch thì tôi cho đó là một tổ chức rất tốt. Vậy thì chất lượng của những người đứng đầu như vậy theo tôi là có thể tin tưởng được và tôi tin họ sẽ không làm những điều bậy bạ.
Chúng tôi vẫn căn cứ vào đề xuất của các đơn vị để cho các thí sinh thi. Có một số trường hợp các thí sinh tuy có yếu một chút về chuyên môn nhưng người ta có lòng thực tâm thì lẽ nào chúng tôi lại chấm trượt người ta.
Ở Hải Phòng vừa rồi có lan truyền một số clip như vậy theo tôi, đó là xuất phát từ một mâu thuẫn nội bộ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không muốn tranh luận về điều đó. Chúng tôi cũng coi việc đó là điều nên rút kinh nghiệm. Bởi khuyết điểm thì ai sống trên đời cũng đều có cả. Bất cứ tổ chức nào cũng có những giai đoạn như thế.
Theo tôi, không thể nói những trường hợp võ sư có trình độ chưa tốt mà được đặc cách là làm xấu nền võ thuật cổ truyền Việt Nam. Suốt những năm qua, chúng tôi làm được rất nhiều việc với vai trò là một thành viên của Ủy ban Olympic Việt Nam.
Những trường hợp chỉ là một vài hạt sạn mà nếu là hạt sạn, khuyết điểm thì chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm để sửa chứ cái này hoàn toàn không xấu mặt gì cả. Trên thực tế, võ thuật cổ truyền Việt Nam vẫn luôn được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao".