Nguồn gốc phái Võ Đang
Theo "Vương Trưng Nam mộ chí minh" của Hoàng Tông Hy, phái Võ Đang do Trương Tam Phong sáng lập trên núi Thái Hòa (núi Võ Đang) thuộc tỉnh Hồ Bắc – Trung Quốc, là tông phái Nội gia, bắt nguồn từ thời Tống hưng thịnh vào thời Minh, thờ Chân Vũ Đại Đế.
Trương Tam Phong (1247- 1366) người Ý Châu – Liêu Đông, nay là Liêu Ninh – Trung Quốc, tên thật là Trương Quân Bảo, đạo hiệu Côn Dương, sư tổ phái Võ Đang (sư tổ Nội đơn Đạo gia và Quyền thuật Đạo gia), ông là nhân vật có thật sống vào cuối thời Nguyên đầu thời Minh, chủ trương “phúc do mình cầu, mệnh do mình tạo”.
Chân dung sư tổ Võ Đang – Trương Tam Phong, nhân vật có thật sống vào cuối thời Nguyên đầu thời Minh
Trương Tam Phong từng học võ tại Thiếu Lâm tự, nhưng vì vi phạm môn quy nên bị đuổi khỏi Thiếu Lâm. Về sau, ông dựa vào sự linh hoạt ứng biến của võ công Thiếu Lâm, tạo ra “Nội gia quyền” là tôn chỉ của phái Võ Đang sau này.
Công pháp phái Võ Đang chủ về cường gân cốt, vận khí công, thiên về tu luyện nội công, lấy tĩnh chế động, lấy nhu khắc cương, lấy ngắn thắng dài, lấy chậm địch nhanh, dùng ý vận khí, dùng khí vận thân, thiên về âm nhu, chủ về hít thở, giúp hào kiệt trong thiên hạ được khỏe mạnh tăng thêm tuổi thọ, không chủ trương tấn công nhưng không dễ gì xâm phạm.
Nhờ vậy, võ thuật Võ Đang lừng lẫy trên giang hồ, lời tán dương "Bắc tôn Thiếu Lâm, Nam sùng Võ Đang", cho thấy vị thế của phái Võ Đang trong võ thuật Trung Hoa.
Phái Võ Đang có các kiểu quyền thuật như: Thái cực quyền, Vô cực quyền, Diều vu trường quyền, Viên nhu phục địa quyền, Lục bộ tán thủ, Võ Đang Thái Ất ngũ hành quyền.
Võ Đang hổ trảo công (thức võ vuốt hổ Võ Đang)
Nội công phái Võ Đang có sáu thức “Tẩy tủy kim kinh” (Kim sư đoạt mao, Phượng điểm đầu, Gió đùa lá sen, tả thiền kim ti, hữu thiền kim ti, đao chém Hoa Sơn).
Kiếm Vũ Đang, kiếm Bạch Hồng, kiếm Thái cực, thương Lục hợp, đao Lục hợp, côn Tùng khê là những vũ khí của phái Võ Đang. Trong tiểu thuyết võ hiệp cũng thường nhắc đến hai trận pháp của phái Võ Đang là Cửu cung Bát quái, Tam tài kiếm trận.
Kiếm thuật Võ Đang
“Bắc tôn Thiếu Lâm, Nam sùng Võ Đang”
Võ học của sư tổ Trương Tam Phong truyền lại có ít nhất mười mấy chi phái: Tam phong tự nhiên, Tam Phong, Tam Phong chính tông tự nhiên, Bồng Lai, Ẩn Tiên,...
Năm 1989, phái Huyền Vũ được phục hưng, một người có thể được truyền thừa công phu của hai phái là chuyện thường thấy. Đệ tử chân truyền học được nhiều và có bề sâu hơn đệ tử tục gia, hơn nữa còn nắm được cả tư tưởng triết học, tôn giáo, y thuật, kiến thức mật truyền,... ngoài quyền thuật.
Sư đồ các thời được truyền dạy võ thuật Võ Đang và Thái Cực Quyền ngày càng đông. Nhiều người chính thức lên núi tu đạo rất ít tiếp xúc với truyền thông, thậm chí là mạng xã hội, nên người ngoài không biết đến họ.
Tuy nhiên cũng có nhiều thầy mở lớp thu nhận đệ tử, đảm nhận chức vị cao, được nhiều người biết đến, được quay phim ghi hình, tham gia Đại hội giao lưu biểu diễn võ thuật.
Cung điện Tử Tiêu
“Tử Tiêu cung” được xây vào năm 1413, phần chính của quân thể kiến trúc 8 đạo quán lớn trên núi Võ Đang, là một trong những cung điện hiện còn được bảo tồn hoàn chỉnh nhất ngày nay.
Lật lớp rêu phong, tìm về những dấu tích thuở xưa, ta có thể kiểm chứng núi Võ Đang cũng như môn phái Võ Đang trong tiểu thuyết kiếm hiệp là có thật; t.a có thể biết chắc nhân vật lừng danh Trương Tam Phong - người sáng lập Thái cực quyền nổi tiếng thế giới là có thật.
Ta có thể tin chắc rằng Trương Vô Kỵ - cháu nội Trương Tam Phong – Giáo chủ Minh giáo - anh hùng kiệt xuất trong mắt hào kiệt giang hồ trong trận chiến ở đỉnh Quang Minh, giải cứu lục đại môn phái tại Vạn An tự, phá âm mưu "Trừ Thiếu Lâm trước, diệt Võ Đang sau" của Triều đình nhà Nguyên kia – đúng là đã sống trong ...tiểu thuyết “Ỷ thiên đồ long ký” của Kim Dung.
Đạo trưởng Chung Vân Long – Chưởng môn chi phái Võ Đang Tam Phong
Ngày nay, phái Võ Đang vẫn là môn phái Đạo giáo có tầm ảnh hưởng nhất định ở Trung Quốc, lại càng nổi tiếng hơn nhờ có sư tổ của võ phái Trương Tam Phong tinh thông các kinh điển, võ nghệ siêu quần.
Đương thời, rất nhiều vị hoàng đế tôn kính ông, mong được gặp ông, nhưng không có cơ hội, điều đó càng tôn cao danh vọng của ông. Hơn nữa, môn phái chính nằm trên núi Võ Đang – một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Trung Quốc.
Giáo lý của phái Võ Đang là “tam giáo đồng nhất”, chủ trương nhân từ trung hiếu. Một số giáo lý giáo quy của Võ Đang về sau được chi phái Toàn Chân đồng hóa, Nội gia quyền Võ Đang do phái này sáng tạo ra vẫn được lưu truyền cho tới tận ngày nay.
Ảnh/Nguồn: baike