Vô địch SEA Games, đừng quên dưới tay thầy Park là một "dòng máu kiêu hãnh" cuộn chảy

Tâm Anh - Ảnh: Đoàn Ca, Tú Anh |

Trong chức vô địch SEA Games lịch sử của thầy trò HLV Park Hang-seo, ngoài tinh thần chiến binh và tài thao lược, còn một yếu tố nữa nổi bật - niềm kiêu hãnh chiến thắng bỏng cháy.

1. Trước U22 Indonesia ở chung kết SEA Games, thầy trò HLV Park Hang-seo đã có một chiến thắng dễ dàng. Chiến thắng ấy khiến dù là đối thủ, hay bất kỳ nhà chuyên môn nào khó tính nhất cũng phải "tâm phục khẩu phục". Đến như HLV Lê Thụy Hải còn phải thốt lên: "Ông Park Hang-seo làm tôi giật mình, thực sự quá giỏi!".

Nhưng một chiến thắng dễ dàng, chưa chắc đã là một trận đấu dễ dàng, ít ra là tính cho đến lúc U22 Việt Nam có được bàn thắng mở tỷ số. Bàn thắng ấy được mở ra bởi cú đột phá của Đức Chinh, khiến hậu vệ đội bạn phải phạm lỗi. Nhưng khi quả bóng từ đầu Văn Hậu làm tung lưới U22 Indonesia, chắc hẳn không ít người đã phải thốt lên: "Chẳng phải đây là bài phối hợp ghi bàn quen thuộc của CLB Hà Nội hay sao?".

Vô địch SEA Games, đừng quên dưới tay thầy Park là một dòng máu kiêu hãnh cuộn chảy - Ảnh 1.

Bàn thắng ấy khiến đối thủ của U22 Việt Nam phải kinh ngạc, nhất là đội trưởng Andy Setyo - người theo kèm Văn Hậu ở tình huống ấy. Cầu thủ dạn dày kinh nghiệm của U22 Indonesia đã chuẩn bị rất kỹ để "bất chết" Văn Hậu, nhưng không thể ngờ được hậu vệ này lại xuất sắc đến nhường ấy. Pha bóng ấy, Indonesia "phải chết".

Là bởi, vẫn còn nhiều người không hề ngạc nhiên. Ít ra là HLV Park Hang-seo hay những đồng đội của Văn Hậu ở CLB Hà Nội. Với thầy Park, không ai khác ngoài Văn Hậu mới là người được ông chọn để "kết liễu" Indonesia, đưa U22 Việt Nam lên ngôi vô địch.

Ngay sau trận đấu, HLV Lê Thụy Hải nhận xét: "Mà hôm nay, tôi thấy cái lạ là ông Park lại để Văn Hậu hơi tự do một chút. Nhờ thế Văn Hậu lên bóng được rất nhiều, chứ không chỉ cố định ở dưới bọc lót. Nhờ thế mới có hai bàn thắng".

Việc thiếu vắng Quang Hải rõ ràng khiến U22 Việt Nam thiếu đi ít nhiều sự cơ động, đột biến. Điều ấy là rõ ràng khi suốt hai năm trời qua, HLV Park Hang-seo luôn đặt Quang Hải vào vị trí trung tâm, là linh hồn của mọi đội bóng mà ông dẫn dắt, mang không ít thành công về cho bóng đá Việt Nam. Nhưng trong trận đấu quan trọng nhất, ông đặt niềm tin của mình đúng chỗ, và sự đột biến hôm nay mang tên Văn Hậu.

Vô địch SEA Games, đừng quên dưới tay thầy Park là một dòng máu kiêu hãnh cuộn chảy - Ảnh 2.

2. Gần 2 năm về trước, ở trận khai màn của U23 Việt Nam trên đất Trung Quốc, Văn Hậu là người kiến tạo cho Quang Hải ghi bàn thắng mở tỷ số trước U23 Hàn Quốc. Pha bóng ấy, Văn Hậu cho hai hậu vệ đồng hương thầy Park "hít khói", trước khi căng đường bóng sệt cực kỳ chuẩn xác, đặt Quang Hải vào tư thế sút bóng cực kỳ thuận lợi.

Hôm qua, trong trận chung kết SEA Games 30, không còn Quang Hải bên cạnh Văn Hậu, nhưng Hùng Dũng thì vẫn còn đó, sự ăn ý giữa những chiến binh luôn khát khao chiến thắng dưới màu áo CLB Hà Nội vẫn còn nguyên đó, với Thành Chung, Thái Quý.

Quang Hải, Hùng Dũng và Văn Hậu chính là những cầu thủ chơi bóng nhiều nhất dưới thời HLV Park Hang-seo. Hai năm qua, Quang Hải chơi tổng cộng 125 trận, với hơn 10.000 phút ra sân. Hùng Dũng và Văn Hậu có thể ít hơn chút ít, nhưng cũng là những con số ít cầu thủ chuyên nghiệp - cả Việt Nam lẫn thế giới, có thể đạt đến được.

Vô địch SEA Games, đừng quên dưới tay thầy Park là một dòng máu kiêu hãnh cuộn chảy - Ảnh 3.

Kinh nghiệm dạn dày là thứ giúp cho các cầu thủ của CLB Hà Nội trong U22 Việt Nam, cũng như ĐTQG Việt Nam luôn có được nhiệt huyết sục sôi mỗi khi ra sân, nhưng vẫn còn một thứ nữa khiến họ luôn được HLV Park Hang-seo chọn là những nhân tố chủ chốt cho thành công của mình - niềm kiêu hãnh.

Trong họ luôn có niềm kiêu hãnh của những nhà vô địch, của một đội bóng lớn, để rồi chiến đấu không chỉ vì bản thân, mà còn vì tên tuổi của đội bóng mà mình khoác áo.

Văn Hậu đâu chỉ biết "đè chết" đối phương ở biên trái quen thuộc của mình. Văn Hậu đâu chỉ biết ghi bàn đem về chức vô địch SEA Games cho bóng đá Việt Nam. Cầu thủ mới có 20 tuổi này còn biết dùng mặt cản bóng, quyết tâm không để đối phương ghi bàn, dẫu phải đối mặt với chấn thương.

Vô địch SEA Games, đừng quên dưới tay thầy Park là một dòng máu kiêu hãnh cuộn chảy - Ảnh 4.

Trong Văn Hậu, đâu có có hình bóng của một Nemanja Vidic - "hòn đá tảng" huyền thoại của Man United, luôn lăn xả hết mình vì màu áo Quỷ đỏ. Khi được hỏi điều gì khiến anh luôn nỗ lực hết mình dù phải đối mặt với chấn thương, cựu danh thủ người Serbia này đã khẳng định: "Đó là niềm kiêu hãnh. Mũi vỡ có thể sửa, nhưng niềm kiêu hãnh thì không".

Với các cầu thủ CLB Hà Nội cũng thế, niềm kiêu hãnh được khoác lên người màu áo của nhà vô địch là điều không gì có thể đánh đổi được. Và khi họ mang niềm kiêu hãnh đó lên đội tuyển, họ chiến đấu vì niềm kiêu hãnh mang tên Việt Nam - tổ quốc của mình, và là niềm kiêu hãnh của những nhà vô địch.

Vô địch SEA Games, đừng quên dưới tay thầy Park là một dòng máu kiêu hãnh cuộn chảy - Ảnh 5.

Bầu Đức từng nói rất nhiều về tấm huy chương vàng SEA Games ý nghĩa thế nào với ông, với các cầu thủ, với bóng đá Việt Nam. Bầu Hiển thì chưa bao giờ.

Nhưng khi để Văn Hậu sang Hà Lan, yêu cầu tiên quyết CLB Hà Nội của ông đưa ra là phải trả Văn Hậu về đá SEA Games, để đem tấm HCV về cho bóng đá Việt Nam sau quãng thời gian dài đằng đẵng đợi chờ.

CLB Hà Nội bỏ ra gần 1 tỷ đồng để đưa Văn Hậu về dự SEA Games. Về mặt hình ảnh lẫn tài chính, họ chẳng được lợi gì từ động thái đấy cả. Nếu có thể giải thích, thì đấy chỉ có thể là niềm tự hào. Niềm tự hào của CLB vô địch, với những cầu thủ vô địch cống hiến hết mình cho ngôi vô địch mà dân tộc mình khát khao. Sự tự hào ấy, cái giá gần 1 tỷ đồng chẳng phải là quá rẻ hay sao?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại