Vô địch AFF Cup, tuyển thủ nữ Việt Nam vẫn phải bán hàng trên mạng, tư vấn xuất khẩu lao động

HÀ THÀNH |

Nhiều tuyển thủ nữ Việt Nam vẫn phải làm thêm bằng cách bán hàng trên mạng, thậm chí tư vấn xuất khẩu lao động.

Tuyển nữ Việt Nam vừa đánh bại đại kình địch Thái Lan ngay trên sân nhà của đối thủ để lần thứ 3 trong lịch sử giành chức vô địch AFF Cup. Chiến thắng càng ý nghĩa hơn khi Thái Lan vừa trở về từ sân chơi World Cup và rất quyết tâm bảo vệ chức vô địch AFF Cup.

Nhưng đằng sau những chiến thắng lịch sử mà các cô gái Vàng của bóng đá nước nhà mang về, ít ai biết rằng, họ vẫn hàng ngày phải mưu sinh bằng những nghề khác khi bóng đá chưa đủ khả năng nuôi sống họ và gia đình.

Trong cuộc giao lưu trực tuyến sáng 30/8 trên Báo Tiền Phong, cầu thủ hai lần giành danh hiệu Quả bóng Vàng Việt Nam (2018 và 2014) Nguyễn Thị Tuyết Dung chia sẻ: 

“Ở CLB Hà Nam, tính cả tiền ăn và tiền công, hàng tháng chúng tôi được khoảng 6,5 triệu đồng. Khi lên đội tuyển thì không được lĩnh lương ở CLB nữa. Bù lại chúng tôi có chế độ theo quy định của nhà nước, VFF cũng hỗ trợ chúng tôi và có thêm cả tiền mua kem dưỡng da, chống nắng…”.

Vô địch AFF Cup, tuyển thủ nữ Việt Nam vẫn phải bán hàng trên mạng, tư vấn xuất khẩu lao động - Ảnh 1.

Tiền vệ Nguyễn Thị Tuyết Dung (Ảnh: Tiền Phong)

Cũng theo lời tuyển thủ quê Bình Lục, Hà Nam, tại CLB hiện tại cô và các đồng đội vẫn ở trong những căn phòng dưới gầm khán đài sân vận động tỉnh. Trước đây phòng có điều hòa nhưng dùng bao nhiêu, các cầu thủ phải tự trả tiền điện. Sau đó HLV Mai Đức Chung xuống và có những đề nghị với CLB thì việc sử dụng điều hòa mới được miễn phí.

Tiền đạo Phạm Hải Yến thì chia sẻ: “Ở CLB Hà Nội, tôi được hưởng chế độ vận động viên cấp 1. Đồng thời, ban lãnh đạo cũng kêu gọi thêm nhà tài trợ. Tổng thu nhập của mỗi cầu thủ khoảng 10 triệu đồng/tháng”.

Thu nhập từ việc tập luyện và thi đấu còn nhiều khó khăn, không ít các tuyển thủ nữ phải làm thêm. HLV Mai Đức Chung thừa nhận điều này. Thậm chí ông khẳng định, hầu hết cầu thủ đều làm thêm. Rồi ông chỉ về phía Tuyết Dung.

“Em có nghiên cứu và làm thêm việc tư vấn xuất khẩu lao động cho những ai có nhu cầu. Trước đây thì em bán hàng trên mạng. Đời cầu thủ ngắn, sau này nếu giải nghệ, được theo nghiệp HLV thì quá tốt rồi nhưng nếu không được thì cũng phải chuẩn bị cho mình một công việc ổn định để làm” – Tuyến Dung chia sẻ thêm.

Tuyết Dung từng gây chú ý vài năm trước bởi hình ảnh cô mặc áo đội tuyển Việt Nam, đội nón ra đồng gieo mạ giúp gia đình trong thời gian không thi đấu.

Câu chuyện, hình ảnh của Tuyết Dung là điển hình cho một ý chí vượt khó của các tuyển thủ nữ Việt Nam, nhưng cũng là sự nhắc nhở những người có trách nhiệm cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam nói chung, bóng đá nữ Việt Nam nói riêng phải thực sự quan tâm, chăm lo hơn nữa tới đời sống của các cầu thủ – những người mà có thể chỉ 4 năm nữa thôi, sẽ hát vang quốc ca Việt Nam ở sân chơi World Cup.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại